Thư Có Người Nhận

Truyện ngắn Nguyễn Ý Thuần

Bạn cũ,
Nước Mỹ này không như đã nghĩ, điều này thật đáng buồn khi tìm thấy, và buồn hơn khi mày tìm thấy sau thời gian đến đây quá ngắn. Sự phũ phàng này, từ nơi chốn tìm đến, dành cho những con người bỏ hết để đi đã nhiều người không nhận thấy, dù họ đến trong đợt sóng tị nạn đầu tiên. Họ lẫn lộn, chìm khuất và biến mình vào bộ máy xay thịt vĩ đại của xứ sở văn minh. Quên, quên hết để làm một miếng hambuger da vàng và có thể không tìm thấy điều mất hạnh phúc như chúng ta vừa nhắc. Dù sao cũng là một cách sống. Đúng hay sai chỉ khác nhau trong cái nhìn. Mà, lằn ranh của của cái nhìn này mỏng như không có. Tao hiểu điều mày viết trong thư. Lá thư viết sau hơn mười năm. Lá thư viết để đỡ tốn tiền điện thoại. Nhận, tao nhớ ngày mỗi đứa đóng tại một quân khu, mình đã viết cho nhau sau các lá thư viết về gia đình hay cho một người con gái nào đó. Bây giờ được lập lại từ hai tiểu bang của xứ lạ nhưng những điều viết đã khác. Đọc thư, tao tìm thấy điều chúng ta thường quên. Đó là thời gian.
Hơn mười năm không gặp. Câu nói ngắn nhưng biết bao thay đổi. Bức ảnh chụp một con người còm cõi, mệt mỏi mang tên mày không đủ để tao hình dung một thằng bạn cũ. Ánh mắt đục và buồn hơn nỗi buồn. Hẳn đuối lắm phải không? Tuổi bốn mươi đến trong lạc lõng khi bắt đầu lại bằng con số không tàn nhẫn với đủ điều trần trụi. Ngay cả nơi chốn và ngôn ngữ. Một cuộc sống được tái sinh vào cái tuổi trễ tràng. Bốn mươi, “Tứ Thập Nhi Bất Hoặc”. Mẹ kiếp! Hoặc thế nào được khi cuộc đời chỉ bắt đầu bằng hai chữ ”yes, no”? Cái trần trụi còn bi thảm hơn một đứa bé vừa sinh ra. Và mày, dù đã có bốn mươi năm sống nhưng cũng chỉ còn dĩ vãng. Chỉ còn thế. Và bởi thế phải không?
Vậy, hôm nay bọn mình cho nhau điều gì? An ủi? Vài lời chỉ dẫn của người đến trước? Một ngân phiếu có tiền bảo chứng? Lý tưởng? Hay cái gì? Tao không biết bắt đâu từ đâu, và như thế nào. Vì chính tao, ngoài những điều căn bản về vật chất để tạm sống nơi này, cũng chỉ là một đứa bé hơi trần trụi. Nghĩa là hơn mày một chút. Nhưng cái “một chút” đó thành vô nghĩa khi mình vừa nhắc đến “nước Mỹ này không như đã nghĩ“.




Bạn cũ,
Bỏ một nơi để đến một nơi, con người thường hy vọng cho dù phải từ bỏ những điều yêu qúy. Tại nơi đến, sẽ bắt đầu lại. Nơi đến sẽ đẹp hơn nơi từ bỏ. Ngày bước lên máy bay làm một chuyến ra khơi an toàn không hiểu mày đã nghĩ gì? Riêng tao, sau khi vượt qua các trạm kiểm soát của công an nằm ven con kinh dẫn ra cửa Lớn là lòng rộn ràng. Bấy giờ, dù mới qua bước đầu, vẫn còn nhiều rủi ro, nguy hiểm, khổ nhục.. chờ sẵn, tao vẫn cảm thấy một điều rất lạ là mình đã tự do.
