Người Đàn Ông Chủ Nhật


Truyện ngắn Nguyễn Ý Thuần

Hắn nằm trên nệm ghế. Hơi thở dồn với vệt rãi bám trên mép trông như đứa trẻ trong giấc ngủ. Ví von thế cũng gượng khi nhìn hắn. Vạm vỡ, mạnh, nồng mồ hôi và bừng chất đàn ông làm giống cái phải thèm. Nhưng tôi vẫn nghĩ là một đứa bé để được an tâm qua sự quan hệ không bình thường. Thân như vợ chồng nhưng cũng lạ như hai người chưa lần gặp.
Đến giờ tôi vẫn chưa biết tên thật của hắn. Ngày theo ngày, hắn mang những cái tên mới. Lúc thì Minh. Lúc thì Huy. Lúc thì Trường… Mỗi tên mang một nhân cách và tên tôi cũng đổi. Dung. Hà. Jeanne, Mary…   Quá nhiều tên được gọi và dùng tôi không thể nhớ hắn đã mang tên gì và mình là ai. Chúng tôi lẫn vào những người lạ. Nhưng dù tên gì hay là ai, tôi luôn được đón và nhận những điều tưởng không thể có.

Tôi không đẹp. Điều này tôi biết từ ngày vừa lớn. Thứ nhan sắc trung bình của đứa con gái nhà nghèo chỉ cho tôi giấc mơ bình thường như lấy chồng, đẻ con, nấu nướng, may vá, làm việc vặt trong bốn bức vách gỗ. Chỉ vách gỗ chứ không dám nghĩ đến bốn miếng tường tô vôi vữa nên tôi đã sống lặng lẽ cho đến ngày Vị chết.
Sau hơn hai mươi năm, tôi chỉ còn các nếp nhăn, các đụn mỡ dư, không cần thiết cho lần hồi xuân. Số vốn nhỏ vơi hẳn sau đám táng Vị. Người chồng đi mang gần hết những gì mang lại để tôi ngơ ngác khi ba đứa con về với gia đình riêng ở ba thành phố khác. Căn chúng cư một phòng vắng hơn khi tôi bắt đầu sống một mình.

Nghĩa là trong sáu ngày, sau mười tiếng phụ bếp tại một nhà hàng Việt, tôi sẽ có những bữa cơm một mình, những buổi tối lăn lộn với gối chăn. Trên mặt giường, nơi nhiều lần tôi nằm im hoặc vờ hưởng ứng khi Vị hì hục bên trên nay lại gợi nhiều cảm xúc. Tôi thèm hơn ngày vừa lớn. Tôi nghĩ ra các việc làm để quên, để dùng hết ngày chủ nhật được nghỉ. Như đến Lion Plaza, một khu thương mại lớn của người Việt để đi chợ. Như đi chợ xong, sau khi xếp các gói hàng vào xe, sẽ đến quán phở gà Hưng để ăn. Như sẽ ngồi tại chiếc bàn kê ngoài sân, ăn và nhìn người qua lại, nhìn đám trẻ đùa giỡn với ba con ngựa gỗ rực màu của chiếc vòng quay. Uống ly nước và đọc vài trang báo biếu đã nhặt tại góc chợ, quán, hàng hay các vỉa hè. Ăn. Nhìn. Uống. Đọc. Chờ hết giờ. Ra bãi đậu. Mở máy xe. Về nhà tiếp tục các việc. Hút bụi. Giặt quần áo. Nấu bữa cơm tối nóng bù cho các bữa ăn vội trong tuần. Tắm. Xem qua truyền hình. Và hết một ngày khi tắt đèn ngủ. Những cái chớp. Những việc làm cần và không cần giúp tôi lấp khoảng trống trong khoảng hai năm thì hắn đến.

