Người Lính Còn Lại / tập truyện ngắn

Tuyển tập truyện ngắn do Nhân Văn xuất bản năm 1991
Bìa Sáu Sang
238 trang – Giá bán 10 mỹ kim

 Người Lính Còn Lại  trang 11 / Đứa Em Hạnh Phúc trang 37 / Người Mang Máu Đen trang 61 / Như Diều Đứt Dây  trang 77 / Đất Và Người trang 117 / Hạt Giống Thui Mầm trang 135 / Một Câu Chuyện Buồn Hơn Chuyện Buồn trang 161 / Ý Nghĩ Mùa Xuân trang 185 / Vẫn Cao Hơn Núi  trang 209





Thượng Văn viết về Người Lính Còn Lại

Bằng ngôn ngữ của chính tác giả, tập truyện này là một tập hợp của nhiều mẩu đời. Biết thế người đọc sẽ kém ngạc nhiên khi bị ném tung vào cái thế giới biến động, xô bồ, hỗn loạn và bi kịch do ông tạo ra. Tập truyện mang đến trước chúng ta cái chiều dài hun hút của cuộc đời, những thăng trầm, dâu biển không thể thiếu, những nghiệp chướng, oan khiên trùng trùng… Ở đâu đó trong mỗi truyện, mỗi cuộc đời, là cái dấu ấn lồ lộ của thời cuộc đã đưa đẩy từng nhân vật của chúng ta vào chốn luyện ngục của Dante, đã đặt con người trong những thử thách luôn luôn vượt quá sức người, những con người bình thường, nhỏ bé như Từ An (Hạt giống thui mầm), như Kim Chi (Đứa em hạnh phúc) và… như chúng ta. Thời cuộc đã đặt con người trong tư thế phải đương đầu với mọi bất trắc, trở lực, mọi đe dọa, mọi âm mưu, toan tính từ muôn phía, trong cô đơn. Bi kịch dường như không thể tách rời khỏi sự cô đơn của con người trong hành trình đời sống. Cuộc chiến đấu lớn sau 75 ở Việt Nam không ở ngoài nỗi cô đơn tịch mịch của mỗi số phận người.
“Người lính còn lại” mang đến chúng ta những hệ lụy đời người được đo lường bằng cả khối lượng quá khứ nặng trĩu, đầy ắp. Người ta có thể cảm nhận được cái sức nặng của quá khứ ấy trên đôi vai từng nhân vật được tác giả tạo dựng. Nhưng cũng chính ở đây sự khác biệt được nhìn thấy. Cuộc đời ở đây không đao to búa lớn, không kêu gào, không màu mè, làm dáng. Đó là những chiếc bóng qua đường, lặng thinh, lầm lủi. Ngay cả cái ý thức lóe sáng đóng vai trò kể chuyện trong nhân vật xưng ”tôi” (trong Người lính còn lại, Hạt giống thui mầm, Như diều đứt dây, Đứa em hạnh phúc) cũng lùi lại phía sau làm một chiếc bóng khác. Tác phẩm là cái ngoảnh đầu nhìn lại phía sau, một phần đời đã sống, một quê hương đã bỏ lại. Tất cả xa hun hút, bạt ngàn nhưng cũng rất gần gũi, thân quen. Cái nhịp độ chậm rãi, bùi ngùi của từng câu chuyện kể không phải chỉ có ở thì quá khứ, nó xảy ra ở cả hiện tại (Một câu chuyện buồn hơn chuyện buồn, Đất và người). Người ta sống bởi vì không có lựa chọn nào khác ngoại trừ lựa chọn không đánh mất chính mình.
“Người lính còn lại” đã không ngừng lại ở cái chiều dài bề mặt của đời sống. Cái đắm chìm bên dưới của đời sống đó đã mang tác phẩm tới một chiều kích khác, sâu thẳm hơn. Nó xác định con người không thể sống và suy nghĩ ở ngoài cảnh ngộ dân tộc. Sự dứt khoát đứng về một phía không hẳn chỉ vì những ràng buộc không thể cắt rời với quá khứ mà là một chọn lựa gần hơn phát xuất từ thực tế trước mắt và là một chọn lựa ở về phía đám đông lầm than, bĩ cực. Ở đâu đó Nietzsche có cho rằng không nghệ sĩ nào có thể khoan dung với thực tế. Và ở nhiều nơi khác đã có người hiểu ra rằng nghệ sĩ nên quay lưng với thực tế. ”Người lính còn lại” là tiếng nói thẳng thắn không khoan nhượng với thực tế Việt Nam cũng như không chấp nhận thái độ mặt lạ với thực tế ấy…


 ______________________________________________________________________________________

Người Lính Còn Lại

…. còn lại hai mươi lăm người gồm đàn bà và trẻ con. Những con người chưa bị ném vào đời một lần bắt đầu sống trực diện với cuộc đời đã hoàn toàn thay đổi. Và tất cả bốn mươi ba người đều không nghĩ, không hề nghĩ rằng: đó là buổi tối sum họp cuối cùng trong kiếp người họ Nguyễn….
__________________________________________________________________________