Điểm Nối

Truyện ngắn Nguyễn Ý Thuần.
 
“Vậy là đủ, thôi tôi về.” Ông Trị ngồi yên nhìn người bạn cũ bước ra cửa. Gió tháng ba với cơn mưa đột ngột của San Jose hắt hơi lạnh vào nhà. Tất cả đều không như ông nghĩ khi bắt đầu nộp đơn xin xuất cảnh. Đó là lần thứ tư họ gặp nhau, sau hơn một năm ông Trị đến Mỹ.
Qua khe hở của tấm mành nhựa che cửa sổ, những ánh đèn đủ màu từ dãy thương xá phía đối diện hắt vào nhấp nháy, rơi trên mặt thảm chuỗi hình ảnh méo mó. Cảnh sang trọng của căn phòng vẫn xa lạ với ông. Hơn một năm với các lần háo hức gặp người này, kẻ nọ cũng là hơn năm thất vọng. Bạn bè, thân nhân, người cùng cảnh ngộ… tưởng như ai cũng khoác lên người một lớp vỏ nào đó. Ngay cả những người gần gũi nhất.
Từ phía phòng ngủ có tiếng cửa mở. Ông Trị xoay lại, dõi theo ánh vàng nhạt bám trên thảm đang tỏa lớn rồi ngước lên. Người đàn bà thật thân quen và cũng thật xa lạ hiện trước mặt.
Bà Trị lặng lẽ nhìn chồng. Hai ánh mắt gặp nhau. Lạnh như đã lạnh. Khoảng cách từ cánh cửa đến chiếc bàn xa hơn khoảng cách từ những trại tù đến đây. Ông Trị nén tiếng thở dài, giọng nhỏ. “Chưa ngủ sao em?” Một cái lắc đầu được làm trước câu hỏi. “Anh Tuấn đã về?” Một cái gật đầu thay câu trả lời. Rồi cả hai lại im lặng khi ánh mắt vẫn không rời nhau. Trong dáng ngồi thu mình, lọt thỏm trong lòng ghế, ông Trị trông ủ rũ, tội nghiệp nhưng bà Trị chỉ thấy chán chường và khó chịu. Mười mấy năm chờ đợi với những khát khao, réo mời, đã bao lần bà đã cố nén để chờ ngày gặp lại. Nhưng chỉ gặp thất vọng.

Họ nhìn nhau. Im lặng. Điếu thuốc cầm trên tay, ông Trị muốn nói điều gì đó để phá không khí ngột ngạt nhưng không được. Những điều bình thường đã thành gượng ép.
“Đi ngủ đi.” Bà Trị xoay mình bước vào phòng tắm sau câu nói ngắn. Chiếc áo ngủ xanh ngắn ngang đầu gối, mỏng dính làm da thịt người đàn bà đang hồi xuân ẩn hiện theo từng cử động. Ông Trị nhìn theo, gạt đầu điếu thuốc vào chiếc gạt tàn, ngón tay trỏ đập nhẹ như sợ gây tiếng động. Dưới ánh sáng mờ, nhựa thuốc bám vào hai ngón tay vàng bẩn. Bất giác ông Trị đưa bàn tay lên mũi. Mùi khen khét của thuốc lá phảng phất khi cái nhíu mày của bà Trị hiện về sau các lần gần gụi ngắn. Ngắn đến độ tiếng thở dài của người vợ không còn giấu giếm. Ông Trị nuốt nước bọt ngồi xuống ghế.
Tiếng nước dội từ bồn cầu vang trong đêm thứ âm thanh gợi dục. Phần dưới cơ thể ngọ nguậy khi hình ảnh khỏa thân của bà Trị chợt có trong trí ông Trị. Cơn thèm muốn dấy lên, ông thu người trong ghế, gắng xua đuổi cảm xúc bình thường của một người đàn ông nhưng đã thành mặc cảm để luôn khỏa lấp bằng cách né tránh. Thời gian tù đày đã cướp đi phần lớn sinh lực của ông. Những cơn dấy động, hăm hở chỉ có lúc đầu, trong khoảng thời gian ngắn, đã thành sự khó chịu, ấm ức cho bà Trị. Ngày lại ngày. Đêm lại đêm. Cố gắng. An ủi. Lần lựa. Bẽ bàng. Buông xuôi. Khoảng trống không thể lấp trên mặt nệm hằn trong trí. Những lần sau ông đã nén thèm muốn khi nhớ đến tiếng thở dài và nét mặt khó chịu của người vợ. Ông qụy xuống sau thời gian ngắn.
Sau tiếng ”cách” khô khốc, cánh cửa phòng khép lại, căn phòng lại đắm vào yên lặng. Đêm đã khuya. Bên ngoài tiếng xe cộ đã ngớt nhưng ánh đèn nhấp nháy vẫn hắt qua khe hở của mành cửa sổ những vệt màu. Một buổi tối bình yên tại Mỹ nhưng trong ông chỉ là bỡ ngỡ và lạc lõng. Ngay cả với người thân. Từ một thế giới bước sang một thế giới khác với nhiều hoài bão ông chạm phải thực tế. Những điều tưởng đã thành thất vọng.
“Tất cả đều thay đổi.” Ông Trị chép miệng khi với tay cầm gói thuốc màu vàng, in hình ba số “5” nổi trên vòng tròn xanh đậm. Gói thuốc gần như những gói thuốc ngày xưa ông đã hút. Bàn tay phải chạm vỏ gói thuốc chợt ấm, ông thấy được an ủi như đang về qúa khứ, qua cảm giác thân quen. Nhắm mắt lại, ông Trị xoa nhẹ hai bàn tay trên gói thuốc. Đêm vẫn trôi bên ngoài.

