Apollo / David


Truyện ngắn Nguyễn Ý Thuần

“Bộ đội Hưng” là tên tôi gọi người đàn ông có giấc mơ trở thành một thứ Van Gogh tại Mỹ.
– Em đi theo diện ODP với gia đình. Bố là sĩ quan đi trước.
Ngay câu đầu tôi đã thấy lời không thật. Nhưng có gì quan trọng? Giữa chúng tôi chẳng chút liên hệ. Tiền bạc? Không. Liên hệ gia đình? Không. Tình cảm? Cũng không. Chỉ là hai người hàng xóm thỉnh thoảng gặp, trao đổi dăm chuyện. Thoảng có dư thời gian cũng chỉ tâm sự vớ vẩn. Tại sao phải dùng đến lời nói mất lòng.
– Mình sang trước theo diện thuyền nhân.
Tôi đùa bằng lối dùng chữ của Hưng. Anh không nhận ra, vẫn vui vẻ.
– Cả ông anh, bà chị đi bằng thuyền một lần?
Tôi thôi đùa. Tội nghiệp Hưng không thấy cái nghịch ngầm của người khác. Người đàn ông lớn lên tại một tỉnh nhỏ miền Bắc chưa sắm nổi vai trò của người miền Nam. Chỉ cần gặp lần đầu, nếu tinh ý, ai cũng có thể nhận ra vẻ lạc lõng của người nghệ sĩ này. Đi đôi với cách nói là thái độ của Hưng khi gặp người chung quanh. Khoảng cách vẫn còn lúc tiếp xúc với người đã tham dự vào chính quyền hay quân đội miền Nam. Mặc cảm khi gặp người sang trước. Sự thèm thuồng cuộc sống hợp pháp tại Mỹ… Tất cả đã tạo cho Hưng một nhân dáng khác với vai đang sắm. Tôi cố cư xử với Hưng bằng sự gần gũi, thân mật để tạo nên thứ tình cảm giữa hai người xa xứ
Thật sự, đôi lúc tôi tự hỏi thân với Hưng để làm gì? Nhưng chưa bao giờ tìm được câu trả lời. Hầu hết những lý do đưa ra khi kết bạn đều không có. Thành thật? Hưng dối như cuội khi nói về bản thân và gia đình. Giúp đỡ? Tôi chẳng có gì cần. An ủi? Vợ chồng tôi vẫn hạnh phúc. Tâm sự? Tôi bắt đầu già và chỉ thích uống bia một mình… Đó là phần tôi. Còn phần Hưng cũng không có lý do để gần tôi. Tôi ích kỷ, nghĩ đến mình nhiều hơn người khác. Lũ em gái của tôi ở Mỹ đều có gia đình, đâu còn dư để Hưng tòm tèm… Nhiều lý do khác cũng được tôi đặt ra từ hai phía nhưng vẫn không tìm thấy câu trả lời. Đành tạm nhận điều đã nói là tình cảm của hai người xa xứ. Một lý do rất mong manh vì chung quanh – chỉ riêng San Jose – đã có chừng một trăm ngàn người Việt khác cùng xa xứ, nhưng tôi có thân với ai đâu? Nhưng thôi, dù mong manh vẫn là cái cớ để lý giải còn hơn lúc nào cũng tự hỏi tại sao về một chuyện đã có.

