Đêm Biển Chia Đôi


Truyện ngắn Nguyễn Ý Thuần

Họ ngồi trên một bệ xi măng, sát con đường Duy Tân chạy dọc theo bờ biển. Trước mặt là bãi cát trải dài xuống mặt nước đang có từng cơn sóng phẫn nộ của tháng chạp. Gió lạnh, gắt thổi từng cơn nhanh và mạnh. Mùa đông Nha Trang không đổi.
Ông Phục lấy một điếu thuốc, gắn lên môi rồi cúi xuống, áp mặt vào vạt áo khoác để bật lửa. Ánh sáng từ đầu que diêm bùng lên được giữ khéo léo, che chiều gió. Điếu thuốc được đốt. Ông Phục đưa gói thuốc cho con.
– Con cảm ơn Bố.
Thành đón lấy gói thuốc, lập lại các động tác móc thuốc, rút thuốc, gắn lên môi giống ông Phục đã làm nhưng điếu thuốc được châm bằng ngọn lửa ga nhỏ và mạnh. Trong đêm, hai đốm lửa lóe cháy, lập lòe theo từng hơi thuốc. Lần nói chuyện của hai người đã vào khúc quanh ngượng ngập. Hai điếu thuốc được đốt như hành động khỏa lấp những điều họ không muốn nhắc lại.
Hết điếu thuốc, ông Phục thả mẩu tàn xuống đất, dụi kỹ trên thềm xi măng nhám. Thành nhìn quanh tìm cái gạt tàn hoặc thùng rác nhưng không thấy. Anh chép miệng, búng mẩu thuốc còn lại ra xa. Vệt lửa bay cong trên không hơn nửa vòng rồi bị gió tạt xuống mặt cát.
– Bố không biết nói gì hơn.

– Vâng.
– Sự thay đổi đôi lúc làm người ta sợ hãi khi vào tuổi già…
– Bố…
– Bố không trách con. Cuộc sống xứ người, chỉ nghe qua bố cũng cảm thấy ngộp thở huống chi con đã phải lăn lộn mười mấy năm.
– Bố…
Ông Phục cười buồn ngắt lời con.
– Bố không cay đắng đâu, đến một lúc nào đó con sẽ có những ý nghĩ như bố hôm nay khi đối mặt với thế hệ sau. Lại nữa, đất nước này kể từ lúc con đi đã dừng lại, nếu không muốn nói là thụt lùi theo đà tiến chung… Khoảng cách… Hà! Nếu gọi đó là khoảng cách thì nó có chiều dài gấp đôi thế hệ của chúng ta để cùng chia xẻ quan niệm sống, hành động sống.
Thành ngần ngừ rồi nói nhanh.
– Con nghĩ con không thay đổi bao nhiêu, duy có bố là có vẻ thay đổi.
– Chúng ta lại lập lại những điều đã nói.
Lại thêm một khoảng im lặng giữa hai cha con. Không gian vẫn ào ạt gió với tiếng gầm thét của những đợt sóng từ phía biển. Đêm đã khuya. Con đường Duy Tân đã vắng xe và người qua lại. Hai hàng dừa bên đường rũ các tàng lá thành từng khoảng tối đen. Ánh điện đường vàng vọt không đủ sáng. Cảnh vật như không đổi trong Thành sau mười mấy năm. Ít nhất, cha anh đã có phần đúng. Đất nước này đã dừng lại từ ngày mình đi. Thành thở dài.
– Khuya rồi bố ạ!
– Con lạnh?
Cả hai đột nhiên rùng mình, cái lạnh như đến từ câu nói chứ không phải từ gió đông. Choàng tay qua vai con, ông Phục vỗ nhẹ mấy cái rồi đứng lên.
– Mình về chứ?
Thành cũng đứng lên. Hai người nhìn nhau một thoáng rồi cùng bước về hướng bưu điện. Toà nhà cũ lẫn vào bóng tối nhưng Thành dễ dàng hình dung. Nơi chốn thân quen này làm sao quên được? Bãi cỏ trong công viên trước nhà bưu điện là nơi bao lần đến đùa nghịch. Những vệt sơn trầy trên các chiếc ghế xích đu đã theo anh vào các cơn mơ ấu thời. Từ sân trường Võ Tánh, mỗi ngày đạp xe đến ít nhất một lần. Nắng cũng như mưa. Hè cũng như đông. Gió lạnh hay nắng gắt. Nha Trang trong anh tưởng bắt nguồn từ khoảng sân nhà bưu điện. Và sống trong trí qua từng giai đoạn sống. Ngay cả trên xứ người, Thành cũng nhắc đến những vệt sơn trầy một cách luyến tiếc, thương mến khi có dịp. Rồi mong ngày gặp lại. Anh đã tưởng tượng lúc âu yếm đưa tay xoa nhẹ lên từng chiếc xích đu. Chuỗi xích sắt lạnh đến mát tay. Các thanh gỗ sần sùi sẽ cho cảm giác ấm áp khi tìm lại tuổi thơ… Ao ước đã được làm ngay trong ngày đầu về. Nhưng bàn tay thơ ấu đã thành bàn tay trưởng thành. Sau mười mấy năm, bãi cỏ và các chiếc xích đu vẫn còn đó nhưng như chỉ còn trong trí.
