Tật Nguyền

Truyện ngắn Nguyễn Ý Thuần

Vũ bắt đầu mang tật từ năm đệ tam. Sau một cơn bệnh, chân trái không còn phát triển như chân phải. Sự mất cân xứng làm thân thể nó lệch hẳn. Đã vậy, chân phải như được hưởng phần dư thừa của sự dinh dưỡng dành của chân trái nên to khác thường. Bắp chân phải mập, núng nính nọng thịt, mỡ đứng cạnh chân trái khẳng khiu như anh ba tàu nhà giàu đứng cạnh đứa bé bị còi. Cứ thế, việc đi lại ngày càng khó, cho đến năm đệ nhị Vũ phải dùng nạng chống.
Dù gia đình sống chật vật, ba má Vũ vẫn gắng chữa cho con. Nhưng các bác sĩ đều lắc đầu, cuối cùng Vũ đành chấp nhận sự bất công dành cho mình, được biểu hiện trên thân thể bằng hai cây nạng chống để đi vào đời. Ban đầu Vũ rất buồn và mang mặc cảm khi đứng cạnh bạn bè nhưng thời gian này khá ngắn, chỉ độ vài tháng rồi được thay bằng thái độ tự nhiên. Vũ đến trường như ngày chưa mang nạng chống, không ngại ngùng hay mặc cảm. Khoảng cách giữa Vũ với mọi người mất dần. Hình ảnh Vũ và hai cây nạng chống thành quen, không ai còn ánh mắt ái ngại dành cho thằng bạn không may. Vũ vui vẻ sinh hoạt, học hành, đùa giỡn với bạn bè. Ngay cả những cuộc tranh tài thể thao Vũ cũng là người cổ võ nhiều nhất. Vui buồn tùy theo số điểm thắng, thua của đội nhà, nồng nhiệt như chính mình đang tham dự. Dần dà, đôi nạng chống trở thành một phần thân thể của nó. Tự nhiên như mọc thêm hai chân gỗ. Đã có lần tôi gặp Vũ mân mê tay cầm bóng loáng một cách yêu thích như tách rời cặp nạng thì nó không còn là nó nữa.
Chúng tôi chơi với nhau từ năm đệ thất. Tuổi mười một với nhũng trò nghịch “ăn rơ” đã làm hai đứa thân nhanh. Trong sự bỡ ngỡ của những học sinh tiểu học vừa lên trung học, ngôi trường mới với khoảng sân rộng thênh thang làm tôi và Vũ cảm thấy lạc lõng. Có thêm một thằng bạn cũng đỡ lắm chứ? Nhất là cùng sở thích đùa nghịch. Bọn tôi chia nhau từ đĩa đu đủ bò khô, ly chè đậu đỏ cho đến những bài tập toán và Anh Văn. Không gian thu lại trong tình bạn từ những năm đầu trung học. Hết năm đệ tứ, việc chọn ban để học cũng là quyết định chung của cả hai. Bởi vậy, khi Vũ bị bịnh, mang tật, chính tôi lại là người buồn hơn. Đến độ, Vũ phải nói.

– Mày bỏ cái thói săn sóc và nhường nhịn tao đi. Chính những điều đó sẽ làm bọn mình ngày một xa nhau và tao lại mang mặc cảm hơn.
Tôi bối rối vì lời trách. Vũ quơ quơ cặp nạng, cười.
– Mày thấy không, người đáng được che chở, bảo vệ phải là mày. Còn tao, tao có đến bốn cái chân để sống trong khi mày chỉ có hai chân.
Trước thái độ của Vũ, tôi chỉ biết im lặng và cố gắng đối xử bình đẳng. Trong nhiều trường hợp tôi đã nén lòng thương hại xuống để Vũ được vui. Tôi quen dần, cho đến cuối năm đệ nhị thì thật sự bình thường, đối xử với nhau như ngày còn học trung học đệ nhất cấp. Tôi không còn phải nhường nhịn Vũ, không còn những cái nhìn ái ngại. Thật tình, đôi lúc tôi còn ghen với nó vì những lợi điểm của hai cây nạng. Chẳng hạn những lần chen nhau mua vé xem phim, hoặc trên một chuyến xe lam đông khách, hay sự giúp đỡ của người khác dành cho Vũ… Nhưng tất cả không làm chúng tôi có khoảng cách, bởi Vũ luôn chia với tôi những thắng lợi có từ đôi nạng. Sau cùng, chính tôi là người được săn sóc, giúp đỡ chứ không phải Vũ. Tôi nhận nhiều hơn cho, ngay cả việc học hành. Những bài tập Anh Văn khó nhá dành cho đám học sinh đệ nhị C được Vũ làm dễ dàng. Với tôi lại càng dễ hơn, vì chỉ cần sao y bản chánh. Đôi lúc để tránh bị lộ, tôi phải cố tình sửa vài chữ thành sai. Tôi chỉ hơn Vũ một điều: cái xe solex màu đen. Dĩ nhiên! Một thằng bốn chân dù thông minh cách mấy cũng không thể chạy xe gắn máy được. Nhất là cái xe có đầu máy nặng trĩu gắn phía trước.
