Người Ôm Bóng Núi

Truyện ngắn

Bạn tôi là người mơ mộng. Từ thủa bé, chúng tôi đã bực mình vì những giấc mơ của Thiệt. Luôn luôn Thiệt tách khỏi bạn bè, cố đặt mình vào chỗ  khác hoặc, tệ hơn, những điều nó muốn thường vượt khả năng, biến thành mối phiền cho mọi người và ngay chính nó. Tất cả hành động của Thiệt thường gây trở ngại, làm rối bung, hỏng mọi chuyện. To con chưa hẳn là lý tưởng cho các môn thể thao. Cứ nhìn cảnh Thiệt ì ạch chạy theo bóng trong trận cầu, hay lúng túng chụm hai tay chờ một cú đập lúc chơi bóng chuyền là đủ thấy vụng. Bạn tôi lại thừa hơn trong ban báo chí khi thiếu khả năng nhưng thích làm theo ý mình. Dù chỉ là bích báo, nhưng Thiệt cũng chen vào sửa bài và lỗi chính tả dù các bài luận văn của nó luôn khiêm tốn, nhận điểm dưới trung bình với cơn ác mộng thường xuyên là hai dấu hỏi ngã. Đến độ thầy Hải – vị giáo sư dạy Việt Văn – phải nói vào năm đệ tứ.
- Thiệt à, khi làm luận văn hay viết, nếu em nghĩ đó là dấu hỏi thì hãy bỏ dấu ngã và ngược lại.
Chưa hết. Bạn tôi còn nổi bật khi vào ban văn nghệ. Ngày tổng dợt, sau khi học thuộc bài bản, Thiệt bước ra sân khấu trong vai anh hùng Nguyễn Trung Trực. Mọi màn đều suôn sẻ cho đến cảnh chót, thay vì bị bắt, bạn tôi đã hiên ngang rút gươm đâm chết quân Pháp.
- Cần gì phải chịu thua. Trước sau cũng chết sao không đánh đến chết?
Thiệt lý luận. Bị khiển trách, bạn tôi bất cần, thản nhiên nhún vai và chê những nhân vật lịch sử đã chưa đủ can đảm để làm theo ý nó.
Sau cùng, để khỏi gây phiền và tận dụng được ưu điểm trời cho là to con, Thiệt được giao chức trưởng ban vệ sinh. Kéo thùng rác chỉ cần có sức, không đòi hỏi biết lừa bóng hay làm thơ nên cái vụng về của Thiệt không còn quan trọng.
Nhưng, ngay cả khi làm trưởng ban vệ sinh, Thiệt cũng cố bày trò, làm xáo trộn các nếp sẵn có. Nhặt rác? Được, nhưng không có tùy ý, bạ đâu nhặt đó. Đội trực gồm mười hai đứa phải xếp hàng, mỗi đứa một dãy bàn để nhặt. Rác đứa nào nhặt phải để theo đứa đó, không được lẫn lộn.
- Sao lại để riêng?
Tôi hỏi lúc nằm trong đội trực. Thiệt nhún vai.
- Để coi bàn nào xả nhiều mình nói tụi nó xả ít đi.
Xả ít đi? Trời ơi! Nếu bảo được lũ học sinh bớt xả rác thì mỗi tuần đâu cần một tiếng để làm vệ sinh. Đó là trong lớp. Đến ngày trực vệ sinh cho trường mới nản. Thiệt bắt cả lớp xếp hàng ngang đi từ đầu đến cuối sân trường để nhặt rác. Hết sân trước sang sân sau. Mỗi đứa một cái bao. Bất kể các lớp khác đang bụm miệng cười.
Cứ thế, Thiệt bày đủ trò trong vai trò duy nhất được giao suốt thời gian trung học đệ nhất cấp. Lên đệ tam, chức trưởng ban vệ sinh của nó bớt uy. Chúng tôi bắt đầu lớn, đã có các điều riêng tư để chọn trong cuộc sống và trường lớp. Ít nhất chúng tôi cũng được chọn môn học theo ý thích và  khả năng. Tôi chọn ban C không phải vì giỏi hai thứ sinh ngữ Anh, Pháp hay có điểm cao trong các bài Kim, Cổ văn mà tại ham chơi, lười gạo bài. Cùng lý do, Thiệt cũng vào lớp đệ tam C. Tình cờ chúng tôi ngồi gần nhau như khởi đầu thứ định mệnh gắn chặt lấy hai đứa. Dai dẳng và kéo dài một khuôn mặt, một con người trong đời mình.

Khi tình yêu đến với đám học sinh đang trổ mã là lúc chức trưởng ban vệ sinh của Thiệt chỉ còn tên gọi. Chúng tôi dành thời gian cho những bức thư tình đang tập viết nhiều hơn là nghe lời thằng bạn to xác để xếp hàng nhặt rác. Sinh hoạt trường lớp đột nhiên thay đổi khi những cái tên con gái được nhắc trong lớp. Các câu chòng ghẹo không ác ý, đùa vui trước giờ học để bài tập sinh ngữ hay chí làm trai của cụ Nguyễn Công Trứ bớt nhàm chán. Đứa nào cũng tìm chuyện để kể và có chuyện để nghe. Mỗi đứa chế ra một mối tình. Tự do chọn. Tự do yêu. Và chẳng quan tâm đến chuyện có được yêu lại hay không.
Nhưng trước các chuyện tình yêu của bạn bè, Thiệt chỉ nghe, không bao giờ nói. Tôi là người đầu tiên hỏi nó.
- Sao mày không yêu ai? Kiếm đại một đứa đi mày.
- Chi vậy?
Nó hỏi lại và tôi không trả lời được. Không lý lại bảo yêu cho vui, cho bằng bạn bè. Trước sự im lặng của tôi, Thiệt nhún vai.
- Cần gì phải kiếm cho mất công. Yêu kiểu đó nản chết! Lúc nào cũng áo dài, váy đầm che kín gối, kè kè cặp sách trên tay, luẩn quẩn trong sân trường... Bọn nữ sinh mặt cứ trắng bệt, không biết son phấn là gì. Dòm hoài thấy ớn! Thiếu gì đàn bà, con gái bên ngoài. Sao tụi bay không dám bước ra khỏi lớp học?
Rồi bạn tôi nhắc đến bar Đại Hàn, một cái bar dưới mức trung bình trên đường Yersin, dành cho khách nghèo và lính Đại Hàn. Lính Mỹ đóng tại Nha Trang và khách chơi kha khá chẳng bao giờ dám đến bởi lúc đó ai cũng sợ bịnh “Củ Sâm’ đang lan rộng, được nhắc thường xuyên trên báo chí với hình ảnh những người đàn ông từ từ bị teo cái không bao giờ nên teo. Nhưng sao lại là bar Đại Hàn? Tôi nghĩ đến chị, em, bà con của người chủ bar hay không chừng bà chủ đã là người yêu Thiệt.
- Lâu chưa mày?
Tôi hỏi bằng giọng ngưỡng mộ. Thiệt không trả lời, móc trong túi ra một nắm tiền. Những tờ giấy bạc hai chục màu xanh, có in hình cá hóa long được đếm cẩn thận. Xong, nó quay sang tôi.