Bây giờ nhà bưu điện trong tầm mắt hai người. Ánh sáng trắng đục của vài bóng đèn dài rải rác quanh sân cỏ làm cảnh vật ảm đạm. Thành nhìn những chiếc xích đu, thở dài. Nước sơn đỏ trên các thành gỗ thành nâu sẫm. Ông Phục hỏi.
– Sao thế?
– Không có gì bố ạ.
– Con buồn?
– Vâng, nơi này…
– Thì vẫn thế. Chỉ thay đổi chút ít… vài chiếc ghế rời đi, vài cột đèn bị dỡ… Nhưng bố thấy quen như không đổi, như như ngày xưa con vẫn đến chơi đùa.
Thành nuốt khẽ một ngụm nước bọt như sợ tiếng động nhỏ sẽ làm ông Phục chú ý. Cảnh vật không còn như xưa. Sự thay đổi chỉ anh nhìn thấy. Từ anh. Từ bàn tay và ý nghĩ chứ không phải là những lớp sơn mới trên các chiếc xích đu. Bất giác anh nhớ lại lời cha. “Đến lúc nào đó con sẽ có nghĩ như bố ngày hôm nay”. Và khoảng cách giữa hai người. Thành chợt thấy khoảng cách từ mình và đưa bé tên Thành.
Họ dừng lại trước khoảng sân của nhà bưu điện. Ông Phục chỉ vào một chiếc ghế xích đu kê sát lề đường giọng thật dịu.
– Ngày xưa con bị ngã tại đây.
– Vâng!
– Con vẫn nhớ?
– Vâng, nhưng với chiếc xich đu khác bố ạ.
Ông Phục quay lại nhìn con thật nhanh. Thành cảm thấy xót xa vì điều vừa nói. Lạnh lùng đến tàn nhẫn. Anh cúi xuống, tránh ánh mắt cha.
– Con xin lỗi bố.
Ông Phục thở dài. Họ im lặng và cùng nhìn chiếc xích đu.
– Bố muốn ngồi một chút.
– Liệu có lạnh không bố? Bố còn yếu…
– Con lạnh?
Lại các câu đối thoại gượng, cũ. Ông Phục đi về phía chiếc xìch đu bằng những bước ngắn và nhẹ. Thành nhìn cha rồi bước theo. Dưới ánh điện, bóng của hai người trải thành hai vệt đen ngả về hai phía.
Họ cùng ngồi xuống chiếc xích đu. Tiếng của các vòng xích sắt nghiến vào nhau nghe gai lạnh.
– Bố giận con?
– Không!
– Con xin lỗi bố.
– Bố đã bảo là không giận.
– Cảm ơn bố.
Dưới ánh điện, cảnh vật chỗ sáng, chỗ tối không đều. Thành nhìn khoảng sân cỏ nhưng sự bồi hồi của đứa bé tên Thành đã mất, chỉ còn người đàn ông tên Thành đang nhíu mày nhớ đến nhiều đêm trăn trở, thèm về khoảng sân này khi còn ở xứ người.
Thành đã suy nghĩ nhiều cho quyết định trở về từ lúc nhận được tin ông Phục đau nặng. Sự ân hận của một đứa con mang mặc cảm bất hiếu – dù chỉ do hoàn cảnh – cộng thêm thứ tình cảm đặc biệt giữa cha con đã thôi thúc anh. Trong nhà gần chục đứa con, đứa nào cũng nhận được tình thương và sự săn sóc của bố mẹ, tưởng đồng đều nhưng trong cái nhìn của người cha, Thành có chỗ riêng, được ưu ái hơn. Điều này ông Phục không giải thích được, chỉ cảm nhận và mỗi lúc một lớn theo thời gian. Cũng thế, tình thương của Thành dành cho bố nhiều hơn. Và hệt như bố, Thành không thể lý giải, chỉ cảm thấy. Giữa hai người như có một sợi dây lạ quấn lấy.
