Cậu Út

Truyện ngắn Nguyễn Ý Thuần

Tôi bắt đầu khó chịu khi gặp hắn trước lần hẹn thứ ba. Vẫn bộ quần áo vàng dành cho sinh viên sĩ quan lúc đi phép, hắn thản nhiên ngồi tại câu lạc bộ sĩ quan. Chung quanh, mọi người đều mặc đồ trận, kể cả những sĩ quan trẻ ngồi cùng bàn với hắn. Trừ bộ quần áo khác người, còn lại từ thái độ đến cung cách ăn nói của hắn không có gì khác lạ. Nâng ly bia, cụng ly, uống một hơi dài. Rồi cười nói, vung tay, xoãi chân như việc hắn có mặt tại đây trong bộ quần áo vàng là điều tự nhiên. Bất cần thiên hạ với những cái nhìn kỳ cục ném về. Kể cả tôi, tiểu đoàn trưởng của tiểu đoàn hắn phải trình diện.
Một vài cái nhìn của đám sĩ quan trẻ ngồi cùng bàn với hắn hướng về khi tôi ngồi xuống. Những cái cười, cái gật đầu được làm. Tôi gật đầu đáp lễ. Hắn cầm ly bia lên uống một hơi dài. Đám sĩ quan trẻ cùng bàn thì thầm với hắn. Hẳn đang nói về tôi. Đột nhiên tôi có ý nghĩ theo dõi thái độ hắn – sau khi đã biết tôi sẽ là tiểu đoàn trưởng của hắn – thì thế nào. Ngạc nhiên? Bối rối? Rồi sẽ làm một cái chào làm quen đầy ngượng ngùng như hầu hết các sĩ quan vừa ra trường về trình diện đơn vị. Nhưng không, mọi suy đoán của tôi đều sai. Chỉ thấy sau các câu thì thầm của những người ngồi cùng bàn là cái gật đầu hờ hững của hắn. Lại thêm một câu nói của người ngồi bên trái hắn. Lần này tôi cảm thấy khó chịu vì bắt gặp cái nhún vai của hắn.
Nén bực bội, tôi quay sang hướng khác. Thái độ dửng dưng và cái nhún vai của hắn vẫn đeo đuổi tôi. Cảm giác khó chịu mỗi lúc mỗi tăng khi tiếng cười nói của bàn hắn vang đến. Cuối cùng là tự ái bùng lên với ý nghĩ bị coi thường. Dù sao hắn cũng chỉ là một sĩ quan thuộc cấp, không thể có hành động như thế được.
Liên tưởng đến hai lần trước hẹn hắn đến trình diện tôi bực thêm. Cả hai lần đều không gặp. Lần đầu hắn đến khoảng 8 giờ rưỡi. Giờ trình diện là 9 giờ. Tôi đến trễ, hắn bỏ về. Lần thứ hai hắn đến văn phòng từ lúc 7 giờ sáng. Khoảng 9 giờ 10 tôi đến. Vẫn không thấy hắn. Người thượng sĩ già cho biết hắn vừa đi. Tôi đã im lặng theo dõi tên chuẩn úy này. Đằng nào mình cũng trễ hẹn. Tôi nghĩ thế và chờ đến lần trình diện thứ ba. Sự lập dị của hắn từ bộ quần áo vàng đang mặc đã làm tôi chú ý. Một mẫu người đặc biệt. Đã có lúc tôi nghĩ thế với nụ cười khoan dung. Nhưng hôm nay, lần hẹn thứ ba chưa đến tôi đã gặp cái gật đầu hờ hững và cái nhún vai của hắn. Bao nhiêu ý nghĩ dễ dãi, cởi mở chợt thành khó chịu. Mẹ kiếp! Ngựa non háu đá. Tôi uống cạn ly cà phê và đứng dậy với quyết định rất bình thường của một đơn vị trưởng bị xúc phạm: sẽ chứng minh cho hắn biết quyền hạn của mình.