- Còn có ba trăm. Mày cho tao cho mượn một trăm vì ly nước giá bốn trăm. Tối nay tao đi gặp cô ấy, đến trước tám giờ được giá rẻ, dễ kiếm chỗ và khỏi phải trả thêm tiền Sàigon Tea.
Tôi chợt hiểu và buột miệng chửi thề trong khi Thiệt thản nhiên như không có gì. Nét mặt của Thiệt và tiếng chửi của tôi tình cờ thành điều luôn luôn đi theo đời hai đứa mà, trong tuổi vừa lớn, tôi hoàn toàn không nhận ra.
Có những điều tình cờ làm nên số mệnh – nếu quả tình có số mệnh – thì cũng có những điều tình cờ có từ số mệnh. Tôi không hiểu tiếng chửi thề của tôi và nét mặt thản nhiên của Thiệt là điều nào, nhưng hầu hết các lần có nhau trong đời đều có nét mặt thản nhiên của nó và tiếng chửi của tôi.
Sang đến Mỹ, cũng vẫn tình cờ - hay số mệnh? - chúng tôi gặp lại nhờ tấm ảnh và vài dòng tiểu sử trên cuốn sách đầu tiên của tôi. Bấy giờ, hai đứa đang ở hai tiểu bang cách nhau cả ngàn dặm.
Thiệt mở đầu sau hai tiếng “Hello” từ  hai đầu ống nói.
- Tao đây. Thiệt đây.
- Thiệt? Trời ơi! Mày đang ở đâu?
Nó nói tên một tiểu bang tại Bắc Mỹ và tiếp tục như mới từ giã hôm qua, bất cần những lời thăm hỏi cần thiết của hai người vừa tìm thấy nhau tại xứ lạ.
- Mày viết như cứt!
Thiệt buông gọn một câu và tôi cảm thấy những người làm văn nghệ đã cho mình vào xiếc khi viết về cuốn sách mới in. Đột nhiên tôi thấy con đường văn chương có vẻ không được phẳng phiu cho lắm mà, đầy những tảng đá mọc lên cản đường. Tảng đá đầu tiên được Thiệt bê đến, đặt trước mặt.
Tôi rụt rè hỏi lại và nhớ đến cái nhún vai năm nào của nó.
- Mày có đọc?
- Chứ sao? Nhờ cuốn sách, tao tìm ra mày. Cái mặt mày câng câng sau bìa... Nhìn phát ghét. Lại viết sai bét. Tao mới sang gần ba năm đã đảm nhận hai chức vụ tại đây. Rồi sẽ nhận thêm... Mỗi người kiêm năm ba chức là chuyện thường. Mày quên hồi nhỏ tao cũng làm trưởng ban rồi sao? Lại còn áo giấy với áo giếc... (*) Nói cho mày biết bọn tao đã lên tivi rồi... Mày có tham gia gì không?
Thiệt chợt đổi giọng, quay sang hỏi han. Tôi trả lời.
- Không.
Bên kia giây nói, giọng bạn tôi chợt cao hơn, như vừa tìm thấy điều gì.
- Thảo nào... Tội nghiệp mày chả có khả năng gì để được giao việc. Phải chi ở gần, tao cho mày làm phó trong cái hội sắp thành lập.
- Hội gì?
- Chưa biết! Tao tính lập một hội và sẽ trở thành người sáng lập kiêm hội trưởng.
- Mày đang làm gì?
- Hội phó và ủy viên cho hai hội khác nhau.
- Không, tao muốn hỏi mày đang làm gì để sống. Job đó mà. Mày đang làm job gì?
- Job? Tao chưa tính gì hết... Đang lãnh welfare. Phải lo chuyện chung trước chuyện riêng.
Tôi bật cười, buông tiếng chửi thề đầu tiên trong lần gặp lại.

Nhưng giấc mơ hội trưởng kiêm sáng lập viên của bạn tôi không kéo dài. Khoảng một năm sau, Thiệt rời thành phố đầy tuyết – nơi có người đàn bà đang sống chung - để về Orange County. Gần bốn năm tiêu tiền trợ cấp, nhận từng tập foodstamps đã gây nên đổ vỡ. Người đàn bà không chịu nổi anh chồng hờ mỗi cuối tuần khoác áo vest đi lăng quăng, nói chuyện phong thần khi hàng ngày phải đi xin chữ ký từ các cơ sở thương mại để xác nhận tình trạng thất nghiệp. Họ chia tay và Thiệt hẹn ngày giờ để tôi ra đón tại phi trường Los Angeles.
- Đây có gì lạ không mày?
Chưa kịp đóng cửa xe, Thiệt đã hỏi. Tôi lắc đầu.
- Chắc cũng như trên chỗ mày, chỉ khác là không có tuyết và đông người Việt hơn.
- Như sao được, dưới này mạnh hơn nhiều... Sinh hoạt ra sao? Ai đang làm chủ tịch cộng đồng.
Tôi quay sang Thiệt. Gì nữa đây? Giấc mơ hội trưởng đã làm nó mất-có-vợ thì giấc mơ chủ tịch sẽ làm nó mất cái gì?
- Làm chó gì có chủ tịch với chủ tiếc tại cái xứ này.
- Phải có chứ. Sao không có ai vận động các hội đoàn ngồi lại? Yếu quá! Tao sẽ lên kế hoạch. Rồi mày xem, sẽ đến lúc trong và ngoài nước phải tổ chức chung cuộc tổng tuyển cử.
Tôi ngỡ ngàng trước giấc mơ đại đoàn kết dân tộc của Thiệt. Và có cảm tưởng thằng bạn cũ đang bị mộng du khi nghĩ đến thân phận tị nạn. Tôi nhắc khéo.
- Mày tính làm gì?
- Tao sẽ sinh hoạt với hội nào đó, sau một thời gian sẽ ứng cử làm hội trưởng, rồi vận động các hội đoàn ngồi lại thành một mối... Nên chuẩn bị trước là vừa. Đùng một cái trong nước họ đề nghị, lúc bấy giờ sẽ bị rơi vào tình trạng nước đến chân không kịp chạy...
Bạn tôi vẫn chưa rời khỏi giấc mộng. Tôi lập lại.
- Không, mày tính làm gì để sống?
- À... Tao tưởng... Lo gì, từ từ tính. Nếu cần, tao sẽ xin tiền trợ cấp tàn tật và làm thêm tiền mặt để tiêu vặt. Giả bịnh dễ ợt à! Nhưng yên tâm, bước đầu, tao sẽ ở chung với mày. Tội nghiệp mày sống bơ vơ một mình. Mày đừng lo, tao dễ lắm, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, không đòi hỏi gì hết.
Thiệt thản nhiên nói và tất nhiên mọi việc suôn sẻ ngay từ ngày đầu gặp lại. Bạn tôi đã quen với những điều sắp đặt cho mình và cho cả người khác như ngày xưa làm trưởng ban vệ sinh. Cơm? Gọi thêm một phần cơm tháng. Cà phê, thuốc lá? Mua thêm một gói và một cái lọc. Việc làm? Tôi cứ việc đánh vật với đống dao, kéo, hồ... khi trình bày cho một tờ báo thương mại. Xe? Sáng nó chở tôi đến chỗ làm, chiều đón về. Bạn tôi cần xe để chạy cho quen đất, quen người. Mọi việc chẳng có gì thay đổi trong cuộc sống của tôi trừ chuyện hơi chật vật thêm một chút. Nhưng bù lại tôi có người bên cạnh để đỡ phải bơ vơ nơi xứ lạ.