Đường Về

Truyện ngắn Nguyễn Ý Thuần

Tôi khóa cửa tòa soạn. Bên trong, lũ bàn, ghế, giấy, bút ngổn ngang đã là thế giới khác. Tôi bước ra từ cửa một cuộc sống để đến một cuộc sống. Con đường William trước mặt. Tám đoạn đường cắt ngang. Từ đường Second đến Ninth là bốn lần đèn xanh, đỏ và bốn lần bảng stop. Tôi bắt đầu từ một cầu thang để đi xuống. Tôi chấm dứt bằng một cầu thang để đi lên. Tòa soạn và khu chúng cư. Khoảng giữa là một thế giới khác, một cuộc sống khác. Thế giới William và cuộc sống William.
Đôi dép nhật màu xanh, mòn gót phải đem từ Santa Ana lên vẫn được mang. Chẳng cần bỏ hay đổi. Tại sao phải là đôi giày da? Tại sao phải là áo vest với đuôi cà vạt lụa? Con đường William vẫn thiếu ánh điện trên vài đoạn đường và gái giang hồ, những thằng say còn tụm trên hè phố. Đôi giày da và bộ vest sẽ làm tôi mất một thế giới đang lồng trong thế giới hàng ngày. Tôi ngột ngạt và cần thở. Đâu có con điếm nào mặc áo dạ hội đứng đường đón khách, cũng đâu có thằng bụi đời nào thắt cà-vạt, ngồi bệt giữa đường tu rượu. Tại sao tôi phải vất đôi dép chưa đứt quai để thay bằng đôi giày da đi trên con đường này. Hơn nữa tôi đang cần một cuộc sống khác. Tôi cần. Tôi đang cần. Như đôi dép đang cần chạm vào mặt đường để đôi dép được là đôi dép. Không mang trong chân, hay gói trong bọc để ở một cửa hàng nào đó, hay đặt trên mặt thảm, hay vất vào thùng rác, hay… thì sẽ là cái gì? Đâu còn là đôi dép. Mớ cao su từ đâu đến, trộn màu xanh cùng những hóa chất nào đó được nấu, được đổ vào khuôn, được cắt thành hình. Rồi chờ chạm vào cuộc sống. Bao nhiêu đôi? Làm sao tôi biết được? Một triệu, hai chục triệu, ba trăm triệu, bốn tỷ…? Những con số để đếm. Những đôi dép giống nhau và khác nhau. Mà cần gì phải biết khi tôi hiểu đôi dép nhật của tôi đang sống trong khi còn nhiều đôi dép trong bọc không được sống. Dù cuộc sống chỉ là con đường William đầy gái điếm và những thằng bụi đời say rượu.

trung thu đi thắp hương cho mẹ tại chùa an lạc


trăng
mùa trăng rất lạ tại đây
        đèn đường
    lấp
ánh nến bầy trẻ thơ
vàng, xanh, đỏ, tím lập lờ
trăng trên cao đó sao chưa thấy về
  
rước đèn
vòng quanh chỉ một khoảng sân
rắn
rồng
uốn éo một lần một năm
ông địa đạp phải chân lân
    ngả
        nghiêng
lũ trẻ nằm lăn ra cười