Trạm xe buýt với chiếc băng dài cũ, bẩn đã thành quen mỗi khi ông Trị xuống phố. Rời chuyến xe có tên Theresa tại đây, băng qua ngã tư là một tiệm sách nhỏ với hàng chữ kẻ nguệch ngoặc trên bảng hiệu bằng hai màu xanh đỏ. Văn Uyển. Đã có lần ông Trị vào tiệm sách trước khi đi theo đường Second xuống phố. Bên trong, quang cảnh buồn, yên tĩnh với các hàng kệ nối nhau làm ông thèm hình ảnh hiệu sách Khai Trí ngày xưa. Tất cả những gì mới gặp nhưng có đôi nét quen như tiệm sách, quán cà phê, một cửa hàng… tại đây đều đưa ông về quá khứ. Lần đó, trong tiệm sách, một người đàn ông trung niên tiếp ông Trị với nụ cười. Ông gật đầu đáp lễ rồi lẩn vào hai hàng kệ sách. Không một đối thoại giữa hai người và điều này làm ông Trị cảm thấy dễ chịu hơn. Ít nhất ông cũng không bị quan sát bởi anh ta. Thói quen khép kín có từ ý nghĩ luôn luôn thấy mình thua kém khi so sánh với người chung quanh. Ban đầu còn tự ái, chống lại, nóng giận… nhưng cũng không đến đâu. Thái độ im lặng của mọi người cho ông thấy họ tội nghiệp, ái ngại cho mình. Mặc cảm thua kém ngày một tăng và chỉ sau một năm, ông đã thành một người ngại chạm mặt thực tế.
Ông Trị nhìn sang bên kia đường. Tiệm sách vắng khách và bóng người đàn ông trung niên lặng lẽ hiện sau khung kính. Tầm mắt đưa xa hơn về phía con đường William cắt ngang đường Second, ông Trị đọc lại các tấm bảng hiệu cũng được sơn hai màu xanh đỏ như bảng hiệu tiệm sách. Một phòng tranh, một tòa soạn tuần báo, một nhà in, một phòng châm cứu; bốn đơn vị thương mại cùng tiệm sách nằm trong toà nhà cũ, bẩn mà ông đã nhìn thấy mỗi khi xuống phố. Quen thuộc như chiếc băng dài cũng cũ, bẩn của trạm xe buýt. Và hôm nay, cũng tại đây, ông bắt đầu thêm một lần lang thang xuống phố để đi cho hết ngày như đã nói với vợ con.
Đã cuối tháng ba nhưng cái lạnh chưa dứt. Cơn mưa đột ngột làm buổi chiều thành phố mang bộ mặt khác. Ông Trị thấy các bảng hiệu trên tòa nhà sáng rõ khi băng qua đường. Bóng đèn báo hiệu hiện hình bàn tay đỏ chớp nháy thúc ông bước vội khi đi qua đầu một chiếc xe mới. Đôi trai gái ngồi trong xe đang cười đùa. Nụ cười người con trai giống nụ cười con ông – đứa thứ hai – đang sống chung với gia đình sau lần hôn nhân đổ vỡ. Ông Trị quay lại nhìn chàng trai ngồi trong xe lần nữa khi bước lên hè đường.
“Bố cần đến nhà bác Niêm.” “Vâng.” Con trai ông trả lời khi vẫn nhìn vào màn ảnh truyền hình. Trận cầu đang diễn với trái bóng hình quả trám xa lạ với ông Trị. “Bố có hẹn với vài người bạn nữa ở nhà bác ấy.” “Lại họp hả bố?” Người con hỏi lại cho có chuyện, mắt vẫn không rời trận cầu. “Chỉ là buổi gặp mặt của những người bạn cũ cùng đơn vị ngày xưa… chiều nay con ạ.” “Touchdown!” Người con hét theo các tiếng reo hò đang phát ra. Câu nói của ông Trị như chưa hề có. Ông kiên nhẫn. “Con đưa bố đi nhé?” Người con im lặng theo dõi lần ghi điểm vừa diễn ra đang được chiếu lại bằng động tác chậm. Cho đến lúc màn ảnh hiện lên một chương trình quảng cáo, anh mới quay lại phía ông Trị. “Con bận…”