Hai tháng sau ngày đến Orange County, bạn tôi báo tin đã gia nhập hai hội và đang làm thư ký thường trực tại một hội thứ ba.
- Ba hội một lúc?
- Chứ sao. Mày có muốn vào không?
Tôi ngạc nhiên vì khả năng của Thiệt và nghĩ đến việc đang làm để sống. Chỉ cần đánh vật với đống dao, kéo, hồ... tôi cũng đủ mệt. Tám tiếng chứ ít sao? Đó là chưa kể lúc anh chủ báo biểu diễn màn nghệ thuật design để đề nghị tháo bài này đưa lên trên, gỡ bài kia đặt xuống dưới. Hoặc chị chủ báo nổi hứng văn học muốn bỏ một bài viết đã dán sẵn để thay bằng dăm tảng thơ mới chế tạo. Tám tiếng kéo dài thành mười, mười hai tiếng là chuyện thường. Tôi lắc đầu.
- Thua. Tao không theo nổi.
- Tao cũng nghĩ vậy. Mày dở quá... Nhưng nếu muốn, tao giới thiệu giúp. Dễ lắm, có tao, ghi danh gia nhập cái một. Còn họp hành, sinh hoạt nếu rảnh thì đến, không thì thôi.
Tôi phải lắc đầu thêm lần nữa để xác nhận chuyện từ chối lòng tốt của thằng bạn cũ trong việc tiến cử vào hoạn lộ. Tôi không đủ thời gian và cần phải giữ việc làm để hai đứa cùng sống. Nghề đang có thật bấp bênh và hoàn toàn tùy thuộc vào những điều nằm ngoài tầm tay của tôi và của cả vợ chồng anh chủ báo. Tất cả đều sống bằng những đồng tiền quảng cáo qua sự ủng hộ đồng hương của các cơ sở thương mại. Bề mặt của tờ báo chỉ lừa được người đọc nhưng không thể tự bịt mắt, lừa mình khi ngửa tay nhận từng chi phiếu. Tôi cố gắng trình bày từng cái quảng cáo cho đẹp, cho sạch để kéo dài xuất cơm tháng cho hai đứa trong khi bạn tôi bận lui tới các nơi để thực hiện giấc mơ.
Nhưng việc phải đến đã đến. Tờ báo chết như cả ngàn tờ báo đã có, đã chết trong thương trường chữ nghĩa hải ngoại. Tôi mất việc như cả trăm ngàn người tị nạn đã mất việc nhưng bạn tôi vẫn không mất một chân hội viên nào cả mà, đang tấp tểnh ra ứng cử làm hội trưởng một hội. Con đường công danh của Thiệt nở hoa khi hai đứa chia tay thêm lần nữa để tôi bỏ Orange County – thủ đô văn hóa của người Việt – để về San Jose – thủ đô (lại một thủ đô) chính trị - cũng của người Việt.
Cũng tất nhiên - một lần nữa – cái xe cũ, ọp ẹp của tôi phải để lại vì hai lý do: không thể chạy đường dài và bạn tôi đang cần xe để đi lại, để hoạt động, để lên kế hoạch cho kịp ngày tổng tuyển cử của toàn dân. Trong và ngoài nước.

Tôi không mong được chia một ghế bộ trưởng khi bạn tôi đắc cử tổng thống Việt Nam trong giấc mơ tổng tuyển cử của nó mà, chỉ muốn có đời sống ổn định, ngày cơm hai bữa. An bình cho tôi và – nếu có thể – cho cả Thiệt. Nên dù hai đứa ở hai đầu nam bắc của tiểu bang California, tôi vẫn quan tâm đến việc làm của bạn tôi nhiều hơn là các chức hội trưởng, hội phó, ủy viên... nó đã, đang và sẽ đảm nhận.
Mấy trăm dặm đường không xa nhưng việc làm quá bận, tôi không về được nên chỉ liên lạc qua điện thoại. Mỗi lần nói chuyện là một lần Thiệt gây cho tôi tâm trạng bất an khi nghĩ đến đời sống của nó và thời gian đang trôi qua. Nay việc này. Mai việc khác. Lúc ở chỗ này. Lúc ở chỗ kia. Bạn tôi trôi trong dòng sống tại thành phố được gọi là thủ đô văn hoá của người Việt tị nạn như cánh bèo mất rễ. Lúc nào Thiệt cũng có thêm cái mới. Nhưng hầu hết đều xoay quanh các sinh hoạt hội đoàn và nghe mãi cũng chán, bởi các việc xảy ra đều na ná như nhau. Dần dần phần lớn thời gian của những lần nói chuyện tôi thường nghe nhiều hơn nói. Đời sống của tôi quá phẳng lặng, ngày đi làm, đêm đọc sách, xem truyền hình và viết lăng nhăng nên không có gì để kể. Rồi mỗi lúc một thưa. Cuối cùng, tôi báo tin sẽ về sống với Nguyên – vợ tôi sau này –  hai đứa mất liên lạc. Một lần nữa, bạn tôi đổi chỗ ở, và lần này không cho tôi biết.
Sáu năm gặp lại – dù chỉ có thời gian ngắn sống chung và chỉ qua điện thoại – đột nhiên thằng bạn cũ biến mất khiến tôi hụt hẫng. Tôi đã ân hận nhìn lại thời gian có nhau tại nước ngoài mà tự trách. Tất cả những điều tìm thấy hình như tôi là người có lỗi. Tôi gọi điện thoại về Orange County, hỏi thăm những người quen biết, nhưng chẳng có tin. Từ cánh bèo mất rễ, trôi nổi giữa thủ đô văn hóa, bạn tôi đã chìm lỉm, mất tăm vào dòng sống như một kiểu chìm xuồng thường thấy trong nước Việt Nam tị nạn.
Chưa đầy một giờ bay từ San Jose về Orange County nhưng sao thật khó trong đời sống Mỹ. Tôi bị vây kín trong việc làm. Bây giờ ngày không còn tám tiếng hay tuần chỉ có năm ngày. Những nếp nhăn trên trán đã nhắc tôi thời gian còn lại rất ngắn nếu thật tình muốn tạm ổn định đời sống. Tôi quay vòng tuần bảy ngày, ngày mười hai, mười bốn tiếng để chạy đua với thời gian đang chất dần trên tuổi. Cố gắng... và không tìm được một khoảng trống để về tìm bạn cũ. Tôi mệt nhoài sau công việc, biến thành một con ốc trong bộ máy xay thịt vĩ đại của nước Mỹ. Xoay hay bị hất ra khỏi vòng quay? Tôi chọn và đánh mất mình trong thời gian vừa lập gia đình. Orange County – nơi tôi đã sống – từ từ xa lạ, rồi tưởng như chưa có. Nhưng việc tự trách vì đã lạc mất thằng bạn cũ không lúc nào mất. Tôi tự hẹn sẽ có ngày về.
Nhưng không đợi đến lúc tôi về Orange County, Thiệt gọi tôi sau hai năm. Bạn tôi trồi lên giữa dòng sống bất ngờ và thoải mái như đã bất ngờ, thoải mái gọi tôi cách đây tám năm trước.
- Hú hồn! Mày vẫn giữ số điện thoại này. Tao đây. Thiệt đây.