Chín giờ sáng hôm sau tôi có mặt tại văn phòng. Hắn đã đến từ lúc nào. Vẫn trong bộ quần áo vàng hắn vào trình diện. Trong thế đứng nghiêm còn sặc mùi quân trường, hắn đọc nhanh cấp bậc, họ tên, số quân, câu trình diện rồi kết thúc bằng hai tiếng “chờ lịnh” lớn. Cung cánh rất nghiêm chỉnh, hắn đứng nhìn tôi. Đã sẵn ý tưởng lấy uy từ chiều hôm qua, tôi để yên hắn đứng một lúc. Sau cùng tôi hất hàm.
– Chuẩn úy ngồi xuống.
– Cảm ơn thiếu tá.
Hắn ngồi xuống, hai tay đặt trên bàn, vai thẳng, cổ cứng. Tôi nhìn chăm chăm vào mắt hắn. Đôi mắt lồi có những sợi gân máu nhỏ bám trên lòng trắng cũng đang nhìn thẳng vào mắt tôi. Hắn có vẻ bình tĩnh hơn tôi tưởng.
– Mãi đến hôm nay tôi mới gặp chuẩn úy.
Tôi mở đầu lửng lơ. Hắn gật đầu.
– Thưa thiếu tá, tôi có đến đây hai lần theo lời gọi của thượng sĩ thường vụ.
– Đến rồi lại về?
Hắn đáp gọn.
– Vâng.
– Tại sao?
– Bởi không gặp thiếu tá.
– Tôi có nghe thượng sĩ thường vụ bảo cả hai lần chuẩn úy đều không chờ…
– Tại sao tôi phải chờ khi thiếu tá hẹn đúng 9 giờ là trình diện?
Hai bàn tay hắn vẫn thoải mái trên mặt bàn khi hỏi lại. Tôi gằn giọng.
– Lần đầu tôi không nói. Tại sao lần thứ nhì chuẩn úy đến từ 7 giờ, chờ hơn 2 tiếng rồi lại bỏ về khi vừa quá giờ hẹn độ mươi phút?
– Thưa thiếu tá, chờ hơn 2 tiếng là phần tôi thích chờ, còn trễ 10 phút là phần thiếu tá trễ. Tôi không có lỗi.
Hắn vẫn nhìn thẳng vào mắt tôi khi nói. Từ cặp đồng tử đen láy của hắn, tôi bắt gặp tôi ngày mới ra trường. Cứng ngắc trong từng câu nói, từng bước đi và ngại ngùng khi gặp cấp trên. Người sĩ quan trẻ này khác hẳn. Hắn thoải mái và tự tin khi đối diện với tôi. Sự khó chịu chợt mất, tôi bắt đầu thích thú. Nhưng vẫn với nét mặt nghiêm, tôi tiếp tục câu chuyện.
– Hôm qua ở câu lạc bộ sĩ quan, sao chuẩn úy lại nhún vai?
– Thiếu tá có thấy?
Hắn hỏi lại như xác nhận những ý nghĩ của tôi ngày hôm qua là đúng.
– Phải. Chuẩn úy có vẻ xem thường tôi.
– Tại sao tôi lại xem thường thiếu tá khi tôi chưa biết thiếu tá là ai? Hơn nữa, nếu biết là thiếu tá thì lúc đó tôi vẫn chưa trình diện.
Rất rành mạch hắn trả lời. Sự thích thú trong tôi tăng thêm. Cố nén nụ cười, tôi nói nhanh.
– Còn bộ quân phục, không lẽ chuẩn úy chưa nhận được quần áo trận?
– Thưa thiếu tá tôi đã nhận được quần áo trận, nhưng quá rộng không thể mặc được. Ở quân trường có dạy “nhìn quân phục biết tư cách”. Tôi phải giữ tư cách, không thể ăn mặc cẩu thả được. Đành phải mặc đỡ bộ quần áo phép, sau khi lãnh lương tôi sẽ sửa.
Lần này không thể nhịn được, tôi bật cười trước vẻ nghiêm trang của hắn khi trình bầy về bộ quần áo vàng đang mặc. Nhưng hắn vẫn nghiêm. Bây giờ thì người giữ uy là hắn chứ không phải là tôi.
– Thôi được, chuẩn úy xuống tạm ứng lương trước. Cố gắng sửa sớm, mình chỉ còn hai tuần để học bổ túc. Sau đó sẽ ra hành quân.
– Cảm ơn thiếu tá.
Hắn đứng dậy, lại một cái chào đúng kiểu Thủ Đức. Tôi nhìn theo tấm lưng thẳng của hắn với nụ cười lạc quan. Thằng này một xanh cỏ, hai đỏ ngực, đúng điều cần thiết cho một binh chủng tác chiến mang nhiều lời khen lẫn tiếng chê: Biệt Động Quân.