Chúng tôi bắt đầu lớn sau khi đậu Tú Tài một. Nhưng cái mác học sinh đệ nhất của một tỉnh không có trường đại học vào lúc bấy giờ cũng to lắm. Lại là nhất C nên càng to hơn. Kẹp trong nách cuốn sách dầy cộm có những trang giấy chi chít chữ của Sartre, Camus, Gide, Miller… chúng tôi tưởng mình đã thành triết gia của thế kỷ. Lầm lì, mặt thộn ra như bị bón kinh niên – mà bón thật, mớ chữ nghĩa tối om đó được nhồi nhét vội, tham lam khi kiến thức về triết học chỉ có từ bốn môn căn bản của đệ nhất C: siêu hình học, tâm lý học, đạo đức học và luận lý học nên không kịp tiêu hóa. Lúc nào cũng nghiêm nghị như đang nghĩ điều gì thật lớn trong trí. Nhưng bọn tôi lại tội nghiệp cho những đứa đang học ban A và B. Một thế giới mới mở ra mà bọn nó vẫn đánh vật với những lóng xương, những con số khô khan… Và tất nhiên, đám học sinh nhất C lấn quyền, thao túng khoản bích báo, đặc san. Vũ là đứa có khả năng trong lãnh vực này. Tờ đặc san của trường mỗi năm in đôi lần vào các dịp như tết, bãi trường… nhưng có chức vụ rõ ràng. Chủ nhiệm: thầy Hải Chủ bút: Vũ, và từ tổng thư ký trở xuống thì đám nhất C ôm gần nửa. Còn lại mới chia đều cho thiên hạ.
Đúng ra không phải tự nhiên mà Vũ được làm chủ bút, mọi khi vẫn là cô Giang – phụ trách lớp nhị C – đảm trách. Và chuyện cũng liên quan đến một bài thơ. Khoảng giữa năm đệ nhị, cả trường xôn xao vì tin Vũ có thơ… đăng báo! Tôi được xem bài thơ của Vũ in tại góc phải của một tờ báo. Phía trên có chữ “thơ” viết thảo và hình con nai – chắc theo tích con nai vàng ngơ ngác của Lưu trọng Lư – đang ngửa đầu uống trăng. Tên Vũ được đánh chữ đậm dưới bài thơ. Bên dưới nữa là hàng chữ nhắn tin “Bạn Vũ, thơ rất đạt, hy vọng sẽ nhận được sáng tác mới”. Bọn tôi ngây thơ nhìn Vũ như một thiên tài thi ca. Sau cặp nạng, bạn tôi nổi tiếng trong trường nhờ bài thơ. Thành quả trước mắt là chức chủ bút tờ đặc san – một chức vụ chưa bao giờ học sinh được làm – vì lần này, cô Giang bận ở cữ, nghỉ dạy nên truyền chức cho Vũ. Thanh thế Vũ bấy giờ lừng lẫy nhất trường. Bọn nhất C chia xẻ sự hãnh diện đó, cùng đứng… sau lưng Vũ để thực hiện đặc san mùa xuân.
Cái lãng mạn ngây thơ của đám học sinh miền biển lớn theo thời gian. Từ năm đệ nhị, trong lớp đã có vài thằng có bạn gái. Lên đệ nhất lại thêm vài đứa nếm mùi yêu. Song song với chuyện học hành, báo chí là chuyện tình yêu. Ngồi kể lể, tâm sự với nhau những đứa có bạn gái thường nói với giọng say mê. Sự say mê lan sang bọn chưa có bạn gái đến độ có những đứa vẽ ra các cuộc tình tưởng tượng. Đứa có bạn gái thì nói. Đứa chưa có thì nghe rồi thêu dệt trong trí. Bọn tôi cùng nhau yêu, cùng nhau có tình yêu một cách hồn nhiên và bình đẳng. Nhưng giữa sự bình đẳng đó có một điều bất công là chúng tôi không để ý đến Vũ. Cặp nạng chống là biểu hiện cho số phận hẩm hiu. Làm sao Vũ có thể có một mối tình? Tất cả đều nghĩ thế mà quên mất một điều: Vũ cũng là một con người. Vả lại, nó còn là một người biết làm… thơ!