Như vậy, ý nghĩ trở về của Thành khởi từ ông Phục. Nhưng Thành rơi vào tâm trạng phân vân, đắn đo. Hơn ai hết anh hiểu ông Phục sẽ không chấp nhận sự quyết định đó. Qua tình cảm riêng đã có giữa hai cha con, từ tấm bé, Thành nhiều lần được ông Phục tâm sự như một người bạn vong niên. Hoài bão thủa thiếu thời, những đoạn đời không thể quên, sự căm thù bắt nguồn từ gia đình và lý tưởng… đã được kể để Thành hiểu ranh giới giữa hai bên được phân định rõ ràng trong ông Phục. Không thể lầm lẫn hoặc xáo trộn. Không thể quên và không bao giờ muốn quên.
Thành dọ lại lòng mình. Và quyết định đã được chọn qua tình thương của một đứa con đi xa muốn về gặp cha lần cuối. Anh đóng vai trò ngược với mong ước của cha, chuẩn bị trong tư thế của đứa con có lỗi, sẵn sàng nhận cơn thịnh nộ, sự phũ phàng che lên tình thương của hai người dành cho nhau – như kẻ khổ dâm tìm thứ khoái lạc bệnh hoạn. Biết vẫn phải làm để thỏa mãn các điều tưởng mất sau gần hai mươi năm thèm khát, thiếu thốn.
Nhưng Thành đã nghĩ sai. Không một lời trách, không một cơn giận. Tất cả đều bình thường với tình cảm của người cha dành cho đứa con đi xa vừa về. Một đứa con như những đứa con đang sống cạnh mình.
Thành ngạc nhiên vì thái độ của cha trong những ngày đầu và cho rằng ông Phục không muốn làm mình buồn. Nhưng sau cũng thế, vẫn chỉ thái độ thản nhiên của ông Phục. Thành cố gắng tìm điều mình nghĩ qua thái độ, lời nói của cha nhưng đã thất vọng. Sự thay đổi của ông Phục quá lớn trong cái nhìn của anh. Hình ảnh của người cha trong trí của hai mươi năm trước bị thay bằng cách sống của một người đàn ông đang chờ lần đổi thay cuối của mình để bước sang thế giới khác. Đau đớn hơn là tình cảm riêng, đặc biệt giữa hai cha con như đã mất. Thanh lần tìm dấu của sợi dây đã quấn lấy hai người nhưng vô vọng. Lẫn trong cái bình thường của gia đình đã có cái bất thường giữa hai cha con. Một lần nữa, Thành rơi vào tâm trạng của một kẻ khổ dâm – hệt như lúc sắp trở về – nhưng lần này là sự thất vọng của một người không được hưởng mức khoái lạc như đã nghĩ.
Tình trạng đó kéo dài cho đến đêm nay, tại cảnh biển quen thuộc tình thương đã trộn lẫn thất vọng. Họ tách ra hai phía. Không còn lý tưởng, căm thù, lằn ranh dân tộc để thành lời trách móc từ cha. Không có sự ăn năn, săn sàng nhận lỗi từ con. Chỉ là sự khác biệt giữa hai cách thế sống. Họ trao nhau những điều bất ngờ để câu chuyện thành bế tắc. Cả hai cùng thấy mình phải ngừng lại, bởi điều nói ra – theo họ nghĩ – sẽ đưa người trước mặt vào điều mình không muốn và cũng không muốn điều đó sẽ xảy ra cho mình.
Ông Phục châm một điếu thuốc.
– Bố lại hút.
Không trả lời con, ông Phục hỏi lại.
– Gần hai mươi năm rồi phải không con?
– Vâng, đã rất nhiều điều thay đổi.
– Tại đây?
– Và cả bố…
Thành bỏ lửng khi gặp ánh mắt cha. Một lần nữa, anh lại thấy cái bóng lạnh lùng trong mình.
– Con xin lỗi.
Ông Phục mỉm cười.
– Tiếng Anh xin lỗi là gì nhỉ?
Thành ngạc nhiên vì cha hỏi một điều quá thường và dễ hiểu.
I’m sorry, bố ạ!
– Ở Mỹ, một ngày con nói bao nhiêu lần câu này?
Thành bật cười. Hình như đứa bé năm nào đang lẩn quất. Anh nắm tay cha. Lớp da nhăn nheo của ông Phục lành lạnh làm đứa trẻ năm nào hình như rời khỏi. Đây là người cha của hôm nay
Bàn tay họ rời nhau.
– Bố cho con điếu thuốc.
