Truyện ngắn Nguyễn Ý Thuần
Bạn cũ,
Nước Mỹ này không như đã nghĩ, điều này thật đáng buồn khi tìm
thấy, và buồn hơn khi mày tìm thấy sau thời gian đến đây quá ngắn. Sự
phũ phàng này, từ nơi chốn tìm đến, dành cho những con người bỏ hết để
đi đã nhiều người không nhận thấy, dù họ đến trong đợt sóng tị nạn đầu
tiên. Họ lẫn lộn, chìm khuất và biến mình vào bộ máy xay thịt vĩ đại của
xứ sở văn minh. Quên, quên hết để làm một miếng hambuger da vàng và có thể không tìm thấy điều mất hạnh phúc
như chúng ta vừa nhắc. Dù sao cũng là một cách sống. Đúng hay sai chỉ
khác nhau trong cái nhìn. Mà, lằn ranh của của cái nhìn này mỏng như không
có. Tao hiểu điều mày viết trong thư. Lá thư viết sau hơn mười năm. Lá
thư viết để đỡ tốn tiền điện thoại. Nhận, tao nhớ ngày mỗi đứa
đóng tại một quân khu, mình đã viết cho nhau sau các lá thư viết về gia
đình hay cho một người con gái nào đó. Bây giờ được lập lại từ hai tiểu
bang của xứ lạ nhưng những điều viết đã khác. Đọc thư, tao tìm thấy điều
chúng ta thường quên. Đó là thời gian.
Hơn mười năm không gặp. Câu nói ngắn nhưng biết bao thay đổi. Bức ảnh
chụp một con người còm cõi, mệt mỏi mang tên mày không đủ để tao hình
dung một thằng bạn cũ. Ánh mắt đục và buồn hơn nỗi buồn. Hẳn
đuối lắm phải không? Tuổi bốn mươi đến trong lạc lõng khi bắt đầu lại
bằng con số không tàn nhẫn với đủ điều trần trụi. Ngay cả nơi chốn và
ngôn ngữ. Một cuộc sống được tái sinh vào cái tuổi trễ tràng. Bốn mươi, “Tứ Thập Nhi Bất Hoặc”. Mẹ kiếp! Hoặc
thế nào được khi cuộc đời chỉ bắt đầu bằng hai chữ ”yes, no”? Cái trần
trụi còn bi thảm hơn một đứa bé vừa sinh ra. Và mày, dù đã có bốn mươi
năm sống nhưng cũng chỉ còn dĩ vãng. Chỉ còn thế. Và bởi thế phải không?
Vậy, hôm nay bọn mình cho nhau điều gì? An ủi? Vài lời chỉ dẫn của người đến trước? Một ngân phiếu có tiền bảo chứng? Lý tưởng? Hay cái gì? Tao không biết bắt đâu từ đâu, và như thế nào. Vì chính tao, ngoài những điều căn bản về vật chất để tạm sống nơi này, cũng chỉ là một đứa bé hơi trần trụi. Nghĩa là hơn mày một chút. Nhưng cái “một chút” đó thành vô nghĩa khi mình vừa nhắc đến “nước Mỹ này không như đã nghĩ“.