Bọn tôi đều công nhận Vũ đa tài, nhạy cảm nhưng không nghĩ Vũ ngang hàng trong tình yêu. Đôi nạng chống là bức tường chận lại. Trong cái nhìn về Vũ, kể cả các cô gái, đa số đều pha sự thương hại. Mà, tình yêu đến trong sự thương hại thì còn gì bi thảm hơn. Tôi nghĩ Vũ cũng hiểu và thấy nó thường biểu lộ thái độ im lặng nghe mỗi khi bạn bè kể lể, tâm sự. Không một nụ cười, không một lời bàn luận nhưng cũng không bao giờ tỏ vẻ khó chịu hay bỏ đi chỗ khác. Vũ nghe như nghe những chuyện mình không biết hoặc không thể đóng góp. Dần dà việc Vũ không thể có tình yêu trong ý nghĩ bọn tôi rõ ràng như cặp nạng trong đời Vũ.


Mùa xuân đến thành phố biển bằng những cơn nắng dịu. Trong cái lạnh se se, trời đất như rộng hơn làm bọn học sinh vừa lớn lãng mạn hơn, lơ ngơ hơn. Tất cả được nhồi vào những bài thơ, đoản văn do bọn tôi thức đêm nặn ra. Phần lớn các bài viết cho đặc san đều có tình yêu. Chuyện chiến tranh, đất nước nghe sao lạ. Đêm chọn bài để đăng thầy Hải lắc đầu.
– Chắc phải đổi tên “Đặc San Xuân” thành “Đặc San Yêu”.
Vũ mỉm cười, mắt vẫn nhìn vào một trang bản thảo.
– Học trò mà thầy.
– Học trò phải học chứ? Tôi thấy bài nào đường được một chút là bài đó viết về tình yêu.
Vũ thả tờ giấy xuống mặt bàn.
– Dạ… nhưng mấy đứa chỉ biết học, không biết mơ mộng, không biết yêu thì làm sao làm thơ, viết văn được.
Thầy Hải bật cười, nhìn vào mắt Vũ.
– Như cậu đã làm thơ từ năm ngoái…
Vũ cúi xuống, từ phía bàn đối diện tôi thấy màu đỏ lan rộng lên mang tai nó. Mãi lúc sau, Vũ mới ngẩng mặt lên.
– Kỳ này em cũng đăng một bài thơ tình.
Nghe Vũ nói, tôi thật ngạc nhiên và tự trách đã nghĩ sai về nó. Bạn tôi vẫn là người. Vẫn biết yêu như chúng tôi. Tôi thích thú nhìn Vũ, màu đỏ lan trên má đã mất, chỉ còn nước da xanh tái với sợi gân cằm nổi rõ trên mặt. Hệt như Vũ mới quyết định để làm một việc quan trọng.
“Đặc San Xuân” ra đời như một trái bom nổ trong sân trường. Một ngày sau khi phát hành, tất cả số còn lại đều bị thu hồi. Nhưng một số đã bị tung ra ngoài và bài thơ của Vũ với hàng chữ “tặng G. người tôi yêu” đã được đọc. Dư luận ồn ào xoay quanh chuyện học trò yêu cô giáo. Thành phố hiền lành, yên tĩnh lâu ngày được dịp khuấy động nên không khí ồn ào như tăng nhanh. Đâu cũng nghe và nhắc. Ngạc nhiên nhất là đám học sinh lớp nhất C. Ở gần Vũ mà chẳng hiểu diễn biến tình cảm của bạn mình. Và tôi, thằng bạn thân nhất của Vũ đã thành mục tiêu tra hỏi của đám bạn. Tôi nói thật, bọn nó không tin. Tôi im lặng, bọn nó bảo tôi dấu. Bực tức, tôi đến tìm Vũ lúc thầy Hải đang mệt nhoài trong buổi họp hội đồng giáo sư.


Qua những con hẻm nằm phía sau chợ Phương Sài là lối vào nhà Vũ. Con đường đất hẹp, khoảng ba thước bề ngang, lầy lội và bẩn thỉu chắn giữa hai dãy nhà lụp xụp. Chiều hăm bảy tết mà quang cảnh vẫn buồn. Không khí xuân như chưa đến nơi này. Đến cuối con đường, tôi đẩy chiếc solex một cách khó khăn qua đống rác cạnh nhà Vũ. Sau khi dựng xe, sự bực bội trong tôi tăng thêm khi vừa thấy Vũ.