Vẫn không xanh cỏ, nhưng chẳng đỏ ngực bởi ký củ quá nhiều. Hơn một năm tại chiến trường Bồng sơn, Tam quan hắn đã thành một trong những trung đội trưởng chiến với cái tên dễ thương được gọi từ đồng đội: “cậu út”. Tôi thích thú theo dõi sự trưởng thành của một anh chuẩn úy sặc mùi quân trường thành một sĩ quan tác chiến. Ngoài tính tự tin và kỷ luật với đơn vị khi hành quân, cậu út như đã quên những lễ nghi cứng ngắc. Phanh ngực áo, ngồi nhậu với lính từng can rượu trắng một cách hồn nhiên. Chửi thề ròn tan và đánh lộn với lính Địa phương quân tiểu đoàn 208 như cơm bữa. Bồ bịch tứ tung với các cô bán cà phê Tam quan… Nghĩa là chơi đúng nghĩa một người chết trở về sau mỗi lần hành quân. Bù lại cho những lần phá phách, cậu út đánh đấm rất đẹp. Lỳ lợm và khôn ngoan. Tự tin và kỷ luật. Cậu út đã biết áp dụng các điều cần thiết cho từng trường hợp. Con cọp đã rời khỏi bọc. Tôi đã thấy và tin. Bò vào tuyến Gia an, qua dẫy giao thông hào đầy mìn bẫy để cắm cờ. Dành lại đèo Bình đê để khai thông quốc lộ. Đánh đồi Hai vú để giữ đường vào phi trường. Giữ đồi 30, 31 để án ngữ lối vào An lão… cậu út đã thản nhiên tham dự với tiểu đoàn bằng đôi mắt nhìn thẳng như lúc trình diện tôi tại trung tâm huấn luyện Biệt Động Quân Dục mỹ, khi tiểu đoàn về học bổ túc và bổ xung quân số. Cảm tình của người đơn vị trưởng dành cho một sĩ quan cấp dưới trong tôi thật lạ. Hãnh diện và thán phục. Thái độ ung dung trong mỗi lần hành quân đã làm tôi suy nghĩ nhiều về cậu út. Hắn còn quá trẻ để thành một người như vậy. Thời gian ở đơn vị rất ngắn so với điều hắn làm được. Cộng tất cả những điều đã học ở quân trường với kinh nghiệm tại đơn vị cũng không đủ cho hắn thay đổi đến thế. Tôi bắt đầu tìm hiểu.
Các điều thắc mắc trở nên rối rắm, không thể giải thích khi tôi biết về quá khứ của hắn. Là con út một ông đại tá thanh tra quân đoàn 3, Gia đình giàu có với hai tiệm vàng của bà mẹ, cậu út sống sung sướng. Học giỏi, được mã, con ông cháu cha, gia đình khá giả. Nghĩa là cậu út hội đủ điều kiện mơ ước của một thanh niên đang sống trong thời này. Lại nữa, kèm theo là hai tấm giấy hoãn dịch, một vàng vì lý do học vấn, một trắng vì lý do gia cảnh. Chữ “thọ” theo như quan niệm của số đông, được đeo chắc chắn trước ngực. Vậy mà “tình nguyện” đi lính. Hai chữ “tình nguyện” là do mọi người nói. Nhưng sau tôi biết, cậu út đi lính vì thất tình. Rất thành thật, hắn kể lại mối tình với cô gái người Tiều châu. Chẳng che dấu để tô thêm lớp son hào hùng quanh con người lì lợm. Tất cả chỉ thế. Dễ hiểu và bình thường như trăm ngàn lý do bình thường khác. Vào lính, bố hắn lo về chỗ tốt. Hắn từ chối, chọn Biệt động Quân. Bấy giờ có danh từ “cọp liếm”. Mặc tất cả, hắn thản nhiên xách ba lô về trình diện. Thản nhiên đánh đấm. Thản nhiên chơi bời. Để trở thành người sĩ quan tác chiến được đồng đội ưa thích, gần gũi với cái hỗn danh: cậu út.
Thêm vào đó những ngày trọng cấm mà hắn cũng thản nhiên ký làm sự thắc mắc của tôi thêm rối. Nếu muốn chết để quên mối tình với cô gái Tiều châu – tạm gán cho hắn lý do cải lương này – thì đâu cần khôn ngoan khi chiến đấu? Nếu muốn “đỏ ngực” thì hắn đâu dại để phá phách, rong chơi? Cả đoạn đời sau lưng và trước mặt đều không lộ ra một lời giải thích nào cho con người hắn. Tôi bỏ cuộc khi cậu út được đeo lon thiếu úy.