Thư Có Người Nhận

Truyện ngắn Nguyễn Ý Thuần

Bạn cũ,
Nước Mỹ này không như đã nghĩ, điều này thật đáng buồn khi tìm thấy, và buồn hơn khi mày tìm thấy sau thời gian đến đây quá ngắn. Sự phũ phàng này, từ nơi chốn tìm đến, dành cho những con người bỏ hết để đi đã nhiều người không nhận thấy, dù họ đến trong đợt sóng tị nạn đầu tiên. Họ lẫn lộn, chìm khuất và biến mình vào bộ máy xay thịt vĩ đại của xứ sở văn minh. Quên, quên hết để làm một miếng hambuger da vàng và có thể không tìm thấy điều mất hạnh phúc như chúng ta vừa nhắc. Dù sao cũng là một cách sống. Đúng hay sai chỉ khác nhau trong cái nhìn. Mà, lằn ranh của của cái nhìn này mỏng như không có. Tao hiểu điều mày viết trong thư. Lá thư viết sau hơn mười năm. Lá thư viết để đỡ tốn tiền điện thoại. Nhận, tao nhớ ngày mỗi đứa đóng tại một quân khu, mình đã viết cho nhau sau các lá thư viết về gia đình hay cho một người con gái nào đó. Bây giờ được lập lại từ hai tiểu bang của xứ lạ nhưng những điều viết đã khác. Đọc thư, tao tìm thấy điều chúng ta thường quên. Đó là thời gian.
Hơn mười năm không gặp. Câu nói ngắn nhưng biết bao thay đổi. Bức ảnh chụp một con người còm cõi, mệt mỏi mang tên mày không đủ để tao hình dung một thằng bạn cũ. Ánh mắt đục và buồn hơn nỗi buồn. Hẳn đuối lắm phải không? Tuổi bốn mươi đến trong lạc lõng khi bắt đầu lại bằng con số không tàn nhẫn với đủ điều trần trụi. Ngay cả nơi chốn và ngôn ngữ. Một cuộc sống được tái sinh vào cái tuổi trễ tràng. Bốn mươi, “Tứ Thập Nhi Bất Hoặc”. Mẹ kiếp! Hoặc thế nào được khi cuộc đời chỉ bắt đầu bằng hai chữ ”yes, no”? Cái trần trụi còn bi thảm hơn một đứa bé vừa sinh ra. Và mày, dù đã có bốn mươi năm sống nhưng cũng chỉ còn dĩ vãng. Chỉ còn thế. Và bởi thế phải không?
Vậy, hôm nay bọn mình cho nhau điều gì? An ủi? Vài lời chỉ dẫn của người đến trước? Một ngân phiếu có tiền bảo chứng? Lý tưởng? Hay cái gì? Tao không biết bắt đâu từ đâu, và như thế nào. Vì chính tao, ngoài những điều căn bản về vật chất để tạm sống nơi này, cũng chỉ là một đứa bé hơi trần trụi. Nghĩa là hơn mày một chút. Nhưng cái “một chút” đó thành vô nghĩa khi mình vừa nhắc đến “nước Mỹ này không như đã nghĩ“.

Người Ôm Bóng Núi

Truyện ngắn

Bạn tôi là người mơ mộng. Từ thủa bé, chúng tôi đã bực mình vì những giấc mơ của Thiệt. Luôn luôn Thiệt tách khỏi bạn bè, cố đặt mình vào chỗ  khác hoặc, tệ hơn, những điều nó muốn thường vượt khả năng, biến thành mối phiền cho mọi người và ngay chính nó. Tất cả hành động của Thiệt thường gây trở ngại, làm rối bung, hỏng mọi chuyện. To con chưa hẳn là lý tưởng cho các môn thể thao. Cứ nhìn cảnh Thiệt ì ạch chạy theo bóng trong trận cầu, hay lúng túng chụm hai tay chờ một cú đập lúc chơi bóng chuyền là đủ thấy vụng. Bạn tôi lại thừa hơn trong ban báo chí khi thiếu khả năng nhưng thích làm theo ý mình. Dù chỉ là bích báo, nhưng Thiệt cũng chen vào sửa bài và lỗi chính tả dù các bài luận văn của nó luôn khiêm tốn, nhận điểm dưới trung bình với cơn ác mộng thường xuyên là hai dấu hỏi ngã. Đến độ thầy Hải – vị giáo sư dạy Việt Văn – phải nói vào năm đệ tứ.
- Thiệt à, khi làm luận văn hay viết, nếu em nghĩ đó là dấu hỏi thì hãy bỏ dấu ngã và ngược lại.
Chưa hết. Bạn tôi còn nổi bật khi vào ban văn nghệ. Ngày tổng dợt, sau khi học thuộc bài bản, Thiệt bước ra sân khấu trong vai anh hùng Nguyễn Trung Trực. Mọi màn đều suôn sẻ cho đến cảnh chót, thay vì bị bắt, bạn tôi đã hiên ngang rút gươm đâm chết quân Pháp.
- Cần gì phải chịu thua. Trước sau cũng chết sao không đánh đến chết?