Hai chiếc nạng đặt hai bên, Vũ ngồi giữa, trên người vỏn vẹn cái quần đùi. Nó thản nhiên nhìn tôi trong khi bàn tay phải xoa trên bắp đùi của cái chân bị tật. Ánh mắt bình thản không lộ một chút ngạc nhiên hay xấu hổ nào khi thấy tôi, như tôi đã nghĩ. Ngay cả gương mặt nó. Cứng ngắc và trơ trơ như được nặn bằng sáp. Tôi bước nhanh đến trước mặt Vũ, gằn giọng như sắp đánh nhau.
– Mày làm cái gì kỳ vậy?
– Làm cái gì là làm cái gì?
– Bài thơ ở đặc san…
– Bài thơ thì đã sao?
Vũ hỏi lại bằng thái độ bình tĩnh. Bàn tay phải vẫn xoa trên bắp chân.
– Ai cũng nói.
– Ai là ai?
– Tất cả mọi người.
– Kể cả mày?
– Phải.
Tôi thách thức. Vũ từ từ ngước lên, mắt buồn hẳn.
– Tao tưởng mày hiểu tao…
Tôi dịu lại trước giọng nói như sắp khóc của nó. Chúng tôi nhìn nhau rất lâu rồi tôi ngồi xuống trước mặt Vũ khi nó bắt đầu với âm thanh nhỏ mà đục.
– Mày là bạn thân nhất mà cũng không hiểu tao thì còn trách chi người khác? Dù tàn tật nhưng tao vẫn là người, vẫn biết rung động, vẫn biết yêu như bọn mày, như mọi người. Có lẽ tao còn biết yêu sớm hơn tụi mày nữa là khác. Như mày biết, năm đệ tam tao bị bịnh, lúc đầu buồn lắm chứ. Đã nhiều lần tao định bỏ học hay tự tử. Đang yên lành đột nhiên thành què. Tao nhìn người chung quanh đi đứng mà uất ức. Nhưng chỉ âm thầm chịu đựng và chờ dịp là bỏ hết… Đang trong lúc thất vọng thì cô đến. Tao dùng chữ đến hơi kỳ, mày hiểu không? Là cô giáo hướng dẫn lớp, cô đến thăm thường xuyên. An ủi, săn sóc, giúp tao ổn định tinh thần. Đó là chuyện bình thường và tình cảm của cô nằm trong tình thương của một người lớn dành cho đứa trẻ bị nạn. Gần hơn là tình thương của một người chị đối với em. Mà hơn thế nữa là một người mẹ cho con…
– Mày hiểu lầm tình thương đó là tình… yêu?
Vũ lắc đầu nhìn tôi. Bàn tay không còn xoa trên bắp chân, những ngón tay cong lại, bám lấy phần thịt nhão như vuốt của loài chim ưng.
– Tao không hiểu lầm như mày nói. Nhưng từ tình thương của cô ấy tao đã yêu. Phải, tao đã yêu cô ấy dù biết chẳng bao giờ được. Tuổi tác, giai cấp, trình độ… và cả thân thể nữa.
Vũ thở dài. Mu bàn tay hằn lên các sợi gân xanh khi bắp chân nhão bị lõm xuống dưới các đầu ngón tay.
– Tao biết là vô vọng, nhưng vẫn yêu. Tình yêu đã làm tao vui lại và rán học, lại học giỏi hơn hồi chưa bị tật. Tao không kỳ vọng gì cả. Hạnh phúc của tao, có lẽ nằm trong hai điều: một là cho cô ấy thấy tao thay đổi một cách tốt đẹp từ tình thương của cô ấy và hai là, từ sự thay đổi này tao sẽ được nhận tình thương tiếp. Tao nhấn mạnh tình thương chứ không phải tình yêu. Mày hiểu chứ?
– Tao hiểu.
– Cảm ơn mày. Tao sống với ý tưởng đó. Nhưng thỉnh thoảng đến nhà, tao gặp cô ngồi đan áo cho đứa con trong bụng. Tao bắt đầu lo khi thấy tình thương sẽ bị san xẻ. Cho đến lúc sanh, tao vào thăm, cô nói chuyện vui vẻ. Nào là học hành, nào là thay cô làm chủ bút tờ đặc san… Rồi đến chuyện đời sống của tao, tao cảm động và lắp bắp nói từng câu ngắn. Lúc ấy mắt cô thật dịu dàng. Tao chỉ muốn kéo dài khoảng khắc đó. Mãi một lúc sau, cô hỏi tao về chuyện tương lai, sẽ làm gì sau khi thi xong. Tao định trả lời thì đưa bé mới sinh khóc ré lên. Cô ấy quay sang với con và hình như đã quên có tao ngồi đó. Tao lặng đi. Đứa bé nín và thiu thiu ngủ trong tay cô. Tao chờ cô nhắc lại câu hỏi để trả lời. Nhưng cô lặng im, bàn tay vỗ vỗ lên má đứa bé, và tia mắt dịu dàng hơn lúc hỏi tao. Tao chờ nhưng tưởng như cô đã quên hẳn câu chuyện đang nói. Rõ hơn nữa, những điều cô ấy đã nói với tao chỉ là nói cho có chuyện. Tao chợt hiểu tình thương dành cho tao đã chuyển sang thằng bé…
Giọng Vũ nhỏ hẳn. Tôi bùi ngùi gỡ bàn tay của nó đang bấu trên bắp đùi cũng của nó.