Tôi nhớ chủ nhật đó đầu mùa mưa. Vừa ăn xong, tôi cầm ly nước chưa kịp uống thì hắn đã đứng cạnh, đưa tờ báo trước mắt.
– Đọc đi.
Tôi giật mình ngước lên. Một tấm thân vạm vỡ choán tầm nhìn với khuôn mặt có vẻ dữ. Tôi hất tay, tờ báo chạm vào tô phở làm nước dùng bắn ra ngoài. Tôi không tránh kịp và một vệt loang đã dính trên áo.
– Ông muốn gì?
Tôi đứng lên, với chiếc xách tay định gây nhưng bắt gặp đôi mắt ngơ ngơ nhìn tôi như không phải nhìn tôi.
– Đọc đi. Chữ Việt đấy.
– Đọc cái gì?
Tôi gạt tờ báo sang một bên. Những hàng chữ đen và tấm ảnh màu nhường cho đôi mắt vẫn ngơ ngơ. Và thêm một nụ cười cũng ngơ ngơ trên khuôn mặt. Điên. Tôi nhủ thầm khi tờ báo lại đưa vào mắt.
– Chữ Việt đấy.
Tôi xoay người bỏ đi nhưng hắn lẽo đẽo theo với tờ báo trên tay. Quãng đường từ khoảng sân trong khu Lion đến bãi đậu xe khá dài để hoạt cảnh một người đàn bà bước vội và một người đàn ông cầm tờ báo đuổi theo, dưới cơn mưa bụi gây sự chú ý cho mọi người. Vài tiếng cười nổi lên làm hai má tôi nóng khi đến chỗ đậu xe. Hắn đến cạnh như chiếc bóng với tờ báo lại đưa lên.
– Đọc đi.
Trong thoáng gió, mùi mồ hôi nồng của hắn sực vào mũi.
Tôi sập mạnh cửa xe và mở máy, hắn cũng biết tránh sang một bên. Không có chuyện đáng tiếc xảy ra. Chỉ bực mình vì hỏng buổi sáng.
Về nhà, khi thay áo, nhìn vệt loang tôi tự hỏi sao lại dịu cơn nóng khi gặp ánh mắt hắn? Không có gì ngoài cái ngơ ngơ bịnh hoạn, vậy mà tôi bỏ qua chuyện người đàn ông lạ chạy theo, dí tờ báo vào mặt mình thật tự nhiên. Chỉ có hành động đầu là nhỏm dậy lúc vệt nước dùng bắn vào áo và hành động cuối là đóng mạnh cửa xe mang chút khó chịu.
Tôi vất chiếc áo bẩn vào giỏ chờ giặt.

Chủ nhật sau, tôi chuẩn bị sẵn để vệt nước dùng không bắn vào áo nếu chuyện lại xảy ra. Vô tình, tôi tính toán như sắp dự vào trò chơi mới.
Từ bãi đậu xe, sau khi cất các gói thực phẩm, tôi đến tiệm phở gà Hưng, vừa đi vừa nhìn quanh. Một điều khác thường từ ngày Vị mất.
Hắn đã ngồi tại một bàn ngoài sân, cách bàn tôi thường ngồi một khoảng ngắn. Ánh mắt ngơ ngơ không nhận ra tôi. Tôi thất vọng vì hắn đã quên chuyện tuần trước. Như thế, hoạt cảnh bị hắn đưa tờ báo vào mặt sẽ không xảy ra để việc chuẩn bị của tôi thành thừa. Tôi vào trong khu bán thức ăn với tâm trạng nửa an tâm, nửa thất vọng. Tôi gọi thức ăn. Trả tiền. Nhận. Và bưng khay thức ăn ra ngoài.
Tôi chọn cái bàn kê sát cột nhưng thay vì quay lưng về phía hắn thì tôi ngồi đối diện. Mặc hắn quên hay nhớ, cứ thủ thế trước vẫn hơn. Tôi tự nhủ khi ngồi xuống.
Hắn vẫn không nhìn tôi. Đôi mắt ngơ ngơ hướng về ba con ngựa gỗ, hai tay trống buông thõng. Chồng báo biếu xếp ngay ngắn trên bàn, cạnh ly nước uống dở. Hắn ngồi yên, đầu nghiêng như đang lắng nghe điệu nhạc vui phát ra từ vòng quay. Tôi cúi xuống. Tôi ngước lên. Hắn vẫn không đổi thế ngồi. Yên như tượng. Tôi bỏ mặc và cúi xuống tô phở. Hắn đã quên mình. Tôi nhủ thêm lần nữa.
– Đọc đi.
Tôi giật mình, đánh rơi chiếc đũa vào tô phở. Một vệt nước dùng bắn vào áo. Hắn đã đứng cạnh, trên tay là chồng báo biếu đưa ngang mắt tôi. Tôi ngả người, lưng chạm thành ghế, nhớ lại các hành động xắp sẵn trong trí.
– Đọc đi. Chữ Việt đấy.
Vẫn câu nói tuần trước, vẫn cái nhìn ngơ ngơ nhưng lần này có thêm nụ cười. Hình như hắn đã nhận ra tôi. Một thoáng gió hắt ngang làm mùi mồ hôi nồng lên.
Tôi gạt tờ báo.
– Cám ơn.
– Đọc đi. Chữ Việt đấy.
Tờ báo đưa gần hơn. Tôi cầm chiếc bóp, đứng lên, bỏ mặc tô phở ăn giở.
Hoạt cảnh tuần trước tái diễn. Vẫn có những tiếng cười nhưng tôi quên gọi người giữ trật tự như đã tính. Ngay cả lúc thấy ông ta từ dãy cửa hàng đối diện.