Mẩu đối thoại ngắn khoảng nửa năm trước đưa đến các vấn đề khác trong phạm vi gia đình, nhưng kết thúc bằng vài câu nói thêm của ông bị rơi vào khoảng trống, trước sự im lặng của người con. Ông ngỡ ngàng nói với vợ nhưng các phản ứng của bà có mà như không. Rồi đến những ý nghĩ, toan tính của ông như không có giá trị với người tại đây. Hoặc vài thói quen rất thường lại thành bất thường, không thể chấp nhận. Thuốc lá chẳng hạn. Bà Trị đã không giấu sự bất mãn khi ông hút thuốc trong phòng ngủ. Hay nhỏ như một cây tăm. Sau các bữa ăn tại nhà cũng như hàng quán, vợ con ông đã lộ vẻ khó chịu khi ông xỉa răng, ngậm cây tăm… Mọi việc tiếp diễn để ông thấy tất cả đều thay đổi. Thay đổi! Ông Trị chua chát nhẩm lại trong trí khi ánh đèn xanh sáng lên, chiếc xe mới có đôi trai gái chạy đi. Ông đứng yên nhìn theo chiếc xe, như đã đứng yên nhìn cuộc sống chung quanh trôi qua bằng cách sống của một người luôn tin vào những điều đã có và không bao giờ muốn đổi.
Qua các ngã tư, ông Trị đến một trung tâm thương mại của người Việt. Một nhà hàng, một cái chợ có tên là Hồng Kông, một tiệm sách, hai cửa hàng cho mướn phim, một phòng chụp ảnh và hơn chục gian hàng khác nằm cạnh nhau, chiếm hẳn một góc đường. Người qua lại thưa thớt, không ai để ý đến ai. Tất cả đều có việc để làm, để đến trừ ông. Đi cho hết ngày. Ông chua chát. Thì cũng là một thứ việc để làm như mọi người. Đi cho hết ngày như một hành động tách khỏi những sinh hoạt mà vợ con ông đang quay vòng trong đó. Lúc đầu như một cách nghỉ ngơi, sau thành thói quen để lấp khoảng trống và bây giờ là sự trốn lánh thực tại.
Một tấm bích chương quảng cáo Hội Tết, do Liên Hội Người Việt tại địa phương tổ chức vào tháng trước đã ngả màu, vẫn còn dán trên tường, cạnh một tấm bích chương quảng cáo một dạ vũ sắp tổ chức. Những khuôn mặt ca sĩ bị xếp đè lên nhau một cách cẩu thả, hỗn độn. Ông Trị đọc vài cái tên lạ cạnh vài cái tên quen. rồi nhận ra ảnh một cô ca sĩ của các vũ trường Sài Gòn ngày cũ. Thời gian đã làm gương mặt héo úa nên trong lối trang sức thời thượng có vẻ buồn cười, tội nghiệp. Như muốn kéo lại một thời đã mất. Ông Trị chợt thấy cô ca sĩ gần với mình khi tìm được những vệt kẻ chì đậm, vụng về bọc quanh hai viền mắt. Lui lại vài bước, ông nhìn hai tấm bích chương trước khi đi. Bóng lá cờ. Những khuôn mặt chất chồng. Hai chữ ”Hội Tết” vàng được viết thảo trên nền xanh đã ngả màu. Đã xong một lần tìm lại qúa khứ của người tị nạn. Ông Trị lại cảm thấy lạc lõng khi rời thương xá.
Một bàn tay từ phía sau đặt lên vai ông. “Đi đâu thế này?” Xoay lại, ông Trị nhận ra một người quen cũ. Bộ vest mặc trên người hắn vừa vặn, sang trọng. Trong một kiểu nhìn nào đó, người quen này có vẻ thành công. “Dạo này thế nào? Đã định làm gì chưa?” “Vẫn thế, chưa làm gì cả.” “Sao lâu quá không thấy ghé đến hội?”. Ông Trị hình dung đến một hội ái hữu mà ông có thể thành hội viên với số người ít hơn những chức vụ được đặt ra. “Cần đi đâu tôi đưa đi.” Ông Trị lắc đầu, gật đầu trước các câu nói đãi bôi rồi từ giã. Nhìn theo người đàn ông bước vào xe trong dáng khỏe, tự tin, đột nhiên ông nghĩ đến ông Tuấn, người bạn cùng đơn vị cũng đã thay đổi. Lần nói chuyện đêm qua với các quyết định của ông Tuấn làm ông ngỡ ngàng. Ngay cả người bạn thân nhất cũng xa ông. Hình như ai cũng sẵn sàng rời bỏ ông. Ông Trị nhìn về con đường chính của thành phố, đột nhiên cảm thấy mệt. Đời sống vẫn trôi. Xe, người vẫn qua lại và tất cả cũng như đang hất ông ra khỏi nơi này. Như có điều gì đó xảy đến thật nhanh bên trong khiến ông thèm được nằm xuống. Nhắm mắt. Xoãi tay. Buông xuôi. Ông đưa tay xoa lên thái dương, gượng bước đến bức tường đối diện, dựa lưng vào.
Thành phố vẫn trôi theo nhịp đã có.