Còn nhớ, đó là một buổi sáng tháng năm, thuyền ra đến cửa biển vào lúc mặt trời mới mọc. Dù lớn lên từ biển Nha Trang, dù đã bao lần nhìn bình minh trên biển nhưng chưa bao giờ tao thấy biển đẹp hơn hôm đó. Mặt trời hồng pha sắc cam, rực các tia sáng từ biển lên khoảng trời mỗi lúc một sáng rạng. Những tia sáng mạnh, vút lên trên không gian bao la như hy vọng của đám người đang ngồi trong khoang thuyền chật mong được tung vào thế giới tự do. Hơn bốn mươi người bừng tỉnh và đều cảm nhận điều đó qua nét mặt nhau. Tao thấy mình vui qua ánh mắt người trước mặt. Tao thấy mình đầy sức sống qua nụ cười chung quanh. Tao thấy, tao thấy… Phải! Tao thấy rất nhiều trong buổi sáng đó với lòng tin sẽ đến đích. Sẽ đến đích vì như có điều huyền nhiệm qua cảnh bình minh rực rỡ vừa thấy. Và tao đã đến đích để hôm nay, tại đây, ngồi viết thư cho mày.
Nhưng chuyến đi không lạc quan, an bình như buổi sáng trên biển. Biển với những điều đã có. Người với hành động đã làm. Và hơn bốn mươi con người với sự chịu đựng, khổ nhục, đớn hèn… đã góp một phần vào “chuyện thuyền nhân”.
Xong cơn say mặt trời là cơn say sóng. Mọi người mỏi mệt, nằm như cá ươn dưới hầm thuyền. Không ai được lên boong trừ bọn tao – năm đứa – làm tài công. Có bao giờ mày phải thở trong không khí đầy hơi người của một cái hầm thuyền chật chội chưa? Thứ không khí bị pha đủ thứ mùi khó ngửi làm hầu hết những người nằm trong hầm biến thành xác sống. Tao đã thấy những con người nằm oặt ẹo, rã rượi, không còn chút sinh lực. Mỗi lần có việc cần như phát cơm, chia nước tao tránh xuống hầm để khỏi nhìn thấy những ánh mắt cá ươn. Mới ngày đầu mà đã thế thì mai, mốt, mốt nữa… sẽ ra sao? Ngày sẽ dài đẵng với cái nắng gắt ban ngày và cơn thịnh nộ của biển ban đêm.
Tháng ba bà già đi biển. Đúng! Nhưng chỉ đúng với tháng ba, còn bấy giờ là giữa tháng năm. Biển gạt người. Ngày yên ả, nắng đẹp, biển vỗ nước lăn tăn không đủ thành một con sóng nhỏ. Ai cũng an tâm vì thuyền đi thật êm. Nhưng đêm xuống thì cơn thịnh nộ ào đến. Chiếc thuyền dài khoảng mười hai mét, rộng chưa đầy ba mét rưỡi lao đao. Những đợt sóng lớn dần, ào ạt kéo đến như muốn lật úp con thuyền. Đêm đen nhưng những cơn sóng dâng cao, rõ ràng trong tầm nhìn. Biển không chỉ là những bình minh rạng rỡ, những buổi trưa đưa bạn gái đi tắm, những buổi cắm trại trong nắng thủa thiếu thời… Biển mang cái chết và hãi hùng. Tao bặm môi, ghìm chặt cần lái, niệm thầm câu: “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát” bị ngắt quãng theo độ cao thấp của chiếc thuyền lúc bị đưa lên, lúc bị vùi xuống vì các đợt sóng. Bấy giờ, tao tin vào các đấng thiêng liêng hơn cả thủa nhỏ còn tu tại chùa Khải Đoan, Ban Mê Thuột.
Ba ngày bốn đêm như thế. Con thuyền nhỏ vẫn chưa vượt khỏi hải phận. Điều này được tính khá chính xác nhờ N., một trung úy Hải Quân, cùng trong đám tài công. Và điều này cũng nhắc bọn tao là sự đe dọa bị bắt bởi công an duyên hải vẫn chưa hết. Tao nhìn tấm hải đồ bọc nhựa, cố đo khoảng cách bằng hy vọng là ngày hôm nay sẽ đi được dài hơn hôm qua, và đêm nay sẽ bị dạt về ngắn hơn đêm qua. Chung quanh, hơn bốn mươi con người đã chết lại chết hơn. Và tạ ơn trời đất, đến lúc này chưa phải ném xuồng biển một cái xác chết nào trong hơn bốn mươi cái xác sống nằm trong hầm tàu.