Tôi bực bội khi nhận được giọng rất tự nhiên của nó.
- Mẹ kiếp, mày chết bờ chết bụi ở đâu hai năm nay?
Hai năm trách mình và ân hận vì có lỗi với thằng bạn cũ đột nhiên thành khôi hài, lố bịch. Điều khôi hài lại càng khôi hài hơn khi nghe Thiệt kể chuyện. Chẳng có gì đáng lo với những nguyên nhân ly kỳ, khủng khiếp như tôi đã nghĩ trong lần mất tích của Thiệt. Giản dị, ngắn gọn với câu chuyện rổ rá cáp lại của hai người trung niên như trăm ngàn chuyện tình tị nạn. Hai cánh bèo– bạn tôi và một người đàn bà tương đối khá giả –  đã gặp nhau, cùng dạt về thành phố Las Vegas.
Mang tính tiểu thuyết tị nạn, hai người gặp nhau trong một buổi sinh hoạt có đủ nghi lễ, diễn văn, áo vest, cà vạt, áo dài, váy ngắn, ăn uống và nhảy đầm. Cùng chí hướng lại quá rảnh để thực hiện những điều mình muốn – bạn tôi không có việc làm để sống và người đàn bà cũng sống không cần làm việc - họ sà vào nhau ngay trong ngày đầu để tình yêu đến trong lý tưởng. Nhưng - tại chữ nhưng rắc rối này nên bao nhiêu anh thư, hào kiệt đã đánh mất cơ hội đi vào lịch sử để tên mình được đặt cho những con đường - sau thời gian đầu, tình yêu đã thắng lý tưởng. Chàng to con, dư sinh lực sau sáu năm mồ côi và nàng cũng hây hây da thịt với đời sống độc thân nên thấy dắt nhau về Las Vegas – nơi nàng đang có một nhà hàng – để vui vầy có vẻ hạnh phúc hơn là thỉnh thoảng gặp nhau tại motel. Họ thực hiện và âm thầm biến mất trên trái đất tị nạn.
- Nhưng hết rồi!
- Cái gì hết?
- Chuyện tụi tao.
Tôi chưa kịp ngạc nhiên thì Thiệt đã kể tiếp về thời gian sống chung với người đàn bà. Tình yêu đi kèm cờ bạc quả là một hiện tượng tự xâm thực. Lúc đầu chàng một máy đánh bạc, nàng một máy đánh bạc chơi cho vui, cho khuây khỏa, cho tiêu thời gian dư thừa sau những lúc quần thảo trên giường. Đâu đáng gì các đồng xu nhét vào khe máy trong thời gian ngắn. Lợi tức của nhà hàng quá dư dù người đàn bà chẳng buồn ghé mắt trông coi. Họ vui vẻ hưởng thụ. Nhưng dần dà, với Thiệt, mặt giường ngày một bớt quyến rũ khi so với mặt bàn black jack hay roulette. Bạn tôi bắt đầu thích mân mê những tấm phỉnh nhiều hơn là mân mê da thịt người đàn bà đang sống chung, đang cung phụng cho mình. Cuối cùng, như các lần trong quá khứ, Thiệt đã bước ra khỏi vạch sống của người chung quanh.
Để kết thúc lần nói chuyện, Thiệt báo tin sẽ về San Jose. Lần này, nó không còn lo chuyện tôi mồ côi, bơ vơ mà chỉ muốn sống gần nhau cho tôi bớt buồn nhờ có bạn, có bè.

Ra đón Thiệt tại phi trường San Jose – tất nhiên – vẫn là tôi. Và vẫn tự nhiên như mới gặp hôm qua, bạn tôi hất cái túi xách ra phía sau, đưa tay vỗ bụng.
- Tao đói quá. Đi kiếm cái gì ăn... Từ sáng đến giờ mới có tí đậu phộng với ly nước trên máy bay.
- Lấy hành lý đã.
- Hành lý với đồ đạc cái gì... Tao chỉ có chừng này.
Thiệt vỗ vỗ vào túi xách tay đang đeo trên vai. Bạn tôi trơ trụi hơn tám năm trước tại phi trường Los Angeles. Tôi bùi ngùi tìm thấy những sợi tóc bạc đang bám vào thái dương Thiệt. Mới đây mà đã mấy chục năm. Thời gian chất lên vai hai đứa với những thăng trầm như trò đùa của số mệnh. Chúng tôi vẫn có nhau và vẫn nghèo với từng giấc mơ trôi qua một cách lạnh lùng.
Nhưng vừa ngồi vào xe, bạn tôi đã mở lời như ngày vừa bước xuống phi trường Los Angeles.
- Đây có gì lạ không mày?
- Mẹ kiếp!
Tôi buông tiếng chửi thề. Tại thủ đô văn hóa Orange County, bạn tôi đã ôm mộng tổng tuyển cử thì tại thủ đô chính trị San Jose này sẽ ôm mộng gì? Tôi ngán ngẩm nhớ lại thời gian đã qua của Thiệt. Lê lết từ chỗ này sang chỗ kia đến độ từ hai cái valy chỉ còn mỗi cái túi xách tay du lịch còn chưa ngán hay sao? Sắp hết những năm của tuổi bốn mươi mà bạn tôi vẫn như ngày còn đi học, vẫn hờ hững với những điều cần có chung quanh, vẫn không chịu nhìn thấy mình đang đứng tại đâu. Từ những sợi tóc bạc của hai đứa, tôi chỉ mong Thiệt được an bình trong quãng ngày còn lại. Bước đầu tại đây? Tất nhiên tôi sẽ lo. Dù eo hẹp nhưng chuyện ngày hai bữa cơm tháng và tiền thuê phòng cho Thiệt chẳng phải là điều cần suy nghĩ. Vợ chồng tôi sẽ nhín đi một phần chi tiêu là đủ và việc đó cũng không gây xích mích. Chúng tôi đã bàn và may mắn cho tôi, Nguyên cũng vui vẻ khi tôi có cơ hội được sống gần một người bạn từ ấu thời. Nhưng đời người đâu chỉ thế? Thiệt cần những điều khác để hoàn thành cuộc sống riêng tư như những người bình thường ngoài các nhu cầu tối thiểu. Dù là người có nhiều giấc mộng, bạn tôi vẫn cần một công việc và một người đàn bà nào đó, nếu có thể.
Thiệt tiếp với giọng đều đều.
- Hỏi thì hỏi vậy thôi chứ tao không còn quan tâm nhiều đến các sinh hoạt nữa. Sáu năm đã bao điều nhìn thấy.
- Chán?
- Chẳng chán gì cả, tự nhiên không còn thấy hứng. Phải làm chuyện khác...
Thiệt bỏ lửng khi đến một trung tâm thương mại Việt Nam. Chúng tôi xuống xe, vào một quán ăn. Tôi nói đến căn phòng Thiệt sẽ về ở. Nó chỉ hỏi qua loa như không quan tâm lắm. Cho đến lúc người hầu bàn đặt thức ăn trên bàn, bạn tôi vừa lau đũa, vừa nói.
- Cần làm chuyện gì lâu dài hơn. Mọi hoạt động cũng chỉ có tính cách giai đoạn. Bọn mình bắt đầu già rồi.
Tôi mừng rỡ khi chợt hiểu không phải chỉ có tôi mới nhìn thấy những sợi tóc bạc. Bạn tôi đó. Thiệt đã nhìn thấy bóng đen, phía sau ánh lửa của những mảnh pháo hoa bùng lên trong thoáng chốc, vẫn chỉ là bóng đen.

Hai tuần sau, Thiệt gọi tôi trong giờ làm việc.
- Mày đó hả? Rảnh không?
- Cần đi đâu vậy?
- Cà phê. Chừng hai tiếng thôi.
- Tao đang làm, chiều đi.
- Không, tao muốn đi bây giờ. Đang có hứng và muốn nói với mày một chuyện. Tới đón liền nghe, đừng làm tao mất hứng.
Nó tự nhiên cúp máy và tôi buông tiếng chửi thề – như đã nhiều lần trong quá khứ – nhưng cũng sắp xếp việc làm và đến đón, dù không có hứng.
Suốt quãng đường, Thiệt im lặng, nét mặt đăm chiêu nhưng mắt như có tia lạ. Tôi gạn hỏi, nó không trả lời. Cái hứng gì đây? Tôi tự hỏi và vừa sốt ruột, vừa lo. Sau chức tổng thống Việt Nam sẽ còn chức gì hơn? Tổng thống Mỹ? Vô lý, bạn tôi thừa biết một anh da vàng, mũi tẹt chẳng bao giờ có quyền tranh cử tổng thống Mỹ. Lãnh tụ thế giới? Lại vô lý hơn! Chỉ có quẩn trí hay điên Thiệt mới nghĩ chuyện tổng tuyển cử cả thế giới lâu dài hơn cuộc tổng tuyển cử trong và ngoài nước. Nhưng dám sau thời gian nghĩ chuyện trên trời, bạn tôi... Tôi ngờ ngợ khi ngồi tại quán cà phê trên đường Senter nhưng không dám nhìn mặt Thiệt để tìm một dấu hiệu nào đó của bệnh tâm thần. Giữa một người mơ mộng và một người điên, tự nhiên, tôi mong bạn tôi bé lại như ngày nào đã mượn tôi một trăm để đến bar Đại Hàn. Tôi hỏi khẽ.
- Mấy hôm nay mày thấy gì lạ trong người không? Ngủ được không?
- Dấm dớ! Mày biết Nguyễn Mộng Giác chứ?
Bạn tôi châm điếu thuốc và hỏi lại. Thái độ bình thường, không có triệu chứng điên. Tôi an tâm gật đầu.
- Biết. Tao thích cuốn Ngựa Nản Chân Bon.
- Không phải, tao muốn nói đến trường thiên kìa.
- Mùa Biển Động?
- Ờ! Cả Sông Côn Mùa Lũ nữa.
- Sao?
- Ổng dở ẹc. Cả hai bộ cộng lại có vài ngàn trang. Tao sẽ làm hơn, sẽ viết một bộ chín ngàn trang. Một bộ thôi. Mày nghe rõ không?
Tôi hồ nghi khi nhớ lại các dấu hỏi ngã tùy nghi của Thiệt trong các bài luận năm nào.
- Mày viết trường thiên?
- Chứ sao? Chín ngàn trang cho một bộ sẽ ăn đứt vài ngàn trang cho hai bộ.
Bạn tôi quả quyết bằng nụ cười tự mãn như đang ngồi trong buổi ra mắt sách với đám độc giả đứng quanh, chờ xin chữ ký. Tôi liên tưởng đến những tiếng sét tình cờ của thiên lôi đánh trúng đầu các thiên tài. Không chừng bạn tôi mới được thiên lôi chiếu cố sau thời gian long đong.
- Mày viết về cái gì?
Lần này Thiệt thoáng ngập ngừng. Nó nâng ly cà phê lên, uống một ngụm, xong gật gù như vừa tìm được điều đắc ý.
- Tao sẽ viết về đời tao.
- Viết về đời mày?
- Văn là người. Mày không thấy Nguyễn Mộng Giác núp dưới bóng nhân vật Ngữ sao? Trong Mùa Biển Động, chuyện trong nước nhiều hơn ở ngoài. Tao sẽ viết về đời tao vừa trong, vừa ngoài mỗi phần cỡ chừng bốn ngàn rưởi trang. Nói cho mày biết, cuốn Mùa Biển Động được Nguyễn Mộng Giác viết lúc vượt biên một mình, sang Mỹ không có vợ bên cạnh, buồn quá ổng ngồi viết được gần hai ngàn trang. Đó là mới xa vợ. Còn tao? Đào đá tới hai lần. Làm sao thua được? Tao sẽ làm hơn.
Cũng có lý! Xa vợ buồn quá viết gần hai ngàn trang thì đổ vỡ tới hai lần nỗi buồn có thể tăng gấp ba, gấp bốn và chín ngàn trang đâu phải chuyện khó. Lại còn cả trong và ngoài nước nữa. Dám bạn tôi chơi một mạch mười hai ngàn trang không chừng! Nhưng cuộc đời của nó? Chúng tôi gần nhau như hai đường thẳng song song từ ngày còn bé và tôi không tìm thấy điều gì để chứng minh Thiệt có thể viết một cuốn trường thiên vĩ đại. Nhưng thôi, cứ để nó ôm giấc mơ này còn đỡ hơn phải tốn tiền in truyền đơn, kêu gọi cả thế giới cùng tham gia tổng tuyển cử. Hãy để bạn tôi chơi trò văn học giữa thủ đô chính trị sau khi đã chơi trò chính trị tại thủ đô văn hóa.
Tôi đứng lên, hỏi trước khi đến quày trả tiền.
- Chừng nào mày bắt đầu?
- Tao sẽ làm dàn bài. Xong sẽ bắt đầu ngay. Nhưng...
Tôi ngưng lại nhìn Thiệt. Bạn tôi ngập ngừng rồi tiếp.
- Tao cần xe đi lại, quan sát, tham dự vào các nhóm văn nghệ để lấy thêm cảm hứng.
Tôi gật đầu và hai ngày sau, chiếc xe của vợ tôi được sang tên cho Thiệt.

Cho đến lúc chiếc xe bị kéo vào nghĩa địa xe và bị giam bằng lái về tội uống rượu lái xe, Thiệt vẫn chưa hoàn tất cái dàn bài chi tiết cho cuốn trường thiên. Nghĩa là hơn một năm lòng vòng tham dự các nhóm văn nghệ địa phương, bạn tôi vẫn chưa đủ cảm hứng. Viết lách quả là việc nhọc nhằn. Nhất là lại muốn viết về những điều vượt ngoài tầm tay thì thường bị táo bón hoặc tiêu chảy. Thiệt rơi vào trường hợp thứ nhất. Bạn tôi đã chi dùng hơn một năm để nói về dự định văn chương của mình và nghe về dự định văn chương của người khác. Điều nhận được sau khoảng thời gian này chỉ là sự quảng giao của Thiệt trong một nhóm văn nghệ địa phương. Họ ăn ý nhau khi cùng bàn về các tác phẩm tương lai bằng lời nói, lời phê bình, lời tóm gọn từ các dàn bài muôn đời trơ xương như một con cá bị lóc hết thịt. Chín ngàn trang của bạn tôi được gói trọn trong bốn trang dàn bài tổng quát khi những trang dàn bài chi tiết vẫn giữ nguyên màu giấy trắng.
Phải công nhận Thiệt cẩn thận khi đã chia ra hai thứ dàn bài để bắt đầu trò chơi văn học. Nhưng bạn tôi đã rơi vào trường hợp muốn xây một căn nhà mà lại thiếu vôi vữa vì chỉ đủ tiền mua rui, mè. Hoặc, tệ hơn, chỉ đủ tiền mua giấy để nghuệch ngoạc vẽ mô hình. Thiệt loay hoay bên cạnh những người cũng thiếu vật liệu nhưng toan tính sẽ dựng lên đủ thứ lâu đài. Họ chụm lại thành nhóm như những người phu hồ lười biếng lập nên hội thợ bạn xa quê, suốt đời ngồi vẽ trên giấy các thiết kế ngoại hạng rồi bàn thảo, phân tích, khen chê những tòa nhà nằm trong trí. Hoặc, hối hả nặn những đứa trẻ gầy còm - ra đời trong lần hoài thai thiếu tháng – mặc khăn đóng áo dài cho đượm tình dân tộc hay khoác gấm vóc nước ngoài lên như đầu đội nón Marquez, thân khoác áo Oe, chân xỏ giày Joyce để tạo phần lập dị, trí thức. Tôi đã gặp, đã biết các loại thợ bạn này nên không lấy làm lạ khi bạn tôi trở thành một thứ ủy viên dù suốt-đời-mới-chỉ-có những bài luận văn sai chính tả.
Quả tình tôi mong Thiệt ôm giấc mơ văn học nhiều hơn ngồi tính chuyện làm lãnh tụ. Biết đâu, một ngày nào đó, nó sẽ làm thật một cái gì. Đâu có ai sinh ra để làm nhà văn. Phải! Một lúc nào đó người ta đột nhiên ngồi xuống, viết những điều muốn viết nên biết đâu sẽ có lúc bạn tôi cũng ngồi xuống viết những điều muốn viết dù hai dấu hỏi ngã vẫn lộn xộn, nhưng ít nhất cũng là viết, cũng chi dùng thời gian vào giấc mơ hiền lành.
Nhưng, như đã nói, điều tôi muốn và giấc mơ của bạn tôi chấm dứt từ lúc tôi nhận thêm việc thứ nhì - ngoài việc làm đang có để sống - là làm tài xế cho nó. Ngày Thiệt ra tòa nhận án phạt không được lái xe là ngày tôi nhận việc phụ trội không lương. Cũng may, tôi đang làm việc tự do và chỗ Thiệt ở cũng gần nơi làm việc nên chuyện đưa đón không gây trở ngại. Bây giờ, mỗi sáng đi làm, vợ chồng tôi bớt buồn trong xe vì luôn luôn vòng qua đón và thả Thiệt xuống một nơi nào đó. Nay Lion Plaza. Mai Senter. Mốt Grand Century... Bạn tôi la cà tại các khu thương mại Việt Nam đến chán thì đón xe buýt về vì không muốn làm phiền vợ chồng tôi. Nguyên văn lời nó nói và chúng tôi đã vui vẻ cảm ơn bằng tấm vé xe buýt dài hạn. Trừ trường hợp đặc biệt Thiệt mới nhờ tôi ngoài giờ. Dù sao, tôi cũng cảm ơn Thiệt đã biết điều hơn xưa để mỗi sáng cả ba đều có những câu chuyện vui vẻ.
Hết năm thứ ba ở San Jose, Thiệt thôi nhắc đến tác phẩm chín ngàn trang. Bạn tôi vất cái dàn bài tổng quát có những dòng chữ kẻ hàng đôi mà, mỗi dòng chữ – như lời nó nói – sẽ dài từ hai đến ba trăm trang sang một bên để gọi tôi trong trường hợp đặc biệt. Bấy giờ vợ chồng tôi vừa ăn cơm tối xong.
- Mày đó hả? Xuống tao gấp!
Tôi hốt hoảng.
- Có chuyện gì vậy?
- Còn quán cà phê nào mở cửa không? Tao muốn nói với mày một chuyện.
Giọng bạn tôi tự nhiên. Tôi thở phào. Vậy là không có gì quan trọng.
- Tao không rõ, nhưng chắc còn... Mới gần chín giờ. Chuyện gì vậy? Nói đi.
- Không, ra quán cà phê nói lâu hơn.
- Mai đi. Tao hơi mệt.
- Không ngay bây giờ. Đừng làm tao mất hứng.
Mẹ kiếp! Tôi lại lầm bầm chửi thề vì cái hứng của nó.
Lần này, không đợi đến quán cà phê, Thiệt mở lời ngay từ lúc ngồi vào xe.
- Bọn mày mất thời giờ viết dài dòng. Đâu cần phải còng lưng ngồi viết trường thiên hay truyện dài, truyện ngắn. Tao sẽ làm thơ.
- Còn bộ trường thiên?
- Tao đã nói đâu cần phải còng lưng ngồi viết. Bỏ phứt cho đỡ tốn thời gian. Thơ cô đọng hơn. Viết ít nhưng nói được nhiều.
Tôi mệt mỏi theo Thiệt vào quán cà phê tại góc một ngã tư và ngồi xuống chiếc ghế sát tường. Trước mặt tôi đường Capitol tấp nập xe qua lại. Nước Mỹ vẫn trôi theo nhịp sống khi bạn tôi đang nổi hứng tại đây. Tôi ngả đầu, dựa vào tường khi Thiệt nói về giấc mơ vừa tìm thấy. Giữa tiếng nhạc ồn ào và các giọng nói đủ loại tôi nghe loáng thoáng tên những nhà thơ, những giải thưởng thế giới, những câu thơ... Tôi nghe nhưng thật tình không có hứng khi Thiệt đang hào hứng nói. Đã quá nhiều giấc mơ của nó khiến tôi chỉ nhìn cũng đủ mỏi mắt và ngộp thở chứ chưa nói đến thực hiện. Điều duy nhất – cho đến bây giờ - tôi vẫn mong Thiệt sẽ tìm được một chị sồn sồn nào đó để sống vui hơn. Sau mười mấy năm tại xứ người, bạn tôi vẫn lênh đênh, vẫn mang thân bèo trôi từ thủ đô văn hóa sang thủ đô chính trị. Vẫn chập chờn từ giấc mơ lãnh tụ sang giấc mơ thi ca. Thi ca? Đột nhiên, tôi cảm thấy phấn khởi khi nghĩ đến thơ truyền cảm hơn văn. Từ thơ, biết đâu, bạn tôi sẽ tìm thấy nàng thơ tị nạn một cách dễ dàng hơn để đỡ lạnh lúc nằm ngủ.
Tôi nhổm người lên.
- Cũng được. Thơ cũng được, nhưng mày sẽ viết gì?
Bạn tôi nhún vai.
- Sao lại cũng được? Phải được chứ! Tao sẽ viết về đời sống. Những cái tưởng nhỏ nhất có thể là những cái thật nhất, người nhất. Phải tinh mắt mới tìm thấy những hạt kim cương.
Tôi mường tượng đến một trang sách nào đó đã đọc khi nghe Thiệt nói. Nhưng đồng ý. Ít nhất bạn tôi cũng nói một câu nghe được, dù của nó hay chẳng phải của nó. Và như lần bạn tôi ôm giấc mơ viết trường thiên, tôi lại nghĩ, lần này dám thiên lôi đã đánh thêm một búa vào đầu nó. Cú đánh bồi cho chắc ăn để thiên tài khỏi quên con đường văn học. Bởi sau ba năm, sự đau đớn của một cú đánh – dù bằng búa của thiên lôi – cũng có thể hết đau và làm người ta dễ quên sứ mạng được giao.
- Mày định gửi cho báo nào?
- Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Thơ... Thiếu gì? Điều quan trọng đâu phải là đăng mà là sáng tạo. Tao sẽ xóa bỏ các lề lối cũ, đem cái mới vào thi ca. Đã đến lúc cần đổi mới. Dẹp hết, quên hết những thứ bằng trắc, vần luật lộn xộn.
Quên là phải! Bạn tôi chưa sạch nước cản luật bằng trắc của các thể thơ vỡ lòng, dù dễ nhất như lục bát, từ ngày còn bé. Nhưng, như đã nói, chỉ cần một nhát búa của thiên lôi đánh trúng đỉnh đầu là thiên tài có thể nhảy chồm vào văn học mà không cần mệt nhọc leo từng bậc thang kiến thức. Đâu ai cấm một người như Thiệt bào chế ra các món chơi thi ca độc đáo? Biết đâu, bạn tôi sẽ sáng lập ra một môn thơ nào đó để những người đang chịu trách nhiệm các tờ báo văn học phải hốt hoảng vì cái nghèo nàn, hủ lậu của mình?
Nhưng giống như những bài thơ – kể cả trường thi - luôn luôn ngắn hơn những bộ trường thiên, giấc mơ thi ca của bạn tôi cũng kết thúc nhanh hơn giấc mơ trường thiên. Không cần kéo dài đến ba năm để ngắm nghía cái dàn bài xương cá, chỉ cần bốn tháng sau – cũng tại quán cà phê đã có giấc mộng thi ca – Thiệt uất ức nói.
- Tao đếch cần Văn, Văn Học hay Hợp Lưu...
- Sao vậy?
- Tụi nó sợ cái mới!
Tôi chợt hiểu nhát búa thứ hai của thiên lôi vẫn không đủ sức hoặc đã đánh lệch sang một bên, không trúng giữa đỉnh đầu bạn tôi. Thiệt tiếp.
- Vả lại mấy tờ đó in trên dưới một ngàn số, không đủ phổ biến đến người đọc. Tao sẽ gửi cho Thằng Mõ. Tờ này in bảy ngàn số và có tới hai ấn bản. Đi đâu cũng thấy, cũng được nhắc. Ai cũng xin về đọc, đến độ các chợ phải dấu đi, chỉ để dành phát cho khách mua trên năm chục đô.
Cô gái hầu bàn đến ghi thức uống. Giọng bạn tôi bỗng lớn hơn, nhanh hơn khi vừa gọi nước xong. Như sợ cô gái không nghe kịp.
- Thứ bảy này tao sẽ phát biểu trong buổi ra mắt sách của...
Tôi không nghe rõ tên của người vừa in xong cuốn sách vì bận trả lời cô gái hầu bàn.
Vẫn trong giọng cao và nhanh, bạn tôi tiếp.
- Tao sẽ nhắc đến tác phẩm Bác Sĩ Zivago.
- Sao lại mày? Còn thơ thì sao?
Tôi hỏi lại khi cô gái rời khỏi bàn với hai tiếng “cám ơn”. Giọng Thiệt trở lại bình thường.
- Tao sẽ chuyển qua làm văn hóa. Thơ vẫn làm, nhưng chỉ là tay trái. Làm văn hóa mạnh hơn nhiều... Thứ bảy, nhớ đón tao đúng giờ, đừng trễ để người khác phải chờ. Bác Sĩ Zivago là tác phẩm cần được nhắc lại.
Tôi gật đầu như đã gật đầu nhiều lần trước.
Chiều thứ bảy, tôi không còn tin vào tai mình khi Thiệt bước xuống diễn đàn giữa những tràng pháo tay. Không biết nó lôi ra đoạn kết có hậu cho cuốn sách của Boris Pasternak. Bạn tôi đã thoải mái tả và bàn cảnh Zivago ngồi trong một quán ăn, nhìn ra ngoài cửa sổ. Một đứa bé có khuôn mặt giống Zivago lúc ấu thời xuất hiện sau khung kính, mỉm cười vẫy tay với Zivago. Zivago vẫy tay lại. Đột nhiên Lara đến, dắt đứa bé trai rời khung cửa sổ. Zivago chợt biết đó là con của mình khi nhận ra Lara nên đứng lên, định chạy theo nhưng bị lên cơn nghẹn tim và ngã xuống chết. Chưa hết! Bạn tôi đưa tay lên ra dấu cho mọi người chú ý và tiếp tục với cảnh Lara dắt đứa con trai, thản nhiên đi trên lề đường. Rồi căn nhà hai mẹ con đang ở hiện ra với những người công an đang chờ bắt Lara. Rất bình tĩnh, Lara dối con trong trò đùa cút bắt để đứa bé chạy đi và thản nhiên đi về phía đám công an, chìa tay ra để bị còng. Bạn tôi chấm dứt tác phẩm của Boris Pasternak với lời bàn về số mệnh đã định sẵn cho những con người bình thản nhận số mệnh.
Giữa tiếng ồn ào của đám đông đang vỗ tay, tôi giật mình và đâm ra nghi ngờ những điều đã đọc. Không lý ấn bản tôi được đọc ín sai? Hay là có một cuốn Bác Sĩ Zivago khác, không phải Boris Pasternak viết mà tôi chưa biết bởi cả Thiệt và đám đông đều thỏa thuận cho đoạn kết lâm ly như phim bộ. Thiệt về bàn, ngồi xuống.
- Bài nói của tao được không mày?
- Mày lôi đâu ra cái đoạn kết vậy?
- Sao?
- Mày đọc kỹ chưa?
- Cần gì đọc. Coi phim là đủ mà lại gợi hình hơn, dễ nói hơn như mày thấy. Chủ nhật tuần trước tao được xem phim Bác Sĩ Zivago trên đài PBS. Phim dài gần bốn tiếng đó mày!

Bây giờ là đầu năm. Vợ chồng tôi vừa cúng giao thừa xong. Ngày mai, như thường lệ, chúng tôi sẽ đón Thiệt sang ăn cơm. Nguyên bày đĩa trái cây lên bàn. Dưới ánh đèn từ trần hắt xuống, tôi nhìn thấy vài sợi tóc trắng lẫn trong mái tóc vợ tôi. Tôi thở dài nghĩ đến thời gian. Mới ngày nào gặp nhau mà bây giờ cùng bước vào những năm của tuổi năm mươi. Nhưng dù sao cũng có nhau. Năm mươi... Tôi bùi ngùi nhớ đến Thiệt.
Bạn tôi vẫn mồ côi. Nhưng bước sang năm thứ tư làm tài xế cho Thiệt, tạm thời, vợ chồng tôi được bình yên. Mọi sự không thay đổi. Cảm ơn cuộc đời đã đẻ ra cái tên "nhà văn hoá" để Thiệt thoải mái lòng vòng tại các khu thương mại Việt Nam, các buổi sinh hoạt văn nghệ. Và tôi cũng được thoải mái nghe nó nói vào những lần uống cà phê cuối tuần. Dù đúng hay hay sai. Dù trên trời hay dưới đất. Bạn tôi vẫn chưa có giấc mơ nào thay vào giấc mơ làm văn hóa. Thiệt có vẻ chịu ngồi yên và tôi đã mừng vì tất cả bắt đầu theo vòng quay bình thường. Sáng đến đón. Thứ bảy uống cà phê rồi về nhà tôi ăn tối. Chủ nhật đưa nó đến các nơi cần đến, vào cũng được mà không vào cũng được, Thiệt cho tôi được tự do. Còn muốn gì nữa mà thắc mắc? Tôi tự an ủi và quên chuyện tìm hộ Thiệt một chị đàn bà sồn sồn cho đỡ lạnh. Để hôm nay, ngày đầu của năm, tôi mới nhớ dù là nhà văn hóa lớn hay nhỏ bạn tôi cũng cần có một người đàn bà để cùng sống. Nhất là vào những phút như hiện tại.
Tôi thu dọn bàn cúng giao thừa từ ngoài sân vào nhà và sửa soạn đi ngủ thì có tiếng chuông điện thoại. Tôi nhấc ống nói lên. Bên kia đầu giây là Thiệt.
- Tao đây. Thiệt đây.
- Năm mới...
- Mới cái gì.
Thiệt cắt ngang. Tôi bật cười.
- Chưa ngủ sao?
- Chưa. Xuống đón tao gấp. Tao có chuyện muốn nói.
Tôi nhìn lên mặt đồng hồ treo trên tường. Đã hơn một giờ đêm.
- Mai. Để mai... Đã trễ rồi. Vả lại giờ này đâu còn chỗ nào mở cửa.
- Không cần quán cà phê. Chỗ nào cũng được. Mày xuống gấp đừng làm tao mất hứng.
Thiệt gác máy. Đặt ống nói lên kệ máy, tôi nhìn sang Nguyên. Vợ tôi đã dọn dẹp xong và đang đứng gần cái truyền hình.
- Anh Thiệt?
Tôi nhún vai thay câu trả lời. Môi Nguyên khẽ mấp máy khi tiếng nhạc vang lên từ một hoạt cảnh trên mặt truyền hình. Có tia mắt của Nguyên nhìn theo khi tôi bước ra ngoài.
Đêm thật lạnh với những cơn gió mùa đông. Thành phố ngủ yên với các con đường đã thưa xe. Tôi đạp thắng khi ánh đèn đỏ sáng lên từ góc đường trong bực bội. Định mệnh đã trói hai đứa với các tiếng chửi thề của tôi và những lần thản nhiên của Thiệt như một trò đùa dai dẳng. Từ tấm bé cho đến nay, cứ mỗi lần bạn tôi nghĩ ra một giấc mơ là tôi biến thành cái bóng đứng cạnh. Bất kể lúc nào và tại đâu. Chúng tôi bám lấy nhau, không cần mọi người chung quanh như một thứ oan gia. Tôi bật cười quên hẳn bực bội khi nhìn lại mình trong các giấc mơ của Thiệt. Toàn là chuyện viển vông – tôi biết rõ – nhưng chẳng bao giờ dám từ chối, dám để nó mất hứng.
- Thật chẳng ra làm sao cả!
Tôi lẩm bẩm khi đèn bật xanh và nhấn ga. Chiếc xe vọt tới khi những giấc mơ của Thiệt lần lượt hiện về trong trí. Bạn tôi đã ôm hết trái núi này sang trái núi khác với vòng tay hẹp. Chẳng bao giờ nhấc lên nổi hay, ít nhất, làm nhúc nhích được chân núi. Chỉ loay hoay sờ mó, vẽ vời trong trí gần hết cuộc đời. Từ mối tình tại bar Đại Hàn đến hội trưởng, tổng tuyển cử cả nước, nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa...Và hôm nay sẽ là gì lúc bắt đầu cuối đời? Trí tôi luẩn quẩn về các giấc mơ của Thiệt. Quá nhiều các thứ núi mà chỉ cần một thứ – chỉ một thứ thôi – là người bình thường có thể tiêu dùng hết đời để thực hiện hoặc cả đời cũng chưa thực hiện nổi. Vậy mà nó ôm đủ. Đã ôm. Đang ôm. Và sẽ ôm thêm thứ gì để quá nửa đêm giao thừa lại gọi tôi? Là gì đây? Tôi lắc đầu không đoán nổi một giấc mơ nào có thể lớn hơn các giấc mơ Thiệt đã có. Tôi thở dài, hy vọng bạn tôi sẽ không đòi làm Atlas để ghé vai, nâng cao trái đất.
Tôi đạp thắng gấp khi đèn đường lại bật đỏ. Tiếng thắng xe rít lên trong đêm vắng nghe thật khó chịu. Tay tôi rời bánh lái, thọc vào túi áo khoác để tìm gói thuốc. Trống trơn túi bên phải. Bàn tay mò sang túi trái. Vẫn trống trơn. Chẳng biết gói thuốc đang nằm đâu? Không lý lại bỏ quên? Tôi tự hỏi và cố nhớ lại lúc khoác áo bước ra khỏi nhà. Bấy giờ Nguyên đứng gần cái truyền hình nhìn tôi và hỏi.
- Anh Thiệt?
Tôi đã nhún vai thay câu trả lời. Rồi... Tôi giật mình khi nhìn thấy tôi lúc đó thật rõ. Tôi đã nhún vai – rất tự nhiên – hệt như Thiệt đã làm và hình như vợ tôi nói khẽ điều gì mà tôi nghe không rõ. Bấy giờ, gương mặt Nguyên - cũng không có nét khó chịu nào - hệt như gương mặt tôi mỗi khi nghe Thiệt nói mơ.
Lạy trời cho những tiếng nói nhỏ của vợ tôi không phải là hai tiếng “Mẹ kiếp” của tôi vẫn dùng.

San Jose, 18 tháng ba năm 2004
Đăng trên tạp chí Văn Học số 217, tháng năm 2004 tại California, Hoa Kỳ

(*) Trong truyện ngắn Tật Nguyền của cuốn Tối Tháng Năm Tại Quán Ăn Đường Fifth, tôi đã viết: “...Sau thời gian ở Mỹ, vật lộn với các nghề và lang thang trên những vùng đất lạ tôi đâm ra ngán ngẩm sau khi tiếp xúc với một số cộng đồng tỵ nạn. Hầu hết đều khoác lên người một thứ gì đó - như lớp quần áo giấy - để sống, để khỏi khuất lẫn vào đám đông. Bằng quá khứ cũng có, bằng chức vụ hay bằng bằng cấp... Nhưng tựu chung chỉ nằm trong vòng thỏa mãn tự ái cá nhân hay khỏa lấp mặc cảm. Nói cho cùng, tôi vẫn gặp một số người sống bằng cả tấm lòng. Ở thiểu số này ranh giới giữa suy nghĩ riêng tư và cuộc sống tại đây hoàn toàn cách biệt. Họ âm thầm thực hiện hoài bão. Như những đốm lửa lạc loài trong đêm văn minh quá mức. Với họ -  những đốm lửa nhỏ nhoi đó - điểm ra đi chính là nơi trở  về. Tôi đã được an ủi rất nhiều khi gặp họ - nhưng chỉ  thế - bởi tất cả đều chờ trong hy vọng...”















.