Trạm xe buýt vắng với chiếc băng dài cũ, bẩn. Ông Trị ngồi phệt xuống. Một ngày đã qua với các điều lập lại trong tâm trạng chán nản. Bao nhiêu lần sau hơn một năm? Ông thở dài nhìn sang bên kia đường. Mặt trời đã xuống, nắng đã hết. Tòa nhà có năm đơn vị thương mại đã lên đèn và các tấm bảng hiệu không còn rõ hai màu xanh đỏ. Đêm thành phố vẫn thế.
Nhìn dòng xe cộ đang thưa dần, ông Trị nghĩ đến một bữa cơm bốn người hờ hững ăn, hờ hững nói, hờ hững thăm hỏi nhau một cách máy móc. Thái độ, hành động được rập trong cái khuôn đúc sẵn cho phải phép, còn bên trong là những điều khác được cất riêng. Nền tảng gia đình chỉ còn bề mặt, rã theo từng đứa con ra riêng để quan hệ mỏng dần qua các lần điện thoại, các tấm thiệp định kỳ rất Mỹ. Người vợ, đứa con trai thứ hai, đứa con gái út và ông, bốn người còn lại trong bốn góc riêng, chỉ chụm với nhau vài buổi tối trong tuần. Những điều tưởng tượng, thêu dệt lúc sắp rời quê hương đã hết. Hôm nay, sau lần đi cho hết ngày, trên chiếc băng cũ, bẩn chờ chuyến xe buýt Theresa đưa về nhà, ông rơi vào tâm trạng ngại ngùng, gần như sợ. Về. Nhưng để làm gì?
Một chiếc xe buýt ngưng lại. Tấm bảng Theresa sáng trên đầu xe. Ông Trị dợm đứng lên nhưng lại ngồi xuống. Căn nhà vùng Blossom Hill có phải là nơi để về không? Buổi tối có cần các điều lập lại không? Ông ngồi yên nhìn chiếc xe buýt rời khỏi trạm trong tiếng máy nhỏ dần.
Một thiếu nữ da đen đến gần. “Hi!” “Hello… hi!” Ông Trị ấp úng chào lại. Cô gái da đen nói một tràng dài. Ông Trị ngơ ngác trước các tiếng nối nhau ríu rít. Loáng thoáng những tiếng ”You”, ”I”, “Me”, “Date”… Ông ngập ngượng, cố gắng diễn đạt một câu đúng văn phạm để tỏ ý mình không hiểu. Cô gái ngạc nhiên, không hiều điều ông nói, rồi nói thêm, lần này chậm hơn. Ông Trị nghe rõ vài con số và các tiếng như “Dollars”, “Want”, “OK”… nhưng vẫn không hiểu hết câu. Cô gái im lặng nhìn ông và cả hai chợt biết người trước mặt không thể nghe, hiểu giọng của mình. Vẫn im lặng, cô gái đến gần ông Trị, một tay chỉ vào ngực mình, tay còn lại nắm tay ông. Ông Trị giật mình rụt tay lại. Cô gái ré cười và tốc váy lên, chỉ vào bụng dưới, nói vài câu ngắn. Dưới ánh đèn đường, màu đỏ của chiếc quần lót thành nâu sẫm, hoà vào hai bắp vế có nước da đen bóng. Cảm giác thèm muốn chợt dấy lên. Ông Trị đã hiểu cô gái muốn gì. Ngần ngừ rồi ông lắc đầu, lùi lại. Tiếng thở dài của người vợ đang lẩn quất.
Cô gái đưa ba ngón tay trái lên khi bàn tay phải hạ mép váy xuống. Ông Trị nhớ đến những đồng bạc một đồng trong ví rồi lắc đầu. Cô gái chợt nhoẻn cười, đưa hai ngón tay trái, bàn tay phải vẫn cầm mép váy. Ông Trị nuốt nước bọt, nghĩ đến hai tờ mười dollars nhét sâu trong ngăn ví, dưới tấm thẻ I-94, vẫn dùng để phòng thân. “Bố cất hai chục, để dành khi cần.” “Cần?” Đứa con gái út xếp đôi một tờ giấy, bọc quanh hai tờ giấy bạc. “Vâng. Đây là địa chỉ nhà và số phone, lỡ lạc thì bố nhờ người gọi.” Lần đó bà Trị vẫn còn ánh mắt ân cần khi giúp ông nhét mảnh giấy và hai tờ giấy bạc vào ngăn ví. Một năm và hai tờ giấy bạc bị bỏ quên. Đêm qua và câu nói lạnh lùng. Ánh đèn và tiếng dội nước trong nhà cầu. Ông nuốt nước bọt, đứng yên khi cô gái tiến thêm một bước.
Lần này bàn tay phải cô gái vén váy lên và bàn tay trái kéo chiếc quần lót đỏ xuống. Dưới ánh đèn, khoảng tối hũm lộ ra. Lẫn trong gió và cơn sốt chợt bừng trong người, ông Trị dật dờ, ngửi loáng thoáng mùi mồ hôi khen khét. Người vợ. Căn nhà vùng Blossom Hills. Các điều lập lại. Tiếng thở dài. Sự bẽ bàng… Cái bóp được ông rút khỏi túi bằng bàn tay đang run.
Không ngạc nhiên, cô gái chụp nhanh hai tờ giấy bạc, nhét vào túi áo lót dưới chiếc váy. Bàn tay còn lại lôi ông Trị vào khoảng tối dưới một tàng cây sau trạm xe buýt. Ông bước theo và sống lại khi gục mặt vào ngực cô gái da đen. Hai gò ngực mền, khác với bắp tay đen, săn cứng, nhưng mùi khét nồng hơn. Cô gái quỳ xuống. Ánh đèn từ cổng căn nhà gần đó hắt lên mớ tóc đen xoắn, nhập nhòe trước mắt ông Trị. Ông bám lấy hai mang tai cô gái, cong người, các ngón tay vò lên mớ tóc cứng, khô. Sự bẽ bàng. Tiếng thở dài. Các điều lập lại. Người vợ. Căn nhà vùng Blossom Hills… Hơi thở dồn mạnh hơn. Từ ngã tư William và Second, thêm một chuyến xe buýt mang bảng Theresa đang trờ tới.
Đêm nay có một người đàn ông dợm chân vào xứ người.