Ngày thứ tư, biển hiền hơn. Thuyền đã đi thêm được một quãng dài. Khoảng cách ước đoán trên tấm hải đồ đã được thâu ngắn để vào hải phận quốc tế.
Dưới nắng, mặt biển tỏa những đốm sáng lóng lánh, lộng lẫy như kim cương là lúc bọn tao nhìn thấy chiếc tàu buôn đầu tiên. To, đen, hùng vĩ như một trái núi hiện ra với lá cờ của một quốc gia tây phương. Hơn bốn mươi cái xác hồi sinh. Những người còn tỉnh lục tục kéo nhau lên boong thuyền cùng đám tài công reo hò, cởi áo làm cờ để phất, mừng rỡ nhảy đủ kiểu. Từ người lớn tuổi nhất là ông giáo sư già đến người bé nhất là thai nhi nằm trong bụng mẹ mà, người phụ nữ đó là con gái của ông giáo sư. Ba thế hệ trong một gia đình hân hoan chung vui với hơn bốn mươi người trên thuyền. Niềm vui lớn hơn vì bọn tao cho thuyền tiến đến phía tàu buôn mà chiếc tàu vẫn đứng yên như chờ đón những người đi tìm tự do. Khoảng cách mỗi lúc một gần. Đã có những lời trầm trồ khen ngợi con tàu của xứ sở văn minh, giàu mạnh. Đã có những thêu dệt về những tiện nghi, an toàn, lòng nhân đạo, sự tử tế trên tàu… Đã có những lời bông đùa cho nhau để nụ cười sáng hơn. Chiếc tàu buôn vẫn đứng yên và lớn dần trong tầm nhìn để niềm vui mỗi lúc một lớn. Cái đích của tự do sao mà gần và chuyến đi thật dễ dãi sau vài cơn bão biển. Có đáng gì? Có sao đâu? Cứ thế, cho đến lúc hiện rõ những con người đi lại trên tàu, đứng tựa lan can nhìn về phía tụi tao thì một hồi còi rú lên. Tiếng còi lớn, kéo dài làm bọn tao giật mình. Khựng lại một thoáng rồi vui hơn. Hồi còi chào đón chúng ta, những thuyền nhân đã đến đích. Một người buột miệng nói. Những người khác gật gù công nhận. Nhưng sau hồi còi là tiếng động cơ. Chiếc tàu quay mũi về hướng khác. Những bọt sóng trắng xóa tẽ ra từ đuôi tàu làm chiếc thuyền lao đao, tuy không đủ sức lật thuyền nhưng đã nhận chìm hy vọng đầu tiên.
Đến bây giờ tao vẫn nhớ gương mặt của mọi người lúc đó. Và nghĩ, giữa hạnh phúc và khổ đau như không có lằn ranh chứ không phải là lằn ranh mong manh như không có. Giữa hy vọng và tuyệt vọng là sự nối tiếp chứ không có khoảng cách như đã nghĩ. Hơn bốn mươi con người như được nặn bằng sáp, trong một cái khuôn. Sự ngỡ ngàng hiện lên cùng lúc. Ánh thất vọng làm đôi mắt tối sầm đồng loạt. Như hơn bốn mươi bức hình được rửa từ một tấm phim. Tao đã thấy tao trong mọi người.
Đêm đó thêm vài chiếc tàu, ngày hôm sau thêm vài chiếc nữa. Những chiếc tàu quay mũi lạnh lùng dù bọn tao vẫn lập lại các hành động đã làm. Niềm vui mỗi lúc một nhạt, rồi thêm sự lo âu. Tự do bắt đầu hiện lên cái giá của nó.


Bạn cũ,
Ngày thứ sáu trên biển, lúc vào sâu trong hải phận quốc tế thì hy vọng đặt vào những chiếc tàu buôn không còn. Lương thực bắt đầu cạn. Nước bắt đầu thiếu. Tao và N. đã phải tính toán và giảm mọi thứ. May mắn cho cả hai đứa tao bấy giờ đã làm được một việc lương thiện là cùng chia khẩu phần, nước uống như mọi người, dù trong gần ba mươi năm làm người, bọn tao – tất nhiên – đã làm không ít các việc không phải.