– Tao hiểu mày… nhưng đó là đứa con đầu lòng của cô Giang. Vả lại, mày chỉ là một đứa học trò, cho dù đó là đứa học trò được cô thương nhất.
Vũ cúi mặt xuống, mái tóc bẩn xõa từng lọn phía trước, che hết khuôn mặt.
– Ban đầu tao cố nghĩ như mày, nhưng trong tâm trạng hụt hẫng, tao khổ vô cùng. Nuối tiếc tình thương và mong có lại. Nhưng luôn hiểu rằng điều đó khó xảy ra. Tao ghen với thằng bé mới sinh. Tao đã ngấm ngầm cầu mong những điều rất khốn nạn cho nó. Trúng gió hay té đập đầu vào cột chẳng hạn. Tất nhiên không có gì xảy ra. Tao trăn trở, loay hoay cố làm cho cô ấy để ý đến tao. Nhưng vô ích mày ạ. Rõ ràng cô ấy đã quên tao. Làm sao để được nhớ đến dù chỉ một lần, bằng cách này hay cách khác? Làm thế nào để nhắc cô ấy nhớ rằng tao đã được săn sóc, lo lắng? Tao lần mò tìm và bài thơ là lần nhắc cuối để cô ấy nhớ đến tao, dù sau đó, tao biết sẽ có sự khinh ghét…
Tôi buông tay Vũ ra. Trong mắt tôi nó có vẻ bất thường, sự bất thường không thể hiểu nổi trong một đứa học trò mười tám tuổi.
– Làm cách nào mày qua mặt được thày Hải để đăng bài thơ đó?
– Đâu có gì khó. Lúc đưa bản thảo cho thày Hải, tao đâu có đề câu tặng làm chi? Khi đem xuống nhà in để thợ sắp chữ, tao tìm cách đi một mình. Trên đường đi tao thêm vào…


Vũ bỏ học trước khi bị đuổi. Nó ghi danh thí sinh tự do để lấy tú tài đôi.Và trượt. Trừ tôi, mọi người đều ngạc nhiên về điều này. Một học sinh xuất sắc lại hỏng khi đề thi quá dễ. Dễ đến độ cả lớp nhất C đều đậu. Dĩ nhiên không kể Vũ.
Năm sau tôi vào Sài Gòn học. Thỉnh thoảng ghé về Nha Trang có đến thăm Vũ, nhưng tình bạn mỗi lúc một nhạt. Chuyện cũ, tất nhiên không ai muốn nhắc nhưng chuyện cũ đã làm chúng tôi thay đổi. Sự khác biệt không chỉ bằng thân thể mà còn là nếp suy nghĩ. Bởi sau lần Vũ tâm sự, tôi hiểu nó đã thành một con người bệnh hoạn. Ít nhất về mặt tình cảm. Dù thân, dù thương nhau hơn các bạn cùng lớp, khoảng cách giữa chúng tôi đã có. Lại nữa, cuộc sống với những suy nghĩ lớn theo thời gian làm con người ngày càng co lại, thủ thế với chung quanh, nên sự cởi mở lúc thiếu thời đôi lúc đã thành nông nổi, lầm lỗi. Chúng tôi xa nhau dần. Cho đến năm 1972 tôi vào lính. Hai đứa không còn gặp nữa.
Sau tháng tư năm bảy lăm, trước khi đi tù cải tạo tôi nhận được tin Vũ đã đi nước ngoài. Dù sợi giây liên lạc giữa hai đứa chỉ còn các mẩu tin, tôi vẫn mừng cho thằng bạn thân của những năm trung học. Biết đâu, với nền y học tân tiến của nước ngoài Vũ sẽ khỏi bệnh.