Người Lính Còn Lại

Truyện ngắn Nguyễn Ý Thuần
 
Tôi là con út của một gia đình có ba mươi bốn đứa con nhưng lại là anh của hai mươi chín em vừa trai, vừa gái. Hơi rắc rối đấy nhé. Cần giải thích rõ hơn kẻo có sự lầm lẫn giữa người đọc và người viết, như việc lầm lẫn thường xảy ra giữa bố tôi và bầy con, khi gọi tên từng đứa.
Bố tôi là một người đàn ông đào hoa. Ngoài sáu bà vợ sống chung một nhà, ông còn khoảng (theo lời ông kể lúc vui chuyện) hơn chục bà nhân tình. Nghĩa là con số hơn chục bà nhân tình có thể hơn. Vì, như đã nói, đó chỉ là những bà ông kể lúc vui chuyện, còn lúc buồn chuyện thì chưa. Điều này còn có nghĩa ngoài số ba mươi bốn anh, chị, em tôi thuộc sáu dòng được công nhận, dám bọn tôi còn chừng ba mươi bốn hay nhiều hơn, hay ít hơn anh, chị, em nữa mà chưa nhận ra nhau. Và, sự rắc rối có từ ông bố đào hoa ảnh hưởng đến việc gây dựng vợ chồng cho đến đời cháu tôi mới dứt. Để tránh người cùng họ lấy lẫn nhau mà. Nhưng thôi! Đó là việc sau này, còn hiện tại ba mươi bốn anh em tôi đều ngán ngẩm “áp dụng” qui luật của bố tôi đặt ra: trước khi yêu ai, lấy ai phải xem kỹ có phải là một trong những đứa con bị ông bỏ quên không. Để yên tâm, bọn tôi thường những người cùng họ nên đám con dâu, con rể của bố tôi đều mang họ khác. Phạm, Lê, Trần, Lý, Quách v.v… Còn tôi? Mãi đến nay vẫn còn độc thân bởi tất cả những cô gái tôi gặp đều toàn họ Nguyễn!

Tật Nguyền

Truyện ngắn Nguyễn Ý Thuần

Vũ bắt đầu mang tật từ năm đệ tam. Sau một cơn bệnh, chân trái không còn phát triển như chân phải. Sự mất cân xứng làm thân thể nó lệch hẳn. Đã vậy, chân phải như được hưởng phần dư thừa của sự dinh dưỡng dành của chân trái nên to khác thường. Bắp chân phải mập, núng nính nọng thịt, mỡ đứng cạnh chân trái khẳng khiu như anh ba tàu nhà giàu đứng cạnh đứa bé bị còi. Cứ thế, việc đi lại ngày càng khó, cho đến năm đệ nhị Vũ phải dùng nạng chống.
Dù gia đình sống chật vật, ba má Vũ vẫn gắng chữa cho con. Nhưng các bác sĩ đều lắc đầu, cuối cùng Vũ đành chấp nhận sự bất công dành cho mình, được biểu hiện trên thân thể bằng hai cây nạng chống để đi vào đời. Ban đầu Vũ rất buồn và mang mặc cảm khi đứng cạnh bạn bè nhưng thời gian này khá ngắn, chỉ độ vài tháng rồi được thay bằng thái độ tự nhiên. Vũ đến trường như ngày chưa mang nạng chống, không ngại ngùng hay mặc cảm. Khoảng cách giữa Vũ với mọi người mất dần. Hình ảnh Vũ và hai cây nạng chống thành quen, không ai còn ánh mắt ái ngại dành cho thằng bạn không may. Vũ vui vẻ sinh hoạt, học hành, đùa giỡn với bạn bè. Ngay cả những cuộc tranh tài thể thao Vũ cũng là người cổ võ nhiều nhất. Vui buồn tùy theo số điểm thắng, thua của đội nhà, nồng nhiệt như chính mình đang tham dự. Dần dà, đôi nạng chống trở thành một phần thân thể của nó. Tự nhiên như mọc thêm hai chân gỗ. Đã có lần tôi gặp Vũ mân mê tay cầm bóng loáng một cách yêu thích như tách rời cặp nạng thì nó không còn là nó nữa.
Chúng tôi chơi với nhau từ năm đệ thất. Tuổi mười một với nhũng trò nghịch “ăn rơ” đã làm hai đứa thân nhanh. Trong sự bỡ ngỡ của những học sinh tiểu học vừa lên trung học, ngôi trường mới với khoảng sân rộng thênh thang làm tôi và Vũ cảm thấy lạc lõng. Có thêm một thằng bạn cũng đỡ lắm chứ? Nhất là cùng sở thích đùa nghịch. Bọn tôi chia nhau từ đĩa đu đủ bò khô, ly chè đậu đỏ cho đến những bài tập toán và Anh Văn. Không gian thu lại trong tình bạn từ những năm đầu trung học. Hết năm đệ tứ, việc chọn ban để học cũng là quyết định chung của cả hai. Bởi vậy, khi Vũ bị bịnh, mang tật, chính tôi lại là người buồn hơn. Đến độ, Vũ phải nói.