Hơn bốn mươi con người lại thành hơn bốn mươi cái xác sống mệt mỏi. Không còn ai có thể reo hò khi thấy một chiếc tàu buôn mới. Mọi việc cần làm thì đã có bọn tài công làm. Nghĩa là phất cờ, tiến về phía tàu, nhận lấy một hồi còi cùng những đợt sóng túa ra từ chân lái trong lúc tàu quay mũi. Những đợt sóng nhỏ, lấp lánh nắng nhưng tàn nhẫn hơn các đợt sóng cao trong đêm bão biển.
Nhưng không phải tất cả đều quay mũi. Ngày thứ tám, một chiếc tàu tiến về bọn tao. Sự quan tâm thật mỉa mai và cay đắng vì con tàu đó có những kẻ không được gọi là con người, đã xuất hiện, để thuyền nhân biến thành một thứ người không được tôn trọng là người.
Sau các phát súng chỉ thiên, hai chiếc tàu đánh cá cập sát thuyền bọn tao. Hàng chục gã Thái Lan xâm các hình quái dị trên thân thể vạm vỡ, đen đúa với các loại vũ khí tràn sang. Dao. Búa. Súng. Mác. Giáo đâm cá. Và những tiếng hò hét man rợ. Từ sàn thuyền thấp nhìn lên hai thành tàu hải tặc, tao thấy thân phận bé bỏng, hèn kém của mình. Làm sao chống được với trên chục tên tràn sang và những họng súng tua tủa từ trên cao chỉa xuống? Tao nhìn N. Người bạn vừa quen tránh ánh mắt tao, nhìn xuống.
Sau khi lục soát, trấn lột tất cả những gì có thể, bọn hải tặc lùa những người đàn ông và trẻ con xuống hầm thuyền. Và cảnh hiếp đáp không không cần che dấu bằng cách đưa các nạn nhân sang tàu của bọn chúng mà bị diễn ra ngay trên sàn thuyền bẩn thỉu, trước mắt những con người thay nhau chịu khổ nạn.
Tao không hiểu khi con thú dữ ăn thịt người gào lên tiếng rống có nghĩa gì và qua thứ tiếng lạ tao không hiểu nghĩa; nhưng tao biết lẫn trong tiếng quát tháo, hò hét tất nhiên là các câu nói tục tĩu, bẩn thỉu ra lệnh cho những người đàn bà, thiếu nữ trên thuyền phải làm. Bọn tao lặng yên nghe từng tiếng khóc, van xin trộn lẫn với tiếng cười giỡn, dọa nạt. Tất cả cúi đầu, tay bịt miệng hay dỗ dành các đứa trẻ đang khóc đòi mẹ. Thời gian kéo dài như không bao giờ dứt. Loáng thoáng trong gió, giữa các tiếng động đủ loại, những tiếng thở dài của đám đàn ông nhẹ như không có trong hầm thuyền chật chội, hôi hám. Trong khoảng tranh tối tranh sáng, bọn tao tránh ánh mắt nhau, gầm mặt xuống.
Những gã hải tặc bày trò thú vật gần một ngày trời mới chịu bỏ đi, để lại chiếc thuyền tan nát. Chúng đổ hết dầu, vất hết thức ăn xuống biển, đục thủng hai thùng nước và vơ vét tất cả của cải. Nhưng may mắn (có phải là may mắn?) bọn chúng không giết ai. Hay định giết bằng cái chết lần mòn, không tốn đạn?


Bạn cũ,
Khổ nhục chưa dừng tại đó. Chưa đầy ba tiếng đồng hồ sau là mười một chiếc tàu đánh cá xuất hiện. Đúng mười một cái. Tao đếm kỹ.
Có cần kể thêm những cảnh bình thường mà đa số thuyền nhân đã gặp không? Hẳn mày sẽ nghĩ là không. Sách vở, báo chí, phim ảnh, chuyện kể đã nhiều. Nhưng đó là những điều bình thường. Còn cái khác thường của mười một chiếc tàu hải tặc cần phải kể.