Bây giờ hắn nằm đó với khuôn mặt như nặn bằng sáp. Chỉ có tiếng ngáy mạnh sau khi thân thể thoát ra một phần sinh lực là nét sống. Tôi nhìn hắn, như đã nhìn bao lần, để nhớ lại điều vừa xảy ra. Cảm xúc khác hẳn hai mươi năm đã có với Vị. Luôn luôn là cái mệt với từng sớ thịt căng. Tôi ướt đẫm, nằm xoãi trên giường, nhìn tấm lưng chắc lấm tấm mồ hôi. Hắn bỏ mặc tôi với vệt tinh trùng vãi trên bụng, lầm lũi về phía chiếc ghế bành để lập lại các hành động. Quấn chiếc mền vào người. Buông mình xuống nệm. Không nói một lời. Mắt nhắm nghiền. Và chừng thoáng ngắn là tiếng ngáy vang lên. Sự có mặt của tôi như không có. Chỉ cần chỗ nằm để lấy lại phần sinh lực vừa mất.
Mọi việc diễn đều hàng tuần. Những chi tiết lập lại trong khuôn thời gian. Tôi giữ đúng giờ. Hắn cũng thế. Để mỗi chủ nhật tờ báo được đưa ngang tầm mắt tôi với câu nói đã thành quen. Chỉ có một điều thay đổi – một nhưng đã là tất cả – là thay vì tôi đóng mạnh cửa xe, bỏ lại hắn thì hắn đã cùng về căn chúng cư đang sống.
Đó là tháng thứ ba, từ lúc gặp hắn. Bấy giờ vệt nước dùng của tô phở gà không còn bắn vào áo. Tôi đã biết cách để giữ đôi đũa không rơi xuống, làm bẩn áo.
– Đọc đi.
Tờ báo ngang mắt tôi.
– Cám ơn.
– Đọc đi. Chữ Việt đấy.
Vẫn các câu nói. Vẫn các hành động. Vẫn có tiếng cười khi hắn lẽo đẽo theo tôi ra bãi đậu xe. Tôi ngồi vào xe và thay vì đóng cửa để bỏ hắn một mình thì tôi nói.
– Ông đọc đi.
Hắn khựng lại, không đứng tránh sang một bên như các lần trước, rồi thật tự nhiên, hắn vòng qua mũi xe để bước về phía cửa của khách. Tôi nhìn qua kính hơi lo. Tuy khuôn mặt hắn không lộ nét dữ nhưng tôi vẫn không dám quay kính xe xuống. Hắn đứng yên, mắt chăm chăm vào tờ báo. Qua khung cửa xe phần dưới thân hắn hiện rõ. Hai bắp chân to, dạng ra làm lớp vải quần căng phồng. Dù cửa xe đóng nhưng mùi mồ hôi vẫn hắt vào. Rõ mùi con đực. Tôi khép đùi. Ý nghĩ táo bạo lướt qua trí. Tôi nhắm mắt mở cửa xe.