Sau trận núi Chéo, tiểu đoàn bị cày nát. Hơn một tuần lễ tăng phái cho sư đoàn 22 Bộ binh để đánh lên, bật xuống núi Chéo – tên ngọn đồi cao khoảng 780 mét – cả đơn vị còn khoảng chưa đầy trăm người lính và mươi sĩ quan. Trong đó có tôi và cậu út.
Trước ngày về Dục mỹ bổ xung quân số và học bổ túc, đứng trước hàng xác đồng đội quấn trong poncho tại phi trường Phù cát, lần đầu tiên tôi thấy vẻ ung dung không còn trên mặt cậu út. Khuôn mặt cằn lại, hai hố mắt lõm sâu. Chúng tôi im lặng khi hỏa tiễn 122 ly vẫn rót chung quanh. Người lính trong cậu út như đã lớn hơn.
Hắn đứng rất lâu trước hàng poncho cuộn xác. Mắt lờ đờ như đôi mắt cá ươn. Nét hồn nhiên mọi ngày như chưa từng có. Đứng tần ngần, rồi đi từng bước ngắn. Thỉnh thoảng lại cúi xuống đọc một cái tên, miệng lẩm bẩm những câu không rõ. Tôi không còn nhận ra dấu vết nào của riêng hắn – người sĩ quan trẻ lì lợm, hồn nhiên và dễ thương của đơn vị. Chỉ còn lại một cái xác di động trước những cái xác đang cuộn trong poncho. Một cái xác chưa cuộn poncho.
Lê từng bước đến cuối dãy xác hắn dừng lại. Rồi bắt đầu quay lại bằng những bước ngắn hơn. Đế giày như không rời khỏi mặt nhựa của phi đạo. Tất cả sự mệt mỏi đã lộ trên con người cậu út. Tôi ngạc nhiên theo dõi hắn và không hề nghĩ hắn mất hồn sau trận đánh. Không thể nghĩ hắn sợ chết được. Điều hắn đã làm và tôi đang chứng kiến đã cho kết luận này. Đạn 122 ly vẫn nổ rải rác. Phi trường vắng tênh, chỉ có những người lính đang trong nhiệm vụ mới có mặt, còn lại hầu hết đều ở trong hầm. Mỗi tiếng nổ là một đám khói bốc lên, những cái chết đem đến. Ngay cả những người đang ngồi trong hầm, dưới lớp bao cát dầy vẫn thấp thỏm âu lo. Nhưng hắn vẫn đi đi, lại lại trước hàng xác. Mặc đạn réo ngang, mặc từng chớp lửa xa gần. Cậu út như đang sống với hàng xác quấn poncho trong khoảng trời khác.
Từ trong miệng hầm tôi gọi tên hắn. Cậu út vẫn những bước chân lê sát mặt nhựa. Tôi gọi lần thứ nhì lớn hơn. Hắn vẫn không nghe. Rồi lần thứ ba tôi gọi bằng cái hỗn danh đồng đội thường gọi. Vừa lúc đó một loạt pháo 122 ly nổ chung quanh, rất gần. Những ánh chớp loé lên và tiếng rầm rì làm đau bọng tai. Cậu út dừng lại, đầu ngẩng lên, mắt hướng về phía hầm của tôi. Cặp mắt lờ đờ có ánh ngạc nhiên. Tôi gọi thêm lần nữa, hắn đã nghe rõ. Trên nét mặt lầm lì vẫn không điểm thêm chút xúc cảm nào. Bằng những bước chân dài hơn lúc nãy, nhưng không vội, hắn tiến về phía hầm tôi. Đến sát miệng hầm, hắn ngồi xuống trước lối vào. Cái đầu thò vào trong với đôi mắt đã trở lại bình thường.
– Thiếu tá…
– Cậu vào đây, chúng nó đang pháo, ở ngoài rất nguy hiểm.
– Không sao đâu thiếu tá.
– Biết đâu…
– Có gì thì nằm chung với anh em ngoài kia cũng đỡ buồn…
Hắn cười nhẹ sau câu nói và đứng dậy, đi về phía hàng xác. Tấm lưng thẳng như chĩu xuống dưới ánh nắng. Bước chân đang nhanh lại thành chậm khi đến cạnh hàng xác. Từ miệng hầm nhìn ra, khoảng cách giữa tôi và cậu út như xa lắm. Bóng hắn in trên nền trời ngập nắng, sừng sững như một pho tượng đang sống. Trong cảm giác xấu hổ tôi thấy miệng hầm đang trú ẩn như lối vào hang chuột.
Sau lần đó, tôi được chuyển về đơn vị khác.