Mười một chiếc tàu đánh cá bề thế bao quanh chiếc thuyền ọp ẹp, cạn tất cả mọi thứ kể cả sinh lực con người thì bầy trò chơi kém phần quyến rũ, hào hứng. Hẳn những gã hải tặc nghĩ thế nên sau khi bao vây, xét tàu đã cho bọn tao ăn uống đầy đủ và nghỉ ngơi qua đêm.
Tao dậy sớm. Mặt trời trên biển vẫn rực ánh hồng pha sắc cam chiếu thẳng lên bầu trời nhưng sao lại mênh mang, trống vắng. Cái náo nức ngày đầu đã thành băn khoăn, lo lắng. Mình sẽ ra sao? Chỉ mình thôi chứ không nghĩ đến ai, dù bên cạnh là hơn bốn mươi người cùng cảnh ngộ. Tao hèn kém, nhỏ mọn chỉ nghĩ đến mình. Tao thèm sống. Tao muốn sống. Tao dửng dưng nhìn mọi người chen chúc, dựa oằn vào nhau. Chút lương thiện lúc chia cơm nước cách đây vài ngày như không có. Tao im lặng, tính toán. Nhưng tính gì? Bốn bề là trời biển. Bao quanh là mười một chiếc tàu đánh cá.
Phút im lặng của buồi sáng chấm dứt bởi tiếng ồn. Từ những chiếc tàu đánh cá đang bỏ neo, đám hải tặc hăm hở trèo sang. Dưới ánh nắng, các khuôn mặt chìm khuất của buổi chiều vào đêm trước có vẻ hiền lành đã mất, thay vào đó là sự hung hãn, dã man. Lần này, chỉ có một số đàn ông và trẻ con bị lùa xuống hầm thuyền. Số còn lại phải ngồi trên sàn và tao trong số này. Tao, thằng bạn cũ của mày đã ngồi co mình. Co dính vào khoang thuyền, lưng cong xuống, hai tay ôm chặt hai đầu gối trong thế ngồi rút lại. Một con người thu nhỏ trong dáng đàn ông. Sự hèn mọn hiện rõ. Nhưng bấy giờ chỉ còn ý niệm muốn sống. Sao cũng được, sống cái đã! Tao nghĩ vậy. Tao đã nghĩ vậy.
Khổ nhục bắt đầu tái diễn trên thân thể đàn bà. Lại những tiếng khóc, những tiếng rên uất nghẹn nhưng lần này các phụ nữ có vẻ cam chịu hơn là van xin, chống cự. Nỗi ô nhục đã thành điều tất nhiên dành cho thuyền nhân rồi sao? Tao nhìn sàn thuyền, cố giữ cái nhìn vào một lỗ mục, hoen bẩn.
Một tiếng thét vang lên, rồi tiếng nữa, rồi các tiếng la khóc hoảng hốt. Một tiếng “huỵch” thật gần. Tao ngẩng lên. Trước mắt là xác của ông giáo sư già. Cái chết được làm bằng búa với vết thương xẻ ngang đầu khi ông giằng lại người con có mang. Tao lén nhìn quanh. Và chợt an tâm bởi không chỉ mình tao mà tất cả những người đàn ông ngồi trên sàn đều trong thế ngồi co mình. Cái chết của ông giáo sư như một lời cảnh cáo lạnh lùng, biến đám đàn ông thành hèn. Ngậm tăm và cúi đầu mặc nhiên công nhận sự bất hạnh như điều bình thường.
Cũng ngay buổi chiều hôm đó, người đàn bà có thai bị làm băng. Chị là người thứ hai chết. Chết cùng ngày với cha và mang theo cái chết cho đứa con trong bụng. Ba thế hệ của một gia đình là những nạn nhân đầu tiên. Cứ thế, mười một chiếc tàu đánh cá thay phiên nhau tái diễn trò bẩn thỉu. Họ kéo tàu bọn tao theo. Nuôi ăn và hành hạ. Đêm nghỉ. Đêm cưỡng hiếp. Ngày nghỉ. Ngày cưỡng hiếp. Những người đàn bà nằm lả trên sàn tàu, không cất nổi bước đi sau gần tuần lễ.
Ngày cuối cùng bọn người Thái Lan bắt đầu chán thân thể đàn bà rũ rượi, hôi hám. Chúng bày trò mới.