Điểm Nối

Truyện ngắn Nguyễn Ý Thuần.
 
“Vậy là đủ, thôi tôi về.” Ông Trị ngồi yên nhìn người bạn cũ bước ra cửa. Gió tháng ba với cơn mưa đột ngột của San Jose hắt hơi lạnh vào nhà. Tất cả đều không như ông nghĩ khi bắt đầu nộp đơn xin xuất cảnh. Đó là lần thứ tư họ gặp nhau, sau hơn một năm ông Trị đến Mỹ.
Qua khe hở của tấm mành nhựa che cửa sổ, những ánh đèn đủ màu từ dãy thương xá phía đối diện hắt vào nhấp nháy, rơi trên mặt thảm chuỗi hình ảnh méo mó. Cảnh sang trọng của căn phòng vẫn xa lạ với ông. Hơn một năm với các lần háo hức gặp người này, kẻ nọ cũng là hơn năm thất vọng. Bạn bè, thân nhân, người cùng cảnh ngộ… tưởng như ai cũng khoác lên người một lớp vỏ nào đó. Ngay cả những người gần gũi nhất.
Từ phía phòng ngủ có tiếng cửa mở. Ông Trị xoay lại, dõi theo ánh vàng nhạt bám trên thảm đang tỏa lớn rồi ngước lên. Người đàn bà thật thân quen và cũng thật xa lạ hiện trước mặt.
Bà Trị lặng lẽ nhìn chồng. Hai ánh mắt gặp nhau. Lạnh như đã lạnh. Khoảng cách từ cánh cửa đến chiếc bàn xa hơn khoảng cách từ những trại tù đến đây. Ông Trị nén tiếng thở dài, giọng nhỏ. “Chưa ngủ sao em?” Một cái lắc đầu được làm trước câu hỏi. “Anh Tuấn đã về?” Một cái gật đầu thay câu trả lời. Rồi cả hai lại im lặng khi ánh mắt vẫn không rời nhau. Trong dáng ngồi thu mình, lọt thỏm trong lòng ghế, ông Trị trông ủ rũ, tội nghiệp nhưng bà Trị chỉ thấy chán chường và khó chịu. Mười mấy năm chờ đợi với những khát khao, réo mời, đã bao lần bà đã cố nén để chờ ngày gặp lại. Nhưng chỉ gặp thất vọng.