Sau thời gian lang thang qua các tiểu bang của Mỹ, tôi đến San José. Mười ba năm từ ngày mất nước đã cho tôi ý nghĩ không nơi nào là nhà của mình. Ngay cả những ngày trốn trại, sống chui nhủi ở Sàigòn, tôi cũng mất hướng về nơi ấm yên. Chung quanh tôi, dù vẫn thành phố cũ nhưng sao xa lạ. Tôi đã sống trong âu lo suốt thời gian gần ba năm, luôn đặt mình vào thế chuẩn bị chạy trốn. Mỗi nơi ghé đến không gây ấn tượng thân quen nào để thành quyến luyến. Bà Quẹo, Ông Tạ, Củ Chi, Xóm Củi… những địa danh loáng thoáng với từng ngày ngắn nhìn quanh, với từng đêm dài chập chờn. Ngay cả căn nhà tại ngã tư Bảy Hiền – nơi có mẹ tôi và gia đình đang sống – cũng không được gọi là nhà để tôi trở về. Cái thấp thỏm chỉ chực bỏ đi gắn chặt trong trí. Và theo tôi đến đây – nước Mỹ – xứ sở văn minh và giàu có nhất thế giới.
Thói quen – hãy gọi thế – “di chuyển” của tôi lớn lần khi qua thời gian đầu bỡ ngỡ tại đây. Tất cả những lần di chuyển tôi đều dùng chữ “đến” cho các địa danh. Đến Twinsfalls, đến Wichita, đến Lincoln, đến Santa Ana, đến… Đủ thứ nơi đến nhưng chẳng có chỗ nào để về. Tôi bơ vơ trong ý nghĩ: điểm về là chốn đã bỏ đi. Nhưng đâu là chốn đã bỏ đi? Lại Santa Ana, Lincoln, Sài Gòn, Bảy Hiền, Nha Trang… hay là các trại tù cải tạo? Tôi ngơ ngác với hai bàn chân lạc lối, nằm trên đôi dép nhật.
Sau thời gian tại Mỹ, vật lộn với các thứ nghề để sống và lang thang trên những vùng đất lạ, tôi đâm ra ngán ngẩm khi tiếp xúc với một số cộng đồng tỵ nạn. Hầu hết đều khoác lên người một thứ gì đó – như lớp quần áo giấy – để sống, để khỏi khuất lẫn vào đám đông. Bằng quá khứ cũng có, bằng chức vụ hay bằng cấp cũng có… Nhưng tựu chung chỉ trong vòng thỏa mãn tự ái cá nhân hoặc khỏa lấp mặc cảm. Nói cho cùng, tôi vẫn gặp một số người sống bằng tấm lòng. Ở thiểu số này, ranh giới giữa suy nghĩ riêng tư và cuộc sống tại đây hoàn toàn cách biệt. Họ âm thầm thực hiện hoài bão. Như những đốm lửa lạc loài trong đêm văn minh quá độ. Với họ – những đốm lửa nhỏ nhoi đó – điểm ra đi chính là nơi trở về. Tôi đã được an ủi nhiều khi gặp họ – nhưng chỉ thế – bởi tất cả đều chờ trong hy vọng. Dần dà ý tưởng mong manh về việc bám rễ tại một nơi nào đó đã mất trong tôi. Nghề nghiệp cũng thế, chọn một việc ổn định không còn cần thiết. Trong ý nghĩ riêng, tôi đến bắc California với cái nghề lạ: làm báo Việt trên đất Mỹ. Và San José, tại tòa soạn của một tờ báo thương mại, tôi gặp lại Vũ.
Tôi ngạc nhiên nhiều hơn Vũ khi thấy nhau. Cặp nạng đã được vất bỏ và thằng bạn cũ vững vàng trong bước đi. Điều mong ước cho nó vào năm bảy lăm đã thành sự thật.
– Mày sang đây bao giờ?
– Hơn năm năm.
– Sao không liên lạc với tao?
– Biết mày ở đâu mà tìm.
– Nhắn tin trên báo.
– Cả trăm tờ báo vất đầy đường, xó chợ biết nhắn tờ nào mày sẽ nhặt. Hơn nữa, có biết mày còn đọc tiếng Việt hay không mà nhắn…
Nghe tôi nói, Vũ nhún vai, da mặt bóng hồng với cặp kính trắng có vẻ trưởng giả. Hình ảnh thằng bạn cũ ngồi xoa cái đùi có tật đã mất. Tôi cố tìm lại những nét cũ trên người nó nhưng không được. Mười ba năm bơ sữa đã làm nó biến dạng. Ít nhất cũng qua bề ngoài. Vũ mỉm cười khi bắt gặp thái độ của tôi.
– Làm gì nhìn kỹ vậy.
– Mày thay đổi thấy rõ.
– Mày cũng thế.
– Mười ba năm…
– Không bọn mình phải là mười sáu năm. Từ ngày mày đi lính.