Bạn cũ,
Đến giờ này tao vẫn còn sợ khi nhớ lại cái chết của năm người đàn ông trên thuyền. Lý do là họ không thể làm được việc do đám hải tặc ra lệnh. Năm nhát búa vào năm cái đầu. Năm vết thương vỡ toang, bắn ra ngoài những vệt máu và các bụm óc lầy nhầy. Cái chết của năm người đàn ông diễn ra nhanh, gọn với vài tiếng thét và những cái đầu cúi xuống. Con người hèn đi trước cái chết. Tất cả những người đàn ông còn lại đều chờ đến lượt mình để lựa chọn cái chết hay sự sỉ nhục.
Năm người khác bị chọn để tiếp tục. Họ nhắm mắt thi hành lệnh. Từ một góc khuất, tao thấy rõ nét mặt của từng người. Những hành động, thái độ ẩn hiện qua mười con người khốn khổ. Sự khoái lạc, ham muốn chỉ là cố gắng. Cố gắng làm các động tác để sống trước sự reo hò, hối thúc, thích thú của bọn hải tặc. Những đôi mắt nhắm nghiền tránh nhìn vào đôi mắt cá ươn trên khuôn đàn bà đang cùng họ bị ép vào trò chơi đớn hèn, khổ nhục. Tao mím môi nghĩ đến lượt mình. Sẽ thế nào? Sự sống và liêm sỉ hiện đặt trên bàn cân tạm thời bằng phẳng. Năm người khác chứ chưa phải mình. Tao tự trấn an. Nhưng rồi sẽ đến lượt. Phải chọn thế nào? Tao hoang mang. Nhưng chưa phải chọn lựa mà. Tao nhắm mắt lại tự dối, tự trấn an trong thế ngồi co quắp.
Lại thêm một đợt với năm người đàn ông khác mà cảnh tượng hãi hùng như một con rắn độc, quấn trong trí tao đến cuối đời. Hãy hình dung cảnh một đứa trẻ khoảng mười ba, mười bốn tuổi bị cưỡng bách trèo lên bụng mẹ làm hành vi thú vật. Đứa bé không chịu, rùn mình lùi lại. Người đàn bà quỳ xuống vừa lạy, vừa khóc. Những chiếc búa, lưỡi dao quắm nhử trước mặt hai mẹ con với lời hăm dọa, gầm gừ bằng thứ tiếng xa lạ. Đứa bé sợ quá, chùn lại, khụy gối, như muốn ngã ập xuống sàn thuyền. Một cú đá vào giữa ngực đứa bé. Tấm thân gầy tung lên cao, bị văng xuống biển giữa tiếng rú của người mẹ. Người mẹ bật dậy, gạt hai gã hải tặc đứng gần và như có sức mạnh kỳ lạ truyền vào, bà tung người như bay qua thành thuyền, rơi xuống biển trong một tiếng rú nữa. Tiếng rú lanh lảnh vang lên, kéo dài, xoáy vào tai mọi người. Tao vùng dậy cùng lúc với vài người đàn ông khác. Nhưng chỉ vùng dậy thôi. Rồi bọn tao lại ngồi xuống hoặc đứng yên. Xác của năm người đàn ông với năm cái đầu vỡ toang, còn chưa khô máu, óc đập vào mắt. Một khoảng trống đột ngột có khi những vòng sóng nhỏ – nơi người đàn bà rơi xuống – loang ra.. loang ra… với đám bọt nước nhỏ tan trên mặt biển Tất cả đều lặng yên. Bọn hải tặc cũng đứng yên rồi đột nhiên chụm lại, bàn tán. Không khí trên thuyền căng thẳng. Những con người khốn khổ chìm trong sợ hãi cùng cực, chờ lần tàn sát cuối cùng như những thuyền đi trước đã bị.