San Jose, 16 tháng 3 năm 1991

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEikTcLrIToKETB6YiTIzftAJiVAeA7O94VdDEjzKEGKrjLj2R94V1vV5LnWLlMwTcguPM_YSXtaKGVRNotXrls6QvcQQIirN78YT8OGXp-kpLKApJhKJ2tpPem6C49AJY4I6fZud_JYIhc/s1600/nhan-van-san-jose+-01-04-1991.jpg



(Đăng trên tạp chí Nhân Văn bộ mới số 1, tháng tư, năm 1991, San Jose, California.
In trong tập truyện ngắn “Ở Chốn Không Quen”, Thời Văn xuất bản 1993.)

 
 
 ______________________________________________________________________________________

Người Lính Còn Lại

…. còn lại hai mươi lăm người gồm đàn bà và trẻ con. Những con người chưa bị ném vào đời một lần bắt đầu sống trực diện với cuộc đời đã hoàn toàn thay đổi. Và tất cả bốn mươi ba người đều không nghĩ, không hề nghĩ rằng: đó là buổi tối sum họp cuối cùng trong kiếp người họ Nguyễn…. Đọc tiếp __________________________________________________________________________

 Thư Có Người Nhận

…Những hành động, thái độ ẩn hiện qua mười con người khốn khổ. Sự khoái lạc, ham muốn chỉ là cố gắng. Cố gắng làm các động tác để sống trước sự reo hò, hối thúc, thích thú của bọn hải tặc. Những đôi mắt nhắm nghiền tránh nhìn vào đôi mắt cá ươn trên khuôn đàn bà đang cùng họ bị ép vào trò chơi đớn hèn, khổ nhục…. đọc tiếp