Tháng 3 năm 1975, chúng tôi gặp lại nhau thêm lần nữa. Đó là buổi chiều tại sông Ba sau đoạn đường đầy máu của liên tỉnh lộ 7B, qua Phú bổn, Phú túc… Cái mệt mỏi trộn lẫn âu lo làm tôi muốn bỏ cuộc khi thấy cảnh tượng tại sông Ba. Đạn pháo đủ loại vẫn rót, trực thăng vẫn tải người qua sông với chùm người bám trên hai càng sắt như đàn kiến bám trên hai sợi chỉ mỏng manh. Những cái đạp chân của đồng đội trên những bàn tay đồng đội đang tìm sự sống. Những con người chơi vơi hai tay khi rớt xuống. Những con người đong đưa, tay duỗi căng đang chờ phiên mình bị đạp để bắt đầu cái chết. Những hố đạn pháo vung vãi thịt, xương… Tất cả bao quanh tôi sau cố gắng vượt qua mọi thứ để sống, từ Kontum.
Tôi ngơ ngác nhìn mọi chuyện xảy ra. Người và người. Đạn và đạn. Như trong cơn mê, tôi không còn là tôi. Ranh giới giữa cái sống và cái chết không có tại đây. Nhốn nháo pha trộn phó mặc, đám đông chung quanh ẩn hiện như có, như không. Tôi chán nản đến một hố đạn ngồi xuống. Một bàn tay nắm lấy vai tôi. Rồi một bàn tay nữa. Cậu út đang đứng trước mặt tôi.
– Trung tá.
– Cậu…
– Vâng. Em đây.
Tiếng “em” đầu tiên, từ ngày đầu gặp đến nay, được cậu út xưng thật bất ngờ. Giữa hoang mang tôi thấy được an ủi. Nước mắt tôi ứa ra.
– Mình đã thua cậu ạ.
– Vâng. Mình đang thua.
Hắn gật đầu, khuôn mặt của ngày ở phi trường Phù cát lại về. Bây giờ ngoài hai hố mắt sâu còn thêm các nét nhăn trên trán. Người lính trong cậu út đã già hơn.
– Cậu tính sao?
– Em không biết. Em đã ngồi đây từ đêm qua. Chẳng biết phải làm gì.
– Phải về Sàigòn.
– Về Sàigòn?
– Đúng.
– Rồi từ Sàigòn sẽ về đâu?
Hắn đặt lại câu hỏi như lần đầu trình diện tại Dục Mỹ. Nhưng ngoài thái độ điềm tĩnh còn pha thêm nét đau đớn trên khuôn mặt.
Tôi im lặng. Chúng tôi im lặng ngồi xuống hố đạn. Nắng đã tắt, trên bầu trời bắt đầu sáng ánh vàng hỏa châu. Trong cơn mệt mỏi tôi thiếp đi.
Sáng sau tôi tỉnh dậy, cậu út đã bỏ đi từ lúc nào.