Bạn cũ,
Lần tàn sát đó không xảy ra và trò chơi bắt người trên thuyền hiếp lẫn nhau chấm dứt nhờ cái chết của mẹ con người đàn bà bất hạnh. Biển đã mang đi ân nhân của đám người khốn khổ. Bọn tao được tha thật bất ngờ. Và bất ngờ hơn, chín chiếc tàu hải tặc tản đi, chỉ để hai chiếc tàu hộ tống chiếc thuyền vượt biên đến tận hải phận Nam Dương. Những con người tàn bạo đó đột nhiên tử tế, cấp dầu, nước, lương thực để bọn tao tự vào Nam Dương khi nhìn thấy ánh sáng từ giàn khoan rực lên trong đêm. Họ từ giã với những cái vẫy tay thân tình. Tao không hiểu được tại sao, chỉ biết tin vào điều mà bọn mình – những đứa chỉ tin vào những gì trước mắt – không thể tin được, là vong hồn hai mẹ con bất hạnh đã phù hộ cho thuyền đến nơi bình an.
Quan giàn khoan, thuyền đến đảo Matak, một hòn đảo nhỏ của Nam Dương. Tại đây, mọi người hiểu rằng mình đã thoát hiểm, đã đến bến bình yên. Gần bốn mươi người hân hoan lên cầu tàu với hy vọng. Cửa tự do là đây. Ngõ tình người chỗ này. Tất cả đều ngoãn ngoãn xếp hàng theo lệnh viên xã trưởng người Nam Dương lai Anh. Thủ tục đầu tiên được làm thật giản dị là ghi danh. Rồi được đưa về một trại tạm trú để làm thủ tục.
Đến đây, cần phải chửi thề bạn cũ ạ! Bọn tao bị lột trần truồng qua màn khám xét. Trước mắt viên xã trưởng hai giòng máu thì đám đàn ông có gì mà xem. Một phút khám hai, ba người. Còn hơn mười phụ nữ thì bị khám kỹ hơn một tiếng. Tất cả đều lặng câm. Đã quen với tủi nhục thì thêm lần tủi nhục đã sao. Thế đấy, đâu cần phải gặp hiểm nguy con người mới hèn mọn. Ngay lúc yên ổn vẫn hèn. Hèn bởi không có gì dính đến mình. Thứ mầm ích kỷ thật đáng sợ phải không?
Nhưng đó là ngày, còn đêm thì hơn mười người nữ phải luân phiên đi khám xét. Dấu tích trên thân thể họ là các vết bầm tím. Bệnh bạo dâm của viên xã trưởng hai giòng máu hiện trên da thịt những con người khốn khổ. Bạn cũ ơi! Dấu hằn đâu chỉ nằm tại đó. Bên cạnh những phụ nữ là chồng, là con và đau đớn hơn là cuộc sống tương lai. Ai cũng thấy nhưng đều lặng im. Lại lặng im, xem như không có gì. Để sống.


Bạn cũ,
Rồi cũng qua. Rồi cũng đến đích. Đó là lời an ủi cho nhau, cho riêng mình khi đặt chân đến từng đảo với từng nấc sống khả quan hơn. Koukou, Galang. Singapore và quốc gia định cư. Tất cả đều nở nụ cười hy vọng, tự an ủi khi lên phi cơ. Người cùng thuyền chia thành nhiều đợt định cư, đi về các hướng trên trái đất. Trong đợt tao đi, ngoài một số người của các thuyền khác, còn có bốn người đàn ông và hai người đàn bà cùng thuyền. Tất cả đều im lặng. Như có sự thỏa thuận ngầm cùng không nhắc đến mọi chuyện đã xảy ra, từ lúc đến Galang. Chỉ khai thật trước Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc. Nhưng các bản khai cũng chỉ là các câu ngắn, gọn về các sự việc chứ không đi nhiều vào chi tiết. Bị cướp hai lần. Bị hãm hiếp nhiều lần. Bị chết chín người. Xong. Từng người, từng gia đình trở về barrack sinh hoạt, chờ phỏng vấn, chờ ngày vào Galang 2, chờ đến trại chuyển tiếp Singapore, chờ lên máy bay để đi định cư. Chuyến đi được tạm quên lãng. Khỏa lấp tủi nhục, đớn hèn, khổ đau… tất cả. Đúng. Tất cả để hòa vào cuộc sống chung với các thuyền nhân may mắn đã có các chuyến đi không nước mắt. Cái chết của chín người – không, phải là mười; làm sao quên được đứa bé chưa kịp khóc chào đời – như chưa từng xảy ra. Người sống cần sống. Về vùng đất mới trong bộ quần áo mới bọc ngoài thân thể cố làm mới.