Từ lâu, tôi đã bỏ mặc và từ chối không cho ba đứa con ở xa về thăm. Hãy giữ thế này bởi tôi cần sống. Dù chỉ một mình.
Nghĩ thế nên tôi tham dự vào trò chơi một cách dễ dãi, mặc các nhân cách biến đổi từ hắn và cả của mình mà không cần tìm hiểu. Chỉ sau khoảng thời gian ngắn, tôi hết ngạc nhiên. Tôi cần thân thể đàn ông. Tôi cần tôi. Và chúng tôi đã lồng vào các người khác. Tuần này tôi là Dung nhưng tuần sau có thể là một Tracy nào đó. Tuần trước hắn là Minh nhưng mới đây là Dũng. Chỉ hành động không đổi. Đều đặn. Đúng nhịp từng chủ nhật từ sáng đến chiều. Từ bãi đậu xe khu Lion đến viện dưỡng trí trên đường William. Dù nắng hay mưa, tất cả cần theo nhịp cho đến lúc hắn xuống xe, đóng mạnh cửa, bỏ mặc tôi ngồi phía tay lái. Không nói, không cười, hắn băng sang đường, đẩy cánh cửa xám, lách vào, biến mất. Như chưa từng có.
Từ trong xe, tôi thấy viện dưỡng trí như con quái vật vừa nuốt một góc đời mình. Một ngày của một tuần đã thành cần thiết để sáu ngày còn lại hóa thừa. Ngắn. Nhưng đủ để xóa dần hai mươi năm bên Vị.
Hắn đã biến thành loài thú như tôi muốn với trái bóng căng phồng thoát ra thèm muốn. Tôi rã rượi dưới sức nặng của hắn khi bắt đầu mang tên của người nào đó. Tôi đã biết cách đưa hắn đến với mình. Giản dị nhưng chặt chẽ là giữ đúng giờ giấc, không thay đổi đối thoại hay hành động. Người đàn ông này có trí nhớ như những ô kéo ngăn nắp. Mở ngăn nào thì có các vật chứa sẵn trong ngăn đó.
Thật ra, tôi đã muốn đổi nhưng không được vì ngoài các thủ tục giấy tờ là đời sống riêng của hắn trong sáu ngày. Tôi không thể mang hắn về. Các thói quen bị xóa có thể làm hắn biến thành người khác. Tôi không dám. Sự có mặt của hắn tuy ngắn, chưa đủ một ngày nhưng cần thiết. Sáu ngày khác chỉ biết căn bếp bẩn của nhà hàng. Sáu đêm dư lăn lộn với chiếc gối kẹp giữa hai đùi. Lần hồi xuân làm tôi sợ mất ngày chủ nhật. Tôi không muốn thêm một lần sai nhịp.
Đến bây giờ tôi vẫn nhớ buổi sáng duy nhất đó. Sau khi buông đũa xuống, hắn đứng cạnh nói “Đọc đi”, thay vì nói “cám ơn” để chờ thêm câu “Đọc đi. Chữ Việt đấy” rồi đứng dậy, tôi lại với tay cầm chồng báo. Lúc đó, tôi không thấy gì lạ trong đôi mắt trơ trơ nhưng các hành động quen thuộc không được làm. Hắn quay lưng bỏ đi. Tôi gọi hắn bằng một cái tên đã gọi. Hắn như không nghe. Tôi đứng dậy, gọi thêm bằng những cái tên của hắn khi làm tình. Hắn không ngoảnh đầu lại. Tôi chạy theo, gọi bằng tiếng “anh”. Hắn tiếp tục đi về dãy cửa hàng trước mặt. Tôi níu tay hắn, kéo lại. Hắn giật tay và hét lớn. Tiếng la thất thanh khi hắn dùng hai bàn tay đập mạnh vào đầu mình mọi người chú ý. Tôi lùi lại và mất hắn chủ nhật đó.
Tôi trở về. Khoảng trống của mặt nệm hắn nằm phủ đầy nắng từ cửa sổ hắt vào. Tôi nhìn tấm màn che và tự trách. Nhớ lại thời gian vừa qua. tôi lo lắng liệu có còn các chủ nhật không? Dằn vặt sáu ngày để cuối tuần tôi mới tìm lại điều mình cần. Hắn vẫn đến khu Lion vào chủ nhật. Tôi lại nói và làm các hành động lập lại để đưa hắn về nhà. Mặt nệm lại không thừa. Tấm màn che lại được phủ. Tôi hiểu mình đã chiếm được một ngăn kéo trong chiếc tủ trí nhớ của hắn.