Cậu Út

Truyện ngắn Nguyễn Ý Thuần

Tôi bắt đầu khó chịu khi gặp hắn trước lần hẹn thứ ba. Vẫn bộ quần áo vàng dành cho sinh viên sĩ quan lúc đi phép, hắn thản nhiên ngồi tại câu lạc bộ sĩ quan. Chung quanh, mọi người đều mặc đồ trận, kể cả những sĩ quan trẻ ngồi cùng bàn với hắn. Trừ bộ quần áo khác người, còn lại từ thái độ đến cung cách ăn nói của hắn không có gì khác lạ. Nâng ly bia, cụng ly, uống một hơi dài. Rồi cười nói, vung tay, xoãi chân như việc hắn có mặt tại đây trong bộ quần áo vàng là điều tự nhiên. Bất cần thiên hạ với những cái nhìn kỳ cục ném về. Kể cả tôi, tiểu đoàn trưởng của tiểu đoàn hắn phải trình diện.
Một vài cái nhìn của đám sĩ quan trẻ ngồi cùng bàn với hắn hướng về khi tôi ngồi xuống. Những cái cười, cái gật đầu được làm. Tôi gật đầu đáp lễ. Hắn cầm ly bia lên uống một hơi dài. Đám sĩ quan trẻ cùng bàn thì thầm với hắn. Hẳn đang nói về tôi. Đột nhiên tôi có ý nghĩ theo dõi thái độ hắn – sau khi đã biết tôi sẽ là tiểu đoàn trưởng của hắn – thì thế nào. Ngạc nhiên? Bối rối? Rồi sẽ làm một cái chào làm quen đầy ngượng ngùng như hầu hết các sĩ quan vừa ra trường về trình diện đơn vị. Nhưng không, mọi suy đoán của tôi đều sai. Chỉ thấy sau các câu thì thầm của những người ngồi cùng bàn là cái gật đầu hờ hững của hắn. Lại thêm một câu nói của người ngồi bên trái hắn. Lần này tôi cảm thấy khó chịu vì bắt gặp cái nhún vai của hắn.
Nén bực bội, tôi quay sang hướng khác. Thái độ dửng dưng và cái nhún vai của hắn vẫn đeo đuổi tôi. Cảm giác khó chịu mỗi lúc mỗi tăng khi tiếng cười nói của bàn hắn vang đến. Cuối cùng là tự ái bùng lên với ý nghĩ bị coi thường. Dù sao hắn cũng chỉ là một sĩ quan thuộc cấp, không thể có hành động như thế được.

Tối Tháng Năm Tại Quán Ăn Đường Fifth


tặng Cao xuân Huy

– Hình ảnh cuối của tao về cuộc chiến là cái xác cụt đầu nằm vắt ngang bờ ruộng. Hai bàn chân trắng bệch gác lên mặt đường.
– Của…
– Chẳng biết của ai. Vỏn vẹn một cái quần đùi với những vệt máu đặc bám quanh cổ.
Họ nhìn nhau rồi cùng quay sang hướng khác. Người có râu xoa cằm. Những sợi râu xoắn lại làm vệt bọt bia bám trên mép loang xuống, lấp lánh ánh đèn hắt vào. Ðám râu như khuyết một lỗ.
– Thảo nào…
– Thảo nào cái gì?
– Ít khi nghe mày kể chuyện lính.
Người không râu không trả lời. Khuôn mặt trắng xanh có đôi lông mày rậm, giao nhau giữa trán. Trừ đôi lông mày, hắn trông hiền như người chỉ biết bốn bức tường và các dụng cụ văn phòng. Hắn bưng ly bia lên uống cạn, buông một tiếng “khà” khoan khoái khi nhìn qua khung cửa kính. Bên kia đường là bãi đất trống cạnh con đường nhỏ, sâu, yên tĩnh với hai hàng cột điện sáng vàng vọt. Một vài chiếc xe vụt qua, ánh đèn loé lên rồi tắt như chưa từng có.
Từ ngã tư, đèn đường thay từng lúc hắt lên mặt người có râu những vệt màu. Hung hãn đỏ. Mệt mỏi xanh. Rồi màu da hòa vào vàng. Khuôn mặt biến theo nhịp đèn, chỉ còn đám râu với vệt bia bẩn không đổi. Ðôi mắt hắn nheo lại, những nếp nhăn nổi lên.