Hôm nay, sau khi đọc thư của mày, tao đã suy nghĩ, rồi quyết định kể lại chuyện. Hơn mười năm hẳn những người sống sót trong chuyến đi đã có nhiều thay đổi. Cuộc sống xứ người thật không như đã nghĩ đã làm chúng ta quay cuồng, ngộp thở. Chuyện cũ mấy ai có thời gian nghĩ đến, nhất là một thứ chuyện cũ chỉ muốn quên và đã được thỏa thuận quên. Nhưng vẫn không quên được. Dưới lớp vỏ an nhiên, tao vẫn nhớ từng chi tiết, vẫn có thể hình dung từng cảnh, từng nét mặt người của lần vượt biển. Như đời sống thứ hai đã cố quên nhưng vẫn lẩn quất trong cuộc sống đang có. Cái bóng đen đổ xuống mình sự ân hận, chập chờn các cơn ác mộng trong đêm với mặc cảm tội lỗi. Tỉnh dậy, người đẫm mồ hôi, ngơ ngác rờ rẫm chăn nệm chung quanh và mong sống lại lần vượt biển. Nếu ngày đó mình có thêm chút can đảm. Nếu mình vùng dậy làm một hành động. Nếu mình đừng hèn hạ, sợ chết, thu mình trên sàn thuyền… Tao tự dằn vặt. Ôm lấy đời sống tội lỗi và giật mình mỗi khi nghĩ đến. Rồi nhìn quanh, lúc nào cũng thấy mình khổ đau hơn người khác.
Tao đã giữ kín và nghĩ sẽ không bao giờ kể lại như đã thỏa thuận ngầm với gần bốn mươi người sống sót. Nhưng hôm nay phải viết ra. Mong mười người đã chết và gần bốn mươi còn sống tha lỗi. Hãy thêm vào cuộc sống một con người còn sống.
Nước Mỹ không như đã nghĩ. Nhưng nước Mỹ đang cho mình cuộc sống mày ạ. Một cuộc sống dù không được như đã nghĩ, nhưng ít ra cũng hơn cuộc sống mà chúng ta từ bỏ hoặc, đã trải qua trong một thời điểm nào đó. Như mày với thời gian dài đi tù cải tạo. Như tao với thời gian ngắn trong lần vượt biển. Như những người khác với hai chiều dài ngắn kiểu đó để không bao giờ đo được bên nào dài hơn trong khổ đau. Nhưng tất cả chúng ta đều đang sống. Và đâu ai nỡ từ chối cuộc sống. Vậy, điều mày tìm thấy có cần không? Hãy bình tâm và tiếp tục sống, dù chỉ bằng bề mặt. Lại nữa – tao nhắc lại – đây là nơi mình tìm đến. Hoặc, trong một cái nhìn nào đó, dù đây không phải là nơi mình định đến nhưng ít nhất cũng là nơi cho mình đến.


Bạn cũ,
Gần bốn mươi người sống sót của chuyến vượt biển, hơn mười năm qua tao chưa gặp lại ai. Những con sông trôi theo các hướng biết bao giờ quay về nguồn hay chợt gặp? Nhưng hôm nay, và đến tận cuối đời, tao vẫn tin có những đời sống bình thường đã được làm giữa xứ sở mà bọn mình vừa gọi là không như đã nghĩ. Dù cũng là cam chịu nhưng tất nhiên, nơi đây đẹp hơn ngày trên biển. Và mày, sau chuyến bay an lành, thiếu bóng hải tặc, dư nước, thừa các bữa ăn… có bao giờ nghĩ nơi đây đẹp hơn trại tù không? Thêm nữa, có còn nhớ khi bước lên máy bay, như tao vẫn chưa quên lúc đặt chân xuống thuyền một ngày tháng năm của hơn mười năm trước không?
Hãy sống để tìm thấy mình bằng những gì đã có. Kể cả khổ đau và hạnh phúc.
Bạn của bạn.

San Jose, ngày 24 tháng 7 năm 1991
Nguyễn Ý Thuần



(Đăng trên tạp chí Nhân Văn, San Jose, California.
In trong tập truyện ngắn “Ở Chốn Không Quen”, Thời Văn xuất bản 1993.)