Mười ba năm ở Mỹ, vật lộn với cuộc sống khiến quá khứ trở thành hỗn độn, nhạt nhòa. Có những điều nhớ, có những điều quên trộn lẫn. Một nơi chốn, một thời gian, một con người… Cả ba điều khó trở về cùng lúc. Tôi quá mệt mỏi. Quá khứ như vùng cát đã lấp sóng. Chỉ thương nhớ, tiếc nuối – và ngay cả 2 điều này – cũng không thể hình dung rõ nét. Nhưng nếp nhăn trên trán của người thanh niên 24 tuổi vẫn rõ ràng và làm tôi phải suy nghĩ. Sau đêm đó cậu út mất biệt trong cuộc sống. Không một mẩu tin nào. Kể cả những người đi tù về, vừa vượt biên sang chẳng một ai nhắc đến người thanh niên đó.
Đã có lần tôi tưởng tượng ra cái chết của hắn. Một mảnh đạn ghim vào thân thể khi rời hố đi cầu. Chỉ thế mới bỏ lại mình tôi trong hố đạn. Không một lời giã từ, không một lời trăn trối. Suốt 13 năm, chưa bao giờ tôi nghĩ hắn bỏ tôi để vượt sông Ba một mình. Sự tin tưởng thật rõ ràng. Tôi tin như đã tin khi còn ở Bình định. Nhất là lúc đó, giữa sự hoang mang, hỗn loạn của mọi người đang tìm cách vượt sông hắn vẫn ngồi yên trong hố đạn. Con người như hắn chỉ có cái chết mới bỏ đồng đội. Có thể hắn tự tử. Có thể hắn bị giết. Những câu trả lời tôi đặt ra đều bằng cái chết của cậu út. Luôn luôn thế, bởi trong hoàn cảnh đó chỉ có cái chết mới làm hắn sống mãi trong trí tôi. Tôi biết đó là ý nghĩ ích kỷ – nhưng thà thế – để cậu út có trọn cuộc sống đúng nghĩa.
Sự tin tưởng lẫn với điều mong muốn ích kỷ là hắn đã chết càng tăng khi tôi nghe một số bạn vừa sang, kể về cuộc sống tù đày tại những trại tập trung. Ở đó, ranh giới giữa anh hùng và anh hèn mong manh như lớp vỏ khoai mì. Con người thật lộ ra trong trại. Có những con người rất bình thường khi sống ngoài đời, hoặc giả tầm thường hay nhút nhát cũng trở thành kiên cường, quyết liệt với kẻ thù. Và ngược lại cũng có những con người rất can đảm, khí phách ngoài đời lại biến thành bần tiện, hèn hạ, sẵn sàng bán rẻ đồng đội bằng những tiện nghi tối thiểu. Tôi ngạc nhiên khi nghe chuyện kể và mừng rỡ trong ý nghĩ nhỏ nhen là mình không lâm vào cảnh đó. Lại liên tưởng đến cậu út. Hắn sẽ thế nào nếu sống trong tù? Nghĩ đến hắn và ý tưởng mong hắn chết lại càng lớn hơn. Thà thế, để mãi mãi người lính với cái hỗn danh dễ thương đó là một hình ảnh đẹp. Cuối cùng sự phân vân, nghi hoặc trở thành sợ hãi khi sẽ nhận được tin xấu về hắn đã làm tôi nhốt kín hắn trong trí của mình vào những năm sau này. Không muốn hỏi thăm ai và cũng chẳng muốn nghe ai nhắc đến hắn. Cầm bằng như đã mất một người bạn nhỏ.
Trong số những người tôi quen tại thành phố này, có một người viết sách. Một chiều tháng sáu, anh ta rủ tôi đến chơi tại tòa soạn tờ báo Việt ngữ. Mục đích, như anh ta bảo là để xem bài mình viết được trình bày ra sao. Tôi cùng đi và được nghe mẩu đối thoại tại phòng kỹ thuật và trình bày tờ báo.
– Ai lay out bài này.
– Tôi.
– Tại sao lại để ở phần cuối trang.
– Vì mỹ thuật và kỹ thuật
– Tôi đề nghị đem bài này lên đầu trang.
– Tại sao?
– Bởi vì bài này do tôi viết.
– Không được.
– Phải được. Tôi muốn thế.
– Tôi có hai điều nói với ông. Một là tôi không cần biết ông là ai. Hai là tôi yêu cầu ông bước ra khỏi phòng này.
– Anh biết tôi là ai không?