Đưa gói thuốc cho con, ông Phục uể oải tựa lưng vào thành ghế. Chiếc xích đu chĩu nặng, nghiêng về đằng sau. Cả hai người lao đao theo đà nghiêng của chiếc ghế. Rồi thật nhanh, cả hai cùng sửa thế ngồi của mình để lấy lại thăng bằng nhưng vì vội vã, họ lại làm chiếc xích đu lệch thêm lần nữa. Lại thêm lần lao đao. Thân hai người trượt sát nhau. Thành đưa tay đỡ cha, rồi không hẹn, cả hai cùng gượng bám vào hai chuỗi xích hai bên. Thành bên trái. Ông Phục bên phải.
– Bố có sao không?
– Không.
Từ phía biển, tiếng máy xe vang đến, rồi ánh đèn lóe lên từ đầu đường Duy Tân. Một chiếc xe gắn máy chạy vụt qua, hướng về phía chợ Đầm.
– Bố.
– Sao con?
– Bố…
– Có cần phải nói không con?
– Con sắp đi.
– Bố biết! Nhưng chúng ta đã không nhắc từ ngày con vừa về.
Ngần ngừ một thoáng rồi Thành nói nhanh.
– Con sợ sự im lặng của bố.
– Con không ngờ?
– Vâng! Trước khi về, con đã chuẩn bị xin lỗi bố và nhận…
– Con thất vọng?
Lần này đến lượt Thành thở dài.
– Bố đã thay đổi thật nhiều.
– Con đã trưởng thành và bố đã già. Chúng ta không chờ đợi những điều không thể làm mãi được. Bố đã suy nghĩ nhiều khi con quyết định trở về. Đã có những câu hỏi được bố đặt ra với nhiều câu trả lời trong khi nằm tại bệnh viện. Nhưng trong bố luôn luôn có điều mong ước được gặp lại con một lần. Thứ tình cảm mâu thuẫn này chắc con là người hiểu nhiều nhất. Hà!… Đến một lúc nào đó mình cũng không định được lòng mình muốn gì phải không con?
– Con cũng thế!
– Bố hiểu… nhưng dù sao mình cũng có lỗi…
Giọng ông Phục nhỏ lại và lẫn trong gió. Thành bồi hồi sau những câu nói đã lộ ra tình thương được che dấu từ ngày về. Dưới ánh điện, dáng ông Phục thu lại, tưởng như sắp chìm vào bóng tối.
– Con xin lỗi vì đã đưa bố vào thế khó xử. Con cũng hiểu điều này từ lúc chọn lựa… nhưng…
– Đừng nhắc nữa con! Đến một lúc nào đó, con sẽ sống như bố hôm nay. Tha thứ cho những điều sai – cho dù đó là điều sai mà mình đã nghĩ không thể tha thứ được. Đôi lúc, chúng ta không thể ngồi mãi trong vạch phấn tự vẽ.
Ông Phục đứng dậy. Chiếc ghế lại chao. Và lần này, chĩu về phía trái. Thành bám vào sợi xích sắt gượng đứng dậy. Hai người cùng bước ra khỏi khoảng sân cỏ – nơi có đứa bé tên Thành đã chơi đùa thủa trước – để đi về hướng chợ Đầm. Phía sau, biển vẫn gào thét với từng lớp sóng sau lấp lớp sóng trước đưa vào bờ.
Họ không nhắc lại chuyện trong suốt tuần lễ còn lại của Thành ở Việt Nam.
Đêm cuối cùng, hai người gặp nhau tại phòng khách khi cả nhà đã ngủ. Căn phòng sơn xanh dưới ánh điện yếu như hẹp hơn.
– Bố ráng tịnh dưỡng.
Ông Phục gật đầu, nụ cười hiền lành.
– Con hãy cố gắng giữ gìn.
– Vâng!
– Viết thư đều về gia đình.
– Vâng!
– Gắng lấy vợ sớm cho mẹ mày mừng.
– Vâng!
Qua nụ cười của ông Phục, Thành cũng có nụ cười giống hệt. Và màu đỏ từ bốn khóe mắt ướt trong đêm đó hai người không thấy từ nhau vì ánh điện không đủ sáng.


Sáng hôm sau tại dãy nhà đợi của phi trường Nha Trang, Thành đứng cạnh gia đình nhìn về khoảng biển bên ngoài phi trường với đôi mắt thật buồn. Anh cố hình dung người cha hẳn đang ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế nệm ở nhà, với ý nghĩ về một đêm của biển. Bởi Thành biết, đây là lần cuối cùng nhìn thấy cảnh trời biển này với ý nghĩ còn cha bên cạnh.
Và như thế, ông Phục chết vào một ngày trong tháng.

Nguyễn Ý Thuần 



(Đăng tại tạp chí Nhân Văn bộ mới số 02, tháng năm 05-1991)