Vũ thân mật sửa lại con số thời gian. Tôi xúc động.
– Ừ mười sáu năm.
– Mười sáu năm bao nhiêu chuyện để nói. Mày đi uống nước với tao được chứ?
– Được. Tao làm báo mà.
Tôi gật đầu, đặt con dao cắt giấy xuống bàn và theo Vũ ra xe. Dọc đường, qua câu chuyện, tôi mừng thêm cho nó. Vũ học xong M.S, đang đi làm, đã có gia đình và vẫn quan tâm đến những sinh hoạt của cộng đồng. Ngoài việc làm tại một hãng điện thoại, Vũ còn là phó chủ tịch của hai hội đoàn tỵ nạn. Tôi ngạc nhiên về những chức vụ Vũ đảm nhiệm cùng một lúc. Làm sao nó có thể đảm đương nổi? Không phải vấn đề khả năng mà là thời gian. Tôi nói điều này, Vũ cười cười giải thích hệt như những người tôi đã ngán ngẩm khi gặp. Rồi bằng giọng đều đều Vũ kể lại cuộc sống trong mười ba năm ở Mỹ. Tất cả đều xuông xẻ và giản dị như nó nghĩ. Nghĩa là Vũ đạt được các mức đến cần thiết cho một người tỵ nạn, được hiểu theo một nghĩa nào đó. Nhưng cũng qua câu chuyện và bằng thái độ khi kể chuyện của Vũ tôi chợt hồ nghi. Vẻ tự mãn về những cái đang có của Vũ có một điều gì tạm bợ, thiếu tin tưởng. Khác hẳn với ý tưởng quyết liệt – dù đã bị kết án là bịnh hoạn – của lần đăng bài thơ trong đặc san Xuân Võ Tánh. Bịnh hoạn nhưng đầy lạc quan, tin vào việc mình làm. Vũ mạnh khỏe bây giờ như đang thiếu điều đó. Nó lấp liếm trách nhiệm, xem việc làm không bằng các chức vụ. Và an tâm để sống.
Chúng tôi ngồi tại một bàn gần cửa sổ. Bên ngoài khung kính là con đường một chiều với đường rầy xe điện nằm giữa, trải dài ngút mắt. Khung cảnh bên trong và bên ngoài quán vắng lặng. Vũ nhấc chiếc lọ hoa trên bàn, đặt sát tường. Một cánh lá xanh rơi trên mặt khăn trải bàn trắng. Sắc xanh nổi bật trên nền trắng như chiếc nhẫn kim cương to nổi bật trên tay Vũ.
Người hầu bàn đến. Xong việc gọi thức ăn, Vũ quay sang tôi.
– Hồi nãy mày lầm khi nói tao không còn đọc báo tiếng Việt. Tao vẫn viết báo.
– Viết báo?
– Phải. Ngay cả tờ báo mày đang làm tao cũng là một biên tập viên.
– Mày ký tên gì?
– Tên thật chứ tên gì.
Tôi ngạc nhiên. Dù lang thang mọi nơi nhưng những tờ báo đứng đắn vẫn được tôi theo dõi. Chưa bao giờ thấy tên Vũ xuất hiện. Đã có lần tôi nghĩ nó không còn viết hoặc dùng bút hiệu khác.
– Tao chưa được đọc bài mày viết.
Tôi nói thật. Vũ thoáng thất vọng, nó gõ ngón tay trỏ xuống mặt bàn, ra vẻ tự nhiên.
– Tao viết rất nhiều…
– Trên tờ nào?
Tôi hỏi lại. Vũ kể ra một loạt tên lạ của những tờ báo biếu trong vùng. Tôi bật cười định đùa, nhưng trước thằng bạn cũ, sau hơn mười sáu năm gặp lại, tôi không nỡ nói điều mình nghĩ nên đành nói dối.
– Có lẽ tao vừa về hơn tuần, chưa kịp đọc những tờ đó…
– Chắc vậy.
Vũ hân hoan gật đầu. Lại thêm thái độ dễ dàng chấp nhận điều giả dối của người khác để tự an ủi và xoa dịu tự ái. Tôi nhớ lại câu chuyện nơi thềm nhà của Vũ vào cuối năm nào. Thằng Vũ què dám chống lại những điều không mong đợi do cuộc sống áp đặt lên mình đã thay đổi. Ở đây chỉ là một ông Vũ với bộ vét và đuôi cà vạt lụa.
Người hầu bàn quay lại với khay thức ăn. Từ lúc đó, bọn tôi chỉ nói những chuyện trong mười ba năm không gặp. Tưởng chuyện báo chí được quên nhưng lúc về Vũ lại nói.