– Tại sao phải biết?
– Tôi giới thiệu với anh, tôi được mời vào nhóm chủ trương tờ báo này.
– Ra thế!
– Anh hãy dời lên trên.
– Sau khi ông giới thiệu về ông. Ngoài hai điều vừa nói, tôi còn thêm một điều thứ ba để nói với ông: tôi sẽ không đăng bài của ông. Không! Phải nói là tôi không cho phép bài ông đăng vào phụ trang này bởi tôi là người đã và đang phụ trách trang báo. Và ông, người chủ trương tờ báo không có nghĩa là ông có quyền xếp bài mình viết lên đầu trang báo theo ý muốn.
Tôi ngẩn người sau mẩu đối thoại. Lối trả lời rành mạch và giọng nói cách đây mười mấy năm sống lại. Chỉ là hắn mới có lối nói chuyện thế này. Tôi bước vào phòng kỹ thuật. Người viết sách hầm hầm nhìn một thanh niên đang vo bài báo – chắc của hắn – vất vào sọt rác. Đôi vai thẳng, tấm lưng cứng và thái độ ung dung. Tôi gọi một cái tên. Người thanh niên quay lại. Đó là cậu út, hắn nhận ra tôi ngay.
– Anh…
– Phải, tôi đây.
Bỏ mặc người viết sách, cậu út tiến lại phía tôi. Nụ cười thật hồn nhiên trên môi. Khuôn mặt đã không còn nếp nhăn với đôi mắt tự tin. Đột nhiên tôi liên tưởng đến những chuyện đã được nghe về trại tù, rồi hình ảnh hố đạn pháo cạnh sông Ba trở về.
– Sau đêm đó cậu đi đâu? Đêm ở sông Ba đó…
– Anh nhớ dai thật.
Hắn cười hồn nhiên.
– Em không ngủ được, đầu óc nghĩ những chuyện đâu đâu, chỉ muốn tự tử bởi lúc đó em chẳng biết sẽ về đâu… Sau cùng, tự nhiên em đi ngược về liên tỉnh lộ 7B. Em cũng không hiểu tại sao lại quay về hướng cũ. Rồi bị bắt, sau mấy năm tù em trốn về được. Lại thêm mấy năm lang thang, làm đủ thứ nghề ở Sàigòn. Bây giờ em ở đây, như anh thấy.
– Cậu sang đây một mình?
– Vâng, nhà chả còn ai. Bố em mất, mẹ em thì già, anh chị cả đống con cái… Em đi một mình, hiện đi học buổi sáng, chiều làm ở đây.
Hắn kể chuyện của mình thản nhiên như mọi việc xảy ra là điều tất nhiên. Ngay cả chuyện tù, bị bắt, cha chết… Chỉ nhắc thoáng qua, không lộ vẻ cảm xúc nào. Và tương lai như đã vạch sẵn, chỉ bước tới. “Đi học buổi sáng, đi làm buổi chiều tại đây”. Thoải mái, tự nhiên hành động như ngày xưa chiến đấu và phá phách. Tin vào chính việc mình làm, con người cậu út vẫn không đổi. Người chết mười ba năm vừa sống lại. Tôi chăm chăm nhìn hắn. Mắt vẫn sáng và đang nhìn thẳng vào mắt tôi.
– Chuyện lúc nãy có thể khó khăn cho công việc của cậu.
– Tại sao lại khó khăn? Em làm đúng việc của mình, mấy cái râu ria em đâu màng. Không nhận thì không làm, nhận thì làm rõ ràng…
– Cậu vẫn thế.
– Làm sao thay đổi được hả anh.
– Ngay cả lối nói chuyện.
– Vâng, ngay cả lối nói chuyện.
Cậu út nhắc lại và chúng tôi cùng bật cười. Phía góc phòng, người viết sách ngạc nhiên theo dõi. Gã sẽ mãi mãi ngạc nhiên bởi đã có cuộc sống của một con người hoàn toàn khác hẳn những trang sách đã viết. Của gã và ngay cả không của gã. Cuộc sống của người lính bình thường mang tên cậu út. Hệt như trăm ngàn người lính khác đã bước ra những ngoài dòng kẻ của trang giấy. Để sống và đã sống.

Nguyễn Ý Thuần




– Đăng tại tạp chí Nhân Văn số 57 tháng 8 năm 1988, Bắc California
– In trong tập truyện ngắn “Tối Tháng Năm Tại Quán Ăn Đường Fifth, Nhà Xuất Bản Văn Nghệ 1989


 

 

 

 

 










.