Tuyển tập truyện ngắn do Văn Nghệ xuất bản năm 1988
221 trang – Giá bán 10 mỹ kim
Số Độc Đắc trang 17 / Mùa Xuân Về Cội trang 37 / Điều Còn Lại trang 53 / Rồi Cũng Yêu Nhau trang 67 /
Cậu Út
trang 91 / Tìm Lại Trái Tim trang 109 / Qủa Tang trang 127 / Hạnh Phúc
Cuối Cùng trang 141 / Nửa Đêm trang 161 /
Tật Nguyền trang 175 /
Tối Tháng Năm Tại Quán Ăn Đường Fifth trang 197 / Cuối Năm trang 211
Nguyễn Mộng Giác
Nghĩ Về Truyện Nguyễn Ý Thuần
…. Rút chân ra khỏi cái phức
tạp của đời sống? Thoát ra ngoài các hệ lụy của lịch sử dân tộc? Gác bỏ
được những phiền toái nhục nhã của cơm áo? Dày lên trên những yêu ghét
thị phi? Người cầm bút đâu phải là những kẻ được trời ưu đãi sinh ra
trong nhung lụa và đời chỉ toàn gấm hoa. Ngược lại, như người thợ mỏ đi
tìm kim cương, họ phải sống chí tình với cuộc đời, yêu ghét đến
tận cùng sự sống, quay cuồng điên đảo theo vận mệnh của dân tộc. Dù họ
có muốn, không bao giờ quy ước luật lệ xã hội dành cho họ ưu đãi nào.
Nhân sinh là đêm, họ phải sống cùng đồng bào họ cuộc sống mù lòa. Đất
nước may mắn có một đêm trăng sáng, họ hớn hở reo cười theo nhịp hớn hở
của người chung quanh. Chỉ có một điều khác, là trong lúc sống tận cùng
và chí tình, người nghệ sĩ không ngừng thao thức, phản tỉnh, tìm ra cái
cốt tủy của mớ bòng bong hiện tượng, tìm ra thứ ”ánh sáng muôn năm” của
một tối trăng.
Đó là một công việc nhọc nhằn. Sống
cho đủ đã khó. Vừa sống cuộc đời này, lại vừa tự tách mình ra ngoài dòng
để nhìn bao quát sự sống, sự phân thân đau đớn luôn luôn là cái giá
phải trả để có được những viên kim cương cho nghệ thuật. Nếu không, tất
cả rồi cũng như ”ánh sáng đêm nay sẽ tan đi”, có ”buồn thương và nhớ
tiếc” bao nhiêu cũng thế thôi!
Tôi tìm thấy sự phân thân đau xót ấy
khi đọc những truyện ngắn của Nguyễn Ý Thuần, nhất là truyện ”Tối tháng
năm tại quán ăn đường Fifth”. Theo tôi, đây là một truyện ngắn đặc sắc,
tiêu biểu cho cá tính và văn phong của Nguyễn Ý Thuần nhất. Chuyện kể
thật đơn giản. Một đêm đã khuya một quán ăn gần ngã tư đèn xanh đèn đỏ.
Hai người bạn, một người nguyên là trung úy Thủy Quân Lục
Chiến, một người là thiếu úy Biệt Động Quân. Quá khứ của họ có nhiều
điểm giống nhau. Cũng vào sinh ra tử, chết trong đường tơ kẽ tóc và sống
giữa hỗn loạn máu me. Cũng ngơ ngác tủi nhục vì bị cấp lớn lo tháo chạy
trước, lơ ngơ dẫn vài người lính tìm đường về nhà. Cũng tù đày, vượt
ngục, vượt biên, rồi tiếp tục lơ ngơ nơi xứ lạ. Giống như Nguyễn Ý Thuần
thiếu úy Biệt Động Quân và nhà văn Cao Xuân Huy trung úy Thủy Quân Lục
Chiến ngoài đời, hai người lính trong truyện sống, cầm súng chiến đấu
chí tình cho đến giờ tan hàng. Họ không hề là người được ưu đãi, họ nhập
vào cuộc chiến một cách bất đắc dĩ, nhưng khi đã nhập thì nhập trọn
vẹn, nhập cho ra trò. Súng họ bị gãy đột ngột, không do họ. Một người
gãy súng vào tháng ba ở mặt trận cực bắc. Một người phải giấu súng mặc
áo thường dân thất thểu tìm về nhà ở mặt trận phía nam, hai ngày sau 30
– 4 – 75. Sau bao năm chịu đựng tủi nhục, liều lĩnh mưu sinh và thoát
hiểm, đêm nay họ ngồi ở đây, một cái quán nhỏ trên đường Fifth. Quá khứ
họ là đêm. Hiện tại họ là đêm. Nhưng tia lửa rực sáng của cuộc đời họ là
lòng trung thực. Hai nhân vật không thèm gian dối, với người, với mình.
Chính đức tính ấy tách biệt họ ra khỏi đám đông, giúp cho họ thấy được
những điều đám đông không thấy, hoặc không dám thấy. Cái can đảm phân
thân giúp họ trở thành hai con người, một người vẫn sống trọn vẹn với
quá khứ và hiện tại tha hương, một người tách ra ngoài đứng lên trên tra
vấn, nhìn ngắm cái toàn thể. Một người lầm lụi giữa bụi than. Một người
tinh mắt tìm kiếm những viên kim cương khuất lấp giữa khối đất
đá đen đúa. Đôi mắt khám phá cho được sự thực rốt ráo tận cùng, cho
được ”ánh sáng muôn năm” qua các biểu kiến phù du đã giúp Nguyễn Ý Thuần
khám phá thấy nhiều điều bất ngờ, khiến cho mỗi truyện ngắn của anh đều
mang một ý nghĩa sâu sắc.
Trong ”Tối Tháng Năm Tại Quán Ăn Đường Fifth”, đôi mắt trên cao đã nhìn thấy:
“Trời tháng năm thoáng và mát. Gió rất nhẹ, mơn man trên da thịt.
Người có râu xốc nách bạn, vắt cánh tay bạn ngang cổ, hít sâu một hớp
không khí. Không gian vắng lặng với ánh đèn đường hắt xuống. Bãi đậu
xe chỉ còn chiếc xe cũ của họ đậu bên một chiếc xe mới. Người có râu thở
dài nhìn cảnh vật. Hai chiếc xe cũ, mới cạnh nhau. Hình ảnh đôi giầy
trận mũi tròn bên đôi giầy cao gót hiện về. Lẩm bẩm những tiếng vô
nghĩa, người có râu dìu bạn đi từng bước. Bóng hai người đổ dài, ôm
choàng lấy nhau thành một vệt đen. Ngang qua cột đèn, người có râu giật
mình nhìn xuống đường. Dưới ánh điện, cái bóng của hai người thun lại,
phình to bề ngang. Như một cái xác cụt đầu đã sình thối”.
Chưa bao giờ cái cảm giác lưu vong thất cước được diễn tả trung thực, cô đọng và chói chang đến như vậy.
Nguyễn Ý Thuần dùng đôi mắt mở lớn,
sắc sảo, tinh tế ấy để khám phá nhiều mặt khác của đời sống, không bị
các phong trào hoặc các hiện tượng nhất thời chi phối…