– Tuần sau tao đem những bài viết xuống cho mày đọc.
Tôi gật đầu trong chín phần mười thất vọng vì thái độ có còn hơn không của nó. Còn lại một phần mười là hy vọng, tôi nhỏ nhen cắt làm đôi. Một nửa tin vào cái tài hoa của nó, trong thời gian học trung học, còn sót lại. Và một nửa vì cảm tình – cũng còn lại – của điều gọi là tha hương ngộ cố nhân.


Nhưng không cần đợi đến một tuần lễ, hai ngày sau Vũ đã gặp tôi với vẻ mặt quan trọng. Lần này nó xách theo một cặp da. Trừ cái cặp và bộ quần áo khác màu là điều mới, còn lại từ thái độ, vóc dáng, lời nói đều như lần đầu gặp.
Vũ trịnh trọng đưa tôi cái cặp da.
– Tất cả những bài viết của tao đều nằm trong này.
Đón chiếc cặp da, tôi liên tưởng đến một đoạn phim găng tơ đã xem. Hai thằng xếp trao nhau hai cặp da tài liệu và tiền. Mẹ kiếp, giá mà cái cặp này toàn là tiền thì đỡ cho tôi biết mấy. Ý nghĩ đi xa hơn với những điều sẽ làm, nếu cặp da này toàn tiền giấy in hình Benjamin Franklin, bị chận lại bởi một xấp giấy đưa trước mặt tôi.
– Đây là bài quan điểm tao mới viết, mày đọc xong đưa ông chủ bút hộ. Còn cái cặp, cứ từ từ đọc, rồi trả tao.
Tôi gật đầu cầm lấy xấp giấy, đặt xuống mặt bàn layout. Bài viết được in từ máy computer nên sạch sẽ và dễ đọc. Phía trên cùng là tựa bài. Một câu thật kêu nhưng rỗng. Tôi cảm thấy khó chịu. Liếc xuống góc phải tờ giấy, tôi ngẩn người khi đọc thấy tên Vũ với hai chữ “kỹ sư” nằm phía trước. Tôi ngán ngẩm vì gặp điều đã gặp. Ngước lên nhìn Vũ, hình ảnh cũ lại về làm ý nghĩ tôi chao đảo. Có thể bạn tôi vô tình. Bằng sự tin tưởng cộng với lòng thương mến của một người bạn dành cho một người bạn, tôi mở chiếc cặp thật nhanh.
Lôi ra đống bài được cắt từ những trang báo, tôi đọc vội. Thơ có, truyện có, phê bình có, quan điểm có… Vũ đã viết đủ loại. Nhưng điều tôi tìm không phải các điều này. Tôi đã tìm thấy điều đau lòng nhất là sự thất vọng. Tất cả những bài viết đều kèm theo một chức vụ trước cái tên. Khi thì học giả, lúc thì giáo sư, lúc thì nhà văn… kỹ sư… Và đau lòng hơn nữa là những điều viết ra đều trái ngược với chức vụ kèm theo. Rõ ràng hai thứ không có gì liên quan. Bỏ một bài phê bình sách được ký tên bởi ông Vũ kỹ sư xuống, tôi lại cầm đúng bài khảo cứu khoa học của ông Vũ nhà văn. Tôi thở dài quay sang Vũ, bộ quần áo đang mặc trên người nó tự nhiên giống hệt bộ quần áo giấy. Bất giác tôi ao ước trước mắt tôi là một thằng Vũ què chân đang mân mê cặp nạng. Để tôi còn hy vọng có ngày nó được chữa lành lặn như tháng tư năm bảy lăm tôi đã hy vọng. Còn bây giờ… Tôi lắc đầu.
– Tao không ngờ.
– Phải, làm sao mày ngờ được. Sau khi chữa lành chân, tao vừa đi học, vừa viết lại. Và đây là điều mày thấy. Tao vẫn đóng góp vào văn hóa.
Tôi tránh ánh mắt Vũ bằng cách cúi xuống. Hai bàn chân tôi đều đặn trong đôi dép nhật mang từ tiểu bang này sang tiểu bang khác trông xa lạ trước hai mũi giầy bóng loáng của Vũ. Hai mũi giầy quẩn quanh tại một vùng đất của kẻ tật nguyền danh vọng.

San Jose 12.10.1988

Nguyễn Ý Thuần

Bìa Văn Học số 38, tháng ba, 1989

(- Đăng trên tạp chí Văn Học số 38, tháng ba năm 1988, Orange County, California.
– In trong tập truyện ngắn “Tối Tháng Năm Tại Quán Ăn Đường Fifth”, Văn Nghệ xuất bản năm 1989)