Người Lính Còn Lại

Truyện ngắn Nguyễn Ý Thuần
 
Tôi là con út của một gia đình có ba mươi bốn đứa con nhưng lại là anh của hai mươi chín em vừa trai, vừa gái. Hơi rắc rối đấy nhé. Cần giải thích rõ hơn kẻo có sự lầm lẫn giữa người đọc và người viết, như việc lầm lẫn thường xảy ra giữa bố tôi và bầy con, khi gọi tên từng đứa.
Bố tôi là một người đàn ông đào hoa. Ngoài sáu bà vợ sống chung một nhà, ông còn khoảng (theo lời ông kể lúc vui chuyện) hơn chục bà nhân tình. Nghĩa là con số hơn chục bà nhân tình có thể hơn. Vì, như đã nói, đó chỉ là những bà ông kể lúc vui chuyện, còn lúc buồn chuyện thì chưa. Điều này còn có nghĩa ngoài số ba mươi bốn anh, chị, em tôi thuộc sáu dòng được công nhận, dám bọn tôi còn chừng ba mươi bốn hay nhiều hơn, hay ít hơn anh, chị, em nữa mà chưa nhận ra nhau. Và, sự rắc rối có từ ông bố đào hoa ảnh hưởng đến việc gây dựng vợ chồng cho đến đời cháu tôi mới dứt. Để tránh người cùng họ lấy lẫn nhau mà. Nhưng thôi! Đó là việc sau này, còn hiện tại ba mươi bốn anh em tôi đều ngán ngẩm “áp dụng” qui luật của bố tôi đặt ra: trước khi yêu ai, lấy ai phải xem kỹ có phải là một trong những đứa con bị ông bỏ quên không. Để yên tâm, bọn tôi thường những người cùng họ nên đám con dâu, con rể của bố tôi đều mang họ khác. Phạm, Lê, Trần, Lý, Quách v.v… Còn tôi? Mãi đến nay vẫn còn độc thân bởi tất cả những cô gái tôi gặp đều toàn họ Nguyễn!

Tật Nguyền

Truyện ngắn Nguyễn Ý Thuần

Vũ bắt đầu mang tật từ năm đệ tam. Sau một cơn bệnh, chân trái không còn phát triển như chân phải. Sự mất cân xứng làm thân thể nó lệch hẳn. Đã vậy, chân phải như được hưởng phần dư thừa của sự dinh dưỡng dành của chân trái nên to khác thường. Bắp chân phải mập, núng nính nọng thịt, mỡ đứng cạnh chân trái khẳng khiu như anh ba tàu nhà giàu đứng cạnh đứa bé bị còi. Cứ thế, việc đi lại ngày càng khó, cho đến năm đệ nhị Vũ phải dùng nạng chống.
Dù gia đình sống chật vật, ba má Vũ vẫn gắng chữa cho con. Nhưng các bác sĩ đều lắc đầu, cuối cùng Vũ đành chấp nhận sự bất công dành cho mình, được biểu hiện trên thân thể bằng hai cây nạng chống để đi vào đời. Ban đầu Vũ rất buồn và mang mặc cảm khi đứng cạnh bạn bè nhưng thời gian này khá ngắn, chỉ độ vài tháng rồi được thay bằng thái độ tự nhiên. Vũ đến trường như ngày chưa mang nạng chống, không ngại ngùng hay mặc cảm. Khoảng cách giữa Vũ với mọi người mất dần. Hình ảnh Vũ và hai cây nạng chống thành quen, không ai còn ánh mắt ái ngại dành cho thằng bạn không may. Vũ vui vẻ sinh hoạt, học hành, đùa giỡn với bạn bè. Ngay cả những cuộc tranh tài thể thao Vũ cũng là người cổ võ nhiều nhất. Vui buồn tùy theo số điểm thắng, thua của đội nhà, nồng nhiệt như chính mình đang tham dự. Dần dà, đôi nạng chống trở thành một phần thân thể của nó. Tự nhiên như mọc thêm hai chân gỗ. Đã có lần tôi gặp Vũ mân mê tay cầm bóng loáng một cách yêu thích như tách rời cặp nạng thì nó không còn là nó nữa.
Chúng tôi chơi với nhau từ năm đệ thất. Tuổi mười một với nhũng trò nghịch “ăn rơ” đã làm hai đứa thân nhanh. Trong sự bỡ ngỡ của những học sinh tiểu học vừa lên trung học, ngôi trường mới với khoảng sân rộng thênh thang làm tôi và Vũ cảm thấy lạc lõng. Có thêm một thằng bạn cũng đỡ lắm chứ? Nhất là cùng sở thích đùa nghịch. Bọn tôi chia nhau từ đĩa đu đủ bò khô, ly chè đậu đỏ cho đến những bài tập toán và Anh Văn. Không gian thu lại trong tình bạn từ những năm đầu trung học. Hết năm đệ tứ, việc chọn ban để học cũng là quyết định chung của cả hai. Bởi vậy, khi Vũ bị bịnh, mang tật, chính tôi lại là người buồn hơn. Đến độ, Vũ phải nói.