Tôi nhìn đồng hồ. Còn khoảng mươi phút nữa hắn sẽ thức. Một vệt nắng xuyên qua khe hở của tấm màn che, hắt vào ngực hắn. Tháng này, khi vệt nắng trôi xuống bụng dưới thì hắn sẽ tỉnh giấc. Nắng tại đây cao thấp theo mùa nhưng chúng tôi vẫn trôi theo nhịp. Tại mặt nệm ghế này, hắn đã tỉnh giấc với các vệt nắng rơi các chỗ trên thân. Lúc bám vào mặt. Lúc tuột xuống chân. Hôm nay là phần bụng. Những vệt nắng không được đặt vào ngăn trí như các hành động rập khuôn. Tôi cũng nằm trong một khoảng nào đó của ngày chủ nhật.
Chỉ chủ nhật bởi đã có vài ngày trong tuần tôi đến tìm hắn tại viện dưỡng trí. Xuyên qua dãy hành lang hẹp nhưng sâu, những con người đủ loại đã đưa mắt nhìn tôi như nhìn một thứ đồ vật. Họ đứng, ngồi thõng thượi như các hình nhân bằng nhựa dẻo. Tôi gặp hắn trong đám đông đó. Lúc ngồi trên chiếc ghế gỗ kê tại vườn sau. Lúc mở mắt trân trân vào mặt truyền hình. Lúc nằm dài trên chiếc nệm cũ, xỉn màu… Nhưng không lúc nào nhận ra tôi. Tôi đứng trước mặt một con người từng ôm ấp mà tưởng chưa bao giờ gặp. Tôi gọi thử bằng vài cái tên đã gọi. Vẫn chỉ đôi mắt ngơ ngơ. Tôi ngưng lại tại đó khi hiểu mình chỉ nằm trong ngăn kéo chủ nhật.
Vệt nắng rơi xuống bụng, hắn vẫn ngủ nhưng hơi thở bớt dồn, phần sinh lực tiêu hao đã được lấy lại. Tôi nhìn vào bụng dưới hắn. Tấm mền quấn ngang bụng cắt phần lông rậm cộm lên. Tôi nhìn đồng hồ. Hai chiếc kim dài ngắn đang nhích gần nhau. Lát nữa đây, khi chiếc kim dài chồng lên chiếc kim ngắn hoặc vượt qua một nấc thì hắn sẽ lồm cồm bò dậy, hất tấm mền xuống. Chộp tờ báo đã được tôi xếp sẵn trên bàn, mở ra và tiến về giường, phần thân thể căng, cứng, tồng ngồng trước mắt tôi.
– Đọc đi.
– Cám ơn.
– Đọc đi. Chữ Việt đấy.
Rồi lập lại những động tác. Như một hình nộm được kéo dây từ cõi xa nào đó. Cho đến lúc hắn chồm lên là tôi biết một con người vừa sống lại với một tên gọi mới. Hắn gần như mọi thứ đồ đạc bao quanh nhưng cũng xa lạ vì tôi không thể biết từ đâu đến. Tôi đã tưởng tượng đến một con người nào đó có liên quan đến chữ nghĩa, bị ngã bịnh. Nhưng chỉ là sự tưởng tượng của tôi. Bởi ngoài các câu nói đã dùng, hắn vẫn ngơ ngác khi tôi nói đến vài tên sách. Tất cả là con số không phía sau một thân thể đầy sinh lực. Ban đầu tôi còn để tâm, nhưng sau bỏ mặc. Đôi lúc còn thấy an tâm vì trước mặt và sau lưng hắn hoàn toàn bỏ ngỏ. Không vướng mắc. Không trói buộc. Không trách nhiệm. Ngay cả những tiếng cười vào mỗi chủ nhật, từ tiệm phở gà Hưng đến bãi đậu xe cũng không còn. Hoạt cảnh đó đã thành bình thường trong mắt mọi người.
Bỏ mặt đồng hồ khi hai chiếc kim chập vào nhau, tôi quay về phía nệm ghế. Hắn đã mở mắt và đang đứng lên. Tấm mền quấn ngang bụng rơi xuống đất khi vệt nắng hắt xuống mặt nệm. Tôi nhìn vào phần dưới thân của hắn. Sinh lực đã được trả lại.
– Đọc đi.
– Cám ơn.
– Đọc đi. Chữ Việt đấy.
Tôi nuốt nước bọt và đưa hai tay ra đón.
Hắn vật tôi xuống giường. Ngấu nghiến. Vùi dập. Tôi ôm chặt vòng mông hắn và biến thành người đàn bà khác. Nhịp đồng hồ trên tường không nghe rõ trong hơi thở dồn của chúng tôi. Tôi nhắm mắt tan vào khoảng trống. Đứa trẻ hoá thân thành loài dã nhân đang hối hả làm một cái thở hắt cuối cùng. Tôi nới vòng tay trên bờ mông chắc và nghĩ đến sáu ngày đang đến để có ngày chủ nhật. Nghĩ chứ không lo bởi một tuần chỉ có bảy ngày.
Bây giờ, điều quan tâm của tôi dành cho những tờ báo biếu tiếng Việt, một ngày nào đó, sẽ không còn được vất đầy chợ.

Nguyễn Ý Thuần




(Đăng trong tạp chí Văn Học số 111, tháng bảy 1995, California, Hoa Kỳ)