Apollo / David


Truyện ngắn Nguyễn Ý Thuần

“Bộ đội Hưng” là tên tôi gọi người đàn ông có giấc mơ trở thành một thứ Van Gogh tại Mỹ.
– Em đi theo diện ODP với gia đình. Bố là sĩ quan đi trước.
Ngay câu đầu tôi đã thấy lời không thật. Nhưng có gì quan trọng? Giữa chúng tôi chẳng chút liên hệ. Tiền bạc? Không. Liên hệ gia đình? Không. Tình cảm? Cũng không. Chỉ là hai người hàng xóm thỉnh thoảng gặp, trao đổi dăm chuyện. Thoảng có dư thời gian cũng chỉ tâm sự vớ vẩn. Tại sao phải dùng đến lời nói mất lòng.
– Mình sang trước theo diện thuyền nhân.
Tôi đùa bằng lối dùng chữ của Hưng. Anh không nhận ra, vẫn vui vẻ.
– Cả ông anh, bà chị đi bằng thuyền một lần?
Tôi thôi đùa. Tội nghiệp Hưng không thấy cái nghịch ngầm của người khác. Người đàn ông lớn lên tại một tỉnh nhỏ miền Bắc chưa sắm nổi vai trò của người miền Nam. Chỉ cần gặp lần đầu, nếu tinh ý, ai cũng có thể nhận ra vẻ lạc lõng của người nghệ sĩ này. Đi đôi với cách nói là thái độ của Hưng khi gặp người chung quanh. Khoảng cách vẫn còn lúc tiếp xúc với người đã tham dự vào chính quyền hay quân đội miền Nam. Mặc cảm khi gặp người sang trước. Sự thèm thuồng cuộc sống hợp pháp tại Mỹ… Tất cả đã tạo cho Hưng một nhân dáng khác với vai đang sắm. Tôi cố cư xử với Hưng bằng sự gần gũi, thân mật để tạo nên thứ tình cảm giữa hai người xa xứ
Thật sự, đôi lúc tôi tự hỏi thân với Hưng để làm gì? Nhưng chưa bao giờ tìm được câu trả lời. Hầu hết những lý do đưa ra khi kết bạn đều không có. Thành thật? Hưng dối như cuội khi nói về bản thân và gia đình. Giúp đỡ? Tôi chẳng có gì cần. An ủi? Vợ chồng tôi vẫn hạnh phúc. Tâm sự? Tôi bắt đầu già và chỉ thích uống bia một mình… Đó là phần tôi. Còn phần Hưng cũng không có lý do để gần tôi. Tôi ích kỷ, nghĩ đến mình nhiều hơn người khác. Lũ em gái của tôi ở Mỹ đều có gia đình, đâu còn dư để Hưng tòm tèm… Nhiều lý do khác cũng được tôi đặt ra từ hai phía nhưng vẫn không tìm thấy câu trả lời. Đành tạm nhận điều đã nói là tình cảm của hai người xa xứ. Một lý do rất mong manh vì chung quanh – chỉ riêng San Jose – đã có chừng một trăm ngàn người Việt khác cùng xa xứ, nhưng tôi có thân với ai đâu? Nhưng thôi, dù mong manh vẫn là cái cớ để lý giải còn hơn lúc nào cũng tự hỏi tại sao về một chuyện đã có.

Đường Về

Truyện ngắn Nguyễn Ý Thuần

Tôi khóa cửa tòa soạn. Bên trong, lũ bàn, ghế, giấy, bút ngổn ngang đã là thế giới khác. Tôi bước ra từ cửa một cuộc sống để đến một cuộc sống. Con đường William trước mặt. Tám đoạn đường cắt ngang. Từ đường Second đến Ninth là bốn lần đèn xanh, đỏ và bốn lần bảng stop. Tôi bắt đầu từ một cầu thang để đi xuống. Tôi chấm dứt bằng một cầu thang để đi lên. Tòa soạn và khu chúng cư. Khoảng giữa là một thế giới khác, một cuộc sống khác. Thế giới William và cuộc sống William.
Đôi dép nhật màu xanh, mòn gót phải đem từ Santa Ana lên vẫn được mang. Chẳng cần bỏ hay đổi. Tại sao phải là đôi giày da? Tại sao phải là áo vest với đuôi cà vạt lụa? Con đường William vẫn thiếu ánh điện trên vài đoạn đường và gái giang hồ, những thằng say còn tụm trên hè phố. Đôi giày da và bộ vest sẽ làm tôi mất một thế giới đang lồng trong thế giới hàng ngày. Tôi ngột ngạt và cần thở. Đâu có con điếm nào mặc áo dạ hội đứng đường đón khách, cũng đâu có thằng bụi đời nào thắt cà-vạt, ngồi bệt giữa đường tu rượu. Tại sao tôi phải vất đôi dép chưa đứt quai để thay bằng đôi giày da đi trên con đường này. Hơn nữa tôi đang cần một cuộc sống khác. Tôi cần. Tôi đang cần. Như đôi dép đang cần chạm vào mặt đường để đôi dép được là đôi dép. Không mang trong chân, hay gói trong bọc để ở một cửa hàng nào đó, hay đặt trên mặt thảm, hay vất vào thùng rác, hay… thì sẽ là cái gì? Đâu còn là đôi dép. Mớ cao su từ đâu đến, trộn màu xanh cùng những hóa chất nào đó được nấu, được đổ vào khuôn, được cắt thành hình. Rồi chờ chạm vào cuộc sống. Bao nhiêu đôi? Làm sao tôi biết được? Một triệu, hai chục triệu, ba trăm triệu, bốn tỷ…? Những con số để đếm. Những đôi dép giống nhau và khác nhau. Mà cần gì phải biết khi tôi hiểu đôi dép nhật của tôi đang sống trong khi còn nhiều đôi dép trong bọc không được sống. Dù cuộc sống chỉ là con đường William đầy gái điếm và những thằng bụi đời say rượu.

trung thu đi thắp hương cho mẹ tại chùa an lạc


trăng
mùa trăng rất lạ tại đây
        đèn đường
    lấp
ánh nến bầy trẻ thơ
vàng, xanh, đỏ, tím lập lờ
trăng trên cao đó sao chưa thấy về
  
rước đèn
vòng quanh chỉ một khoảng sân
rắn
rồng
uốn éo một lần một năm
ông địa đạp phải chân lân
    ngả
        nghiêng
lũ trẻ nằm lăn ra cười

Thư Có Người Nhận

Truyện ngắn Nguyễn Ý Thuần

Bạn cũ,
Nước Mỹ này không như đã nghĩ, điều này thật đáng buồn khi tìm thấy, và buồn hơn khi mày tìm thấy sau thời gian đến đây quá ngắn. Sự phũ phàng này, từ nơi chốn tìm đến, dành cho những con người bỏ hết để đi đã nhiều người không nhận thấy, dù họ đến trong đợt sóng tị nạn đầu tiên. Họ lẫn lộn, chìm khuất và biến mình vào bộ máy xay thịt vĩ đại của xứ sở văn minh. Quên, quên hết để làm một miếng hambuger da vàng và có thể không tìm thấy điều mất hạnh phúc như chúng ta vừa nhắc. Dù sao cũng là một cách sống. Đúng hay sai chỉ khác nhau trong cái nhìn. Mà, lằn ranh của của cái nhìn này mỏng như không có. Tao hiểu điều mày viết trong thư. Lá thư viết sau hơn mười năm. Lá thư viết để đỡ tốn tiền điện thoại. Nhận, tao nhớ ngày mỗi đứa đóng tại một quân khu, mình đã viết cho nhau sau các lá thư viết về gia đình hay cho một người con gái nào đó. Bây giờ được lập lại từ hai tiểu bang của xứ lạ nhưng những điều viết đã khác. Đọc thư, tao tìm thấy điều chúng ta thường quên. Đó là thời gian.
Hơn mười năm không gặp. Câu nói ngắn nhưng biết bao thay đổi. Bức ảnh chụp một con người còm cõi, mệt mỏi mang tên mày không đủ để tao hình dung một thằng bạn cũ. Ánh mắt đục và buồn hơn nỗi buồn. Hẳn đuối lắm phải không? Tuổi bốn mươi đến trong lạc lõng khi bắt đầu lại bằng con số không tàn nhẫn với đủ điều trần trụi. Ngay cả nơi chốn và ngôn ngữ. Một cuộc sống được tái sinh vào cái tuổi trễ tràng. Bốn mươi, “Tứ Thập Nhi Bất Hoặc”. Mẹ kiếp! Hoặc thế nào được khi cuộc đời chỉ bắt đầu bằng hai chữ ”yes, no”? Cái trần trụi còn bi thảm hơn một đứa bé vừa sinh ra. Và mày, dù đã có bốn mươi năm sống nhưng cũng chỉ còn dĩ vãng. Chỉ còn thế. Và bởi thế phải không?
Vậy, hôm nay bọn mình cho nhau điều gì? An ủi? Vài lời chỉ dẫn của người đến trước? Một ngân phiếu có tiền bảo chứng? Lý tưởng? Hay cái gì? Tao không biết bắt đâu từ đâu, và như thế nào. Vì chính tao, ngoài những điều căn bản về vật chất để tạm sống nơi này, cũng chỉ là một đứa bé hơi trần trụi. Nghĩa là hơn mày một chút. Nhưng cái “một chút” đó thành vô nghĩa khi mình vừa nhắc đến “nước Mỹ này không như đã nghĩ“.

Người Ôm Bóng Núi

Truyện ngắn

Bạn tôi là người mơ mộng. Từ thủa bé, chúng tôi đã bực mình vì những giấc mơ của Thiệt. Luôn luôn Thiệt tách khỏi bạn bè, cố đặt mình vào chỗ  khác hoặc, tệ hơn, những điều nó muốn thường vượt khả năng, biến thành mối phiền cho mọi người và ngay chính nó. Tất cả hành động của Thiệt thường gây trở ngại, làm rối bung, hỏng mọi chuyện. To con chưa hẳn là lý tưởng cho các môn thể thao. Cứ nhìn cảnh Thiệt ì ạch chạy theo bóng trong trận cầu, hay lúng túng chụm hai tay chờ một cú đập lúc chơi bóng chuyền là đủ thấy vụng. Bạn tôi lại thừa hơn trong ban báo chí khi thiếu khả năng nhưng thích làm theo ý mình. Dù chỉ là bích báo, nhưng Thiệt cũng chen vào sửa bài và lỗi chính tả dù các bài luận văn của nó luôn khiêm tốn, nhận điểm dưới trung bình với cơn ác mộng thường xuyên là hai dấu hỏi ngã. Đến độ thầy Hải – vị giáo sư dạy Việt Văn – phải nói vào năm đệ tứ.
- Thiệt à, khi làm luận văn hay viết, nếu em nghĩ đó là dấu hỏi thì hãy bỏ dấu ngã và ngược lại.
Chưa hết. Bạn tôi còn nổi bật khi vào ban văn nghệ. Ngày tổng dợt, sau khi học thuộc bài bản, Thiệt bước ra sân khấu trong vai anh hùng Nguyễn Trung Trực. Mọi màn đều suôn sẻ cho đến cảnh chót, thay vì bị bắt, bạn tôi đã hiên ngang rút gươm đâm chết quân Pháp.
- Cần gì phải chịu thua. Trước sau cũng chết sao không đánh đến chết?

Người Lính Còn Lại

Truyện ngắn Nguyễn Ý Thuần
 
Tôi là con út của một gia đình có ba mươi bốn đứa con nhưng lại là anh của hai mươi chín em vừa trai, vừa gái. Hơi rắc rối đấy nhé. Cần giải thích rõ hơn kẻo có sự lầm lẫn giữa người đọc và người viết, như việc lầm lẫn thường xảy ra giữa bố tôi và bầy con, khi gọi tên từng đứa.
Bố tôi là một người đàn ông đào hoa. Ngoài sáu bà vợ sống chung một nhà, ông còn khoảng (theo lời ông kể lúc vui chuyện) hơn chục bà nhân tình. Nghĩa là con số hơn chục bà nhân tình có thể hơn. Vì, như đã nói, đó chỉ là những bà ông kể lúc vui chuyện, còn lúc buồn chuyện thì chưa. Điều này còn có nghĩa ngoài số ba mươi bốn anh, chị, em tôi thuộc sáu dòng được công nhận, dám bọn tôi còn chừng ba mươi bốn hay nhiều hơn, hay ít hơn anh, chị, em nữa mà chưa nhận ra nhau. Và, sự rắc rối có từ ông bố đào hoa ảnh hưởng đến việc gây dựng vợ chồng cho đến đời cháu tôi mới dứt. Để tránh người cùng họ lấy lẫn nhau mà. Nhưng thôi! Đó là việc sau này, còn hiện tại ba mươi bốn anh em tôi đều ngán ngẩm “áp dụng” qui luật của bố tôi đặt ra: trước khi yêu ai, lấy ai phải xem kỹ có phải là một trong những đứa con bị ông bỏ quên không. Để yên tâm, bọn tôi thường những người cùng họ nên đám con dâu, con rể của bố tôi đều mang họ khác. Phạm, Lê, Trần, Lý, Quách v.v… Còn tôi? Mãi đến nay vẫn còn độc thân bởi tất cả những cô gái tôi gặp đều toàn họ Nguyễn!

Tật Nguyền

Truyện ngắn Nguyễn Ý Thuần

Vũ bắt đầu mang tật từ năm đệ tam. Sau một cơn bệnh, chân trái không còn phát triển như chân phải. Sự mất cân xứng làm thân thể nó lệch hẳn. Đã vậy, chân phải như được hưởng phần dư thừa của sự dinh dưỡng dành của chân trái nên to khác thường. Bắp chân phải mập, núng nính nọng thịt, mỡ đứng cạnh chân trái khẳng khiu như anh ba tàu nhà giàu đứng cạnh đứa bé bị còi. Cứ thế, việc đi lại ngày càng khó, cho đến năm đệ nhị Vũ phải dùng nạng chống.
Dù gia đình sống chật vật, ba má Vũ vẫn gắng chữa cho con. Nhưng các bác sĩ đều lắc đầu, cuối cùng Vũ đành chấp nhận sự bất công dành cho mình, được biểu hiện trên thân thể bằng hai cây nạng chống để đi vào đời. Ban đầu Vũ rất buồn và mang mặc cảm khi đứng cạnh bạn bè nhưng thời gian này khá ngắn, chỉ độ vài tháng rồi được thay bằng thái độ tự nhiên. Vũ đến trường như ngày chưa mang nạng chống, không ngại ngùng hay mặc cảm. Khoảng cách giữa Vũ với mọi người mất dần. Hình ảnh Vũ và hai cây nạng chống thành quen, không ai còn ánh mắt ái ngại dành cho thằng bạn không may. Vũ vui vẻ sinh hoạt, học hành, đùa giỡn với bạn bè. Ngay cả những cuộc tranh tài thể thao Vũ cũng là người cổ võ nhiều nhất. Vui buồn tùy theo số điểm thắng, thua của đội nhà, nồng nhiệt như chính mình đang tham dự. Dần dà, đôi nạng chống trở thành một phần thân thể của nó. Tự nhiên như mọc thêm hai chân gỗ. Đã có lần tôi gặp Vũ mân mê tay cầm bóng loáng một cách yêu thích như tách rời cặp nạng thì nó không còn là nó nữa.
Chúng tôi chơi với nhau từ năm đệ thất. Tuổi mười một với nhũng trò nghịch “ăn rơ” đã làm hai đứa thân nhanh. Trong sự bỡ ngỡ của những học sinh tiểu học vừa lên trung học, ngôi trường mới với khoảng sân rộng thênh thang làm tôi và Vũ cảm thấy lạc lõng. Có thêm một thằng bạn cũng đỡ lắm chứ? Nhất là cùng sở thích đùa nghịch. Bọn tôi chia nhau từ đĩa đu đủ bò khô, ly chè đậu đỏ cho đến những bài tập toán và Anh Văn. Không gian thu lại trong tình bạn từ những năm đầu trung học. Hết năm đệ tứ, việc chọn ban để học cũng là quyết định chung của cả hai. Bởi vậy, khi Vũ bị bịnh, mang tật, chính tôi lại là người buồn hơn. Đến độ, Vũ phải nói.

Điểm Nối

Truyện ngắn Nguyễn Ý Thuần.
 
“Vậy là đủ, thôi tôi về.” Ông Trị ngồi yên nhìn người bạn cũ bước ra cửa. Gió tháng ba với cơn mưa đột ngột của San Jose hắt hơi lạnh vào nhà. Tất cả đều không như ông nghĩ khi bắt đầu nộp đơn xin xuất cảnh. Đó là lần thứ tư họ gặp nhau, sau hơn một năm ông Trị đến Mỹ.
Qua khe hở của tấm mành nhựa che cửa sổ, những ánh đèn đủ màu từ dãy thương xá phía đối diện hắt vào nhấp nháy, rơi trên mặt thảm chuỗi hình ảnh méo mó. Cảnh sang trọng của căn phòng vẫn xa lạ với ông. Hơn một năm với các lần háo hức gặp người này, kẻ nọ cũng là hơn năm thất vọng. Bạn bè, thân nhân, người cùng cảnh ngộ… tưởng như ai cũng khoác lên người một lớp vỏ nào đó. Ngay cả những người gần gũi nhất.
Từ phía phòng ngủ có tiếng cửa mở. Ông Trị xoay lại, dõi theo ánh vàng nhạt bám trên thảm đang tỏa lớn rồi ngước lên. Người đàn bà thật thân quen và cũng thật xa lạ hiện trước mặt.
Bà Trị lặng lẽ nhìn chồng. Hai ánh mắt gặp nhau. Lạnh như đã lạnh. Khoảng cách từ cánh cửa đến chiếc bàn xa hơn khoảng cách từ những trại tù đến đây. Ông Trị nén tiếng thở dài, giọng nhỏ. “Chưa ngủ sao em?” Một cái lắc đầu được làm trước câu hỏi. “Anh Tuấn đã về?” Một cái gật đầu thay câu trả lời. Rồi cả hai lại im lặng khi ánh mắt vẫn không rời nhau. Trong dáng ngồi thu mình, lọt thỏm trong lòng ghế, ông Trị trông ủ rũ, tội nghiệp nhưng bà Trị chỉ thấy chán chường và khó chịu. Mười mấy năm chờ đợi với những khát khao, réo mời, đã bao lần bà đã cố nén để chờ ngày gặp lại. Nhưng chỉ gặp thất vọng.

Cậu Út

Truyện ngắn Nguyễn Ý Thuần

Tôi bắt đầu khó chịu khi gặp hắn trước lần hẹn thứ ba. Vẫn bộ quần áo vàng dành cho sinh viên sĩ quan lúc đi phép, hắn thản nhiên ngồi tại câu lạc bộ sĩ quan. Chung quanh, mọi người đều mặc đồ trận, kể cả những sĩ quan trẻ ngồi cùng bàn với hắn. Trừ bộ quần áo khác người, còn lại từ thái độ đến cung cách ăn nói của hắn không có gì khác lạ. Nâng ly bia, cụng ly, uống một hơi dài. Rồi cười nói, vung tay, xoãi chân như việc hắn có mặt tại đây trong bộ quần áo vàng là điều tự nhiên. Bất cần thiên hạ với những cái nhìn kỳ cục ném về. Kể cả tôi, tiểu đoàn trưởng của tiểu đoàn hắn phải trình diện.
Một vài cái nhìn của đám sĩ quan trẻ ngồi cùng bàn với hắn hướng về khi tôi ngồi xuống. Những cái cười, cái gật đầu được làm. Tôi gật đầu đáp lễ. Hắn cầm ly bia lên uống một hơi dài. Đám sĩ quan trẻ cùng bàn thì thầm với hắn. Hẳn đang nói về tôi. Đột nhiên tôi có ý nghĩ theo dõi thái độ hắn – sau khi đã biết tôi sẽ là tiểu đoàn trưởng của hắn – thì thế nào. Ngạc nhiên? Bối rối? Rồi sẽ làm một cái chào làm quen đầy ngượng ngùng như hầu hết các sĩ quan vừa ra trường về trình diện đơn vị. Nhưng không, mọi suy đoán của tôi đều sai. Chỉ thấy sau các câu thì thầm của những người ngồi cùng bàn là cái gật đầu hờ hững của hắn. Lại thêm một câu nói của người ngồi bên trái hắn. Lần này tôi cảm thấy khó chịu vì bắt gặp cái nhún vai của hắn.
Nén bực bội, tôi quay sang hướng khác. Thái độ dửng dưng và cái nhún vai của hắn vẫn đeo đuổi tôi. Cảm giác khó chịu mỗi lúc mỗi tăng khi tiếng cười nói của bàn hắn vang đến. Cuối cùng là tự ái bùng lên với ý nghĩ bị coi thường. Dù sao hắn cũng chỉ là một sĩ quan thuộc cấp, không thể có hành động như thế được.

Tối Tháng Năm Tại Quán Ăn Đường Fifth


tặng Cao xuân Huy

– Hình ảnh cuối của tao về cuộc chiến là cái xác cụt đầu nằm vắt ngang bờ ruộng. Hai bàn chân trắng bệch gác lên mặt đường.
– Của…
– Chẳng biết của ai. Vỏn vẹn một cái quần đùi với những vệt máu đặc bám quanh cổ.
Họ nhìn nhau rồi cùng quay sang hướng khác. Người có râu xoa cằm. Những sợi râu xoắn lại làm vệt bọt bia bám trên mép loang xuống, lấp lánh ánh đèn hắt vào. Ðám râu như khuyết một lỗ.
– Thảo nào…
– Thảo nào cái gì?
– Ít khi nghe mày kể chuyện lính.
Người không râu không trả lời. Khuôn mặt trắng xanh có đôi lông mày rậm, giao nhau giữa trán. Trừ đôi lông mày, hắn trông hiền như người chỉ biết bốn bức tường và các dụng cụ văn phòng. Hắn bưng ly bia lên uống cạn, buông một tiếng “khà” khoan khoái khi nhìn qua khung cửa kính. Bên kia đường là bãi đất trống cạnh con đường nhỏ, sâu, yên tĩnh với hai hàng cột điện sáng vàng vọt. Một vài chiếc xe vụt qua, ánh đèn loé lên rồi tắt như chưa từng có.
Từ ngã tư, đèn đường thay từng lúc hắt lên mặt người có râu những vệt màu. Hung hãn đỏ. Mệt mỏi xanh. Rồi màu da hòa vào vàng. Khuôn mặt biến theo nhịp đèn, chỉ còn đám râu với vệt bia bẩn không đổi. Ðôi mắt hắn nheo lại, những nếp nhăn nổi lên.

nhắc nhau một thủa ấu thời

Thơ Nguyễn Ý Thuần

ô quan
kẻ ô đếm sỏi trao nhau
thả ao cá thử ai giàu hơn ai
mười năm đời bỗng chia hai
vạch ranh ngày cũ chẳng phai trong hồn

lò cò
bẹt, cò nghiêng ngả chân son
tranh nhà, chia đất cũng hòn gạch thôi
hôm nay gặp giữa chợ đời
sao chia cay đắng trên lời chào nhau

Đứa Em Hạnh Phúc

Truyện ngắn Nguyễn Ý Thuần

Cho đến lúc gặp lại tôi sau tám năm, Chi vẫn chưa lấy chồng. Em tôi vẫn đẹp, dễ thương như ngày còn ở gia đình nhưng phong thái của một thiếu nữ trưởng thành hiện rõ. Nụ cười vẫn tươi nhưng từ tốn hơn. Mắt chưa mất nét long lanh nghịch ngợm nhưng thêm ánh độ lượng. Đôi mắt em tôi giống hệt mắt bố tôi lúc còn sống.
— Mày năm nay bao nhiêu rồi Chi?
— Hai mươi sáu. Anh hỏi làm gì?
— Sao không chịu lấy chồng?
— Anh năm nay bao nhiêu?
Tôi nhún vai trước nụ cười của Chi.
— Đàn ông con trai thì không sợ nhưng con gái coi chừng đấy.
— Em đâu có ngán.
Chi bắt chước tôi làm một cái nhún vai bất cần. Nhìn đứa em thứ mười bốn của gia đình trong phong thái chững chạc, lớn khôn bất giác tôi bàng hoàng. Mới ngày nào Chi còn bé, suốt ngày lăng xăng trong nhà, lẫn vào các anh em khác như một viên gạch được xây trong bức tường, bám chung vào vôi vữa cùng các viên gạch khác, tưởng nếu bị tách lìa thì khó lòng đứng vững. Vậy mà hôm nay, em tôi đã tự bắt đầu cuộc sống nơi xứ lạ. Một cuộc sống đủ để gia đình tôi yên tâm vì đứa con gái lưu lạc từ tấm bé.

Người Đàn Ông Chủ Nhật


Truyện ngắn Nguyễn Ý Thuần

Hắn nằm trên nệm ghế. Hơi thở dồn với vệt rãi bám trên mép trông như đứa trẻ trong giấc ngủ. Ví von thế cũng gượng khi nhìn hắn. Vạm vỡ, mạnh, nồng mồ hôi và bừng chất đàn ông làm giống cái phải thèm. Nhưng tôi vẫn nghĩ là một đứa bé để được an tâm qua sự quan hệ không bình thường. Thân như vợ chồng nhưng cũng lạ như hai người chưa lần gặp.
Đến giờ tôi vẫn chưa biết tên thật của hắn. Ngày theo ngày, hắn mang những cái tên mới. Lúc thì Minh. Lúc thì Huy. Lúc thì Trường… Mỗi tên mang một nhân cách và tên tôi cũng đổi. Dung. Hà. Jeanne, Mary…   Quá nhiều tên được gọi và dùng tôi không thể nhớ hắn đã mang tên gì và mình là ai. Chúng tôi lẫn vào những người lạ. Nhưng dù tên gì hay là ai, tôi luôn được đón và nhận những điều tưởng không thể có.

Tôi không đẹp. Điều này tôi biết từ ngày vừa lớn. Thứ nhan sắc trung bình của đứa con gái nhà nghèo chỉ cho tôi giấc mơ bình thường như lấy chồng, đẻ con, nấu nướng, may vá, làm việc vặt trong bốn bức vách gỗ. Chỉ vách gỗ chứ không dám nghĩ đến bốn miếng tường tô vôi vữa nên tôi đã sống lặng lẽ cho đến ngày Vị chết.
Sau hơn hai mươi năm, tôi chỉ còn các nếp nhăn, các đụn mỡ dư, không cần thiết cho lần hồi xuân. Số vốn nhỏ vơi hẳn sau đám táng Vị. Người chồng đi mang gần hết những gì mang lại để tôi ngơ ngác khi ba đứa con về với gia đình riêng ở ba thành phố khác. Căn chúng cư một phòng vắng hơn khi tôi bắt đầu sống một mình.

Đêm Biển Chia Đôi


Truyện ngắn Nguyễn Ý Thuần

Họ ngồi trên một bệ xi măng, sát con đường Duy Tân chạy dọc theo bờ biển. Trước mặt là bãi cát trải dài xuống mặt nước đang có từng cơn sóng phẫn nộ của tháng chạp. Gió lạnh, gắt thổi từng cơn nhanh và mạnh. Mùa đông Nha Trang không đổi.
Ông Phục lấy một điếu thuốc, gắn lên môi rồi cúi xuống, áp mặt vào vạt áo khoác để bật lửa. Ánh sáng từ đầu que diêm bùng lên được giữ khéo léo, che chiều gió. Điếu thuốc được đốt. Ông Phục đưa gói thuốc cho con.
– Con cảm ơn Bố.
Thành đón lấy gói thuốc, lập lại các động tác móc thuốc, rút thuốc, gắn lên môi giống ông Phục đã làm nhưng điếu thuốc được châm bằng ngọn lửa ga nhỏ và mạnh. Trong đêm, hai đốm lửa lóe cháy, lập lòe theo từng hơi thuốc. Lần nói chuyện của hai người đã vào khúc quanh ngượng ngập. Hai điếu thuốc được đốt như hành động khỏa lấp những điều họ không muốn nhắc lại.
Hết điếu thuốc, ông Phục thả mẩu tàn xuống đất, dụi kỹ trên thềm xi măng nhám. Thành nhìn quanh tìm cái gạt tàn hoặc thùng rác nhưng không thấy. Anh chép miệng, búng mẩu thuốc còn lại ra xa. Vệt lửa bay cong trên không hơn nửa vòng rồi bị gió tạt xuống mặt cát.
– Bố không biết nói gì hơn.

Sơ Nét

Nguyễn Ý Thuần: Sinh tại Hà Nội, lớn lên tại Nha Trang.
Trước 30 tháng tư 1975:
– Đi tu
– Đi học
– Đi lính
Sau 30 tháng tư 1975:
– Đi tù
– Đi vượt biên
– Đi Mỹ
– Đi làm
Hiện tại:
– Về hưu
Bắt đầu viết từ năm 1985 trên Làng Văn, Văn Học, Nhân Văn, Ngày Nay, Thế Kỷ 21, Hợp Lưu, Văn Uyển, Hoa Sen, Người Việt, Người Việt Tự Do, Người Việt Bắc Cali, Bán Nguyệt San Tự Do, Galang v.v…
Sách đã in:
Tối Tháng Năm Tại Quán Ăn Đường Fifth: Truyện ngắn, Văn Nghệ xuất bản năm 1989.
Sợi Chỉ Trong Hồn: Truyện dài, Thời Văn xuất bản năm 1990
Người Lính Còn Lại: Truyện ngắn, Nhân Văn xuất bản năm 1991
Ở Chốn Không Quen: Truyện ngắn, Thời Văn xuất bản năm 1993.








Sợi Chỉ Trong Hồn, truyện dài

Truyện dài do Thời Văn xuất bản năm 1990
Bìa Tường Anh

323 trang – 14 chương – Giá bán 13 mỹ kim

Ở Chốn Không Quen, tập truyện ngắn

Tuyển tập truyện ngắn do Thời Văn xuất bản năm 1993
Bìa Khánh Trường
Gồm 9 truyện ngắn – Giá bán 10 mỹ kim

Đường Về trang 9 / Hai Chiều Đường Thẳng trang 29 / Điểm Nối trang 49 / Dốc Ngược trang 65 / Chuyện Ba Người Rưỡi trang 91 / Cuối Gió Mùa Xuân trang 115 / Người Đàn Bà Cởi Truồng trang 127 / Thiếu Một Cái Hang trang 147 / Thư Có Người Nhận trang 169


Ở Chốn Không Quen.

Book reviews by Nguyễn Đình Hòa

O chon khong quen (At Unfamiliar Places) is the fifth published work by the highly productive Vietnamese refugee writer Nguyen Y-Thuan. As the title indicates, this unassuming, gentle, hardworking young writer tries, in nine short stories, to capture the sentimental outlook of displaced Vietnamese of his generation, caught in the struggle in a new land of opportunities and challenges.
Living and working in the rather seedy part of San Jose, within the “Yellow Flower Valley” where refugee-owned restaurants, food markets, bookstores, jewelry shops, and pharmacies have helped resurrect the downtown area, Nguyen describes his surroundings well: the William Street section several blocks south of East Santa Clara Street, the city’s main thoroughfare. The life of newly transplanted people revolves around a couple of Oriental grocery stores, noodle shops, and Vietnamese sandwiches, and the author depicts well the movements of bored and timid occupants of cheap housing traits who rarely venture outside their dwellings, avoiding the harmless pan-handlers, prostitutes, and drunkards who may be seen in front of the movie theater, on the senior citizens’ “way home” (“Duong ve”).
In “Hai chieu duong thing” (Two Opposite Directions) an old man learns how to take care of his grandson and watches the toddler grow up into an Americanized adolescent and gradually drift away from the ancestral culture. In “Diem noi (Junction) Mr. Tri, reunited in the U.S. with his wife after a sixteen-year separation, sees his marital relationship grow cooler by the day. But his most painful experience is his feeling of alienation and his inability to adapt to the new social milieu. Differences in language, daily habits, and hobbies contribute to the collapse of another refugee family in “Doc nguoc” (The Steep Incline”): the deaths of his two sons make the situation so intolerable that Mr. Vu, a refugee from the Highland province of Ban Me Thuot, finally walks away from the new home, despite all its material amenities, because he feels like a misfit in the adoptive country. “Cuoi gio mua xuan” (Wind-Exposed in Springtime”) is a delightful vignette on the optimism of a young couple enjoying the approach of the Lunar New Year in Westminster, California, where crowds of shoppers flock to a major Asian mall to savor succulent snacks, watch passers-by and reminisce about their now faraway native coastal city- of Nha-trang in central Vietnam.
The volume’s best-constructed pieces concern the boat people’s perilous voyage from Vietnam. “Nguoi dan ba coi truong” (The Naked Woman) is about a woman who goes berserk in a Southeast Asian camp and spends hours wandering on the beach without any clothes. Later, in asylum in the U.S., she chances to meet the painter of her nude portrait at a gallery where that very portrait is being shown. In “Thu co nguoi nhan” (The Received Letter), the single most moving piece of the entire collection, one refugee writes to another now settled in another corner of America after several years in “re-education camps” and recounts his escape from Vietnam in a flimsy boat twelve meters long and three-and-a-half meters wide. Some forty-odd fugitives spent three days and four nights on their horrendous passage before reaching international waters, where they were ignored by huge merchant ships, then ran into pirates – Vietnamese pirates – whose ringleader raped a gift and her mother, then threw away what was left of the escapees’ food, fuel, and drinking water. The eleven fishing boats that happened upon them afterward belonged to Thai nationals, whose sadism and savagery were beyond human imagination. After killing five men, they forced groups of five men to perform sex acts for them to watch. But the climax occurred when they attempted to coerce a teen-age boy into copulating with his own mother: when the youth hesitated, they kicked him overboard, whereupon the mother plunged into the waves below to join her son.
The pirates somehow escorted the small boat to the Indonesian island of Matak, but the drama did not end there; five surviving women of the group were raped one by one, this time by the camp guard, a Dutch-Indonesian metisse. Bruises, teeth marks, and scratches on these women’s bodies as a result of the man’s sadism followed them to other stops (Kuku, Galang, and also Singapore) before their resettlement in the U.S. Those same permanent wounds are reminders of the boat people’s ordeal. However, in the narrator’s words, they all have “to live, in order to find themselves, to discover themselves, through whatever they still carry, including both misery and happiness.”
Nguyen Y-Thuan’s prose, both gentle and forceful, has proven unusually successful in “At Unfamiliar Places,” a collection of stories about blood, sweat, and tears shed by unlucky creatures in unlucky times.

Dinh-Hoa Nguyen 
Southern Illinois University, Carbondale

COPYRIGHT 1995 University of Oklahoma
No portion of this article can be reproduced without the express written permission from the copyright holder.
Copyright 1995 Gale, Cengage Learning. All rights reserved.


___________________________________________________________________________________

Điểm Nối


…Lần này bàn tay phải cô gái vén váy lên và bàn tay trái kéo chiếc quần lót đỏ xuống. Dưới ánh đèn, khoảng tối hũm lộ ra. Lẫn trong gió và cơn sốt chợt bừng trong người, ông Trị dật dờ, ngửi loáng thoáng mùi mồ hôi khen khét. Người vợ. Căn nhà vùng Blossom Hills. Các điều lập lại. Tiếng thở dài. Sự bẽ bàng… Đọc tiếp...

__________________________________________________________________________________

Thư Có Người Nhận


…Những hành động, thái độ ẩn hiện qua mười con người khốn khổ. Sự khoái lạc, ham muốn chỉ là cố gắng. Cố gắng làm các động tác để sống trước sự reo hò, hối thúc, thích thú của bọn hải tặc. Những đôi mắt nhắm nghiền tránh nhìn vào đôi mắt cá ươn trên khuôn đàn bà đang cùng họ bị ép vào trò chơi đớn hèn, khổ nhục….  Đọc tiếp

___________________________________________________________________________________

Đường Về

…Dù sao tôi cũng có hạnh phúc riêng. Hạnh phúc? Mẹ kiếp, bây giờ bị thằng nào húc ẩu thì sao? Tôi sẽ bị trói giữa bốn bức tường bệnh viện. Tôi sẽ tách rời cuộc sống mà tôi đang dè xẻn. Tôi không thích thế. Nên tám mươi hay hơn tám mươi bước của mười thước rút lại. Có thể thấp hơn bốn mươi bước của mười thước. Tôi và đôi dép hối hả đến bảng stop… Đọc tiếp

___________________________________________________________________________________


Truyện ngắn chưa in sách

Truyện ngắn đã đăng báo chưa in sách


Người Ôm Bóng Núi
Apollo / David  
• Áng Mây Miền Núi
• Chiến Lễ
• Mưa Auschwizt
• Mười Lăm Năm Nhìn Lại
• Những Người Không Chịu Lớn
Người Đàn Ông Chủ Nhật
• Không Một Lối Về
• Trên Biển
• Mùa Xuân Ở Wichita
• Mưa Không Ướt Đất
• Gián Và Người
• Không Một Lối Về
• Thư Ngỏ Tỏ Tình
Đêm Biển Chia Đôi
• Ngã Tư
• Dốc Xuân





.











.

Người Lính Còn Lại / tập truyện ngắn

Tuyển tập truyện ngắn do Nhân Văn xuất bản năm 1991
Bìa Sáu Sang
238 trang – Giá bán 10 mỹ kim

 Người Lính Còn Lại  trang 11 / Đứa Em Hạnh Phúc trang 37 / Người Mang Máu Đen trang 61 / Như Diều Đứt Dây  trang 77 / Đất Và Người trang 117 / Hạt Giống Thui Mầm trang 135 / Một Câu Chuyện Buồn Hơn Chuyện Buồn trang 161 / Ý Nghĩ Mùa Xuân trang 185 / Vẫn Cao Hơn Núi  trang 209





Thượng Văn viết về Người Lính Còn Lại

Bằng ngôn ngữ của chính tác giả, tập truyện này là một tập hợp của nhiều mẩu đời. Biết thế người đọc sẽ kém ngạc nhiên khi bị ném tung vào cái thế giới biến động, xô bồ, hỗn loạn và bi kịch do ông tạo ra. Tập truyện mang đến trước chúng ta cái chiều dài hun hút của cuộc đời, những thăng trầm, dâu biển không thể thiếu, những nghiệp chướng, oan khiên trùng trùng… Ở đâu đó trong mỗi truyện, mỗi cuộc đời, là cái dấu ấn lồ lộ của thời cuộc đã đưa đẩy từng nhân vật của chúng ta vào chốn luyện ngục của Dante, đã đặt con người trong những thử thách luôn luôn vượt quá sức người, những con người bình thường, nhỏ bé như Từ An (Hạt giống thui mầm), như Kim Chi (Đứa em hạnh phúc) và… như chúng ta. Thời cuộc đã đặt con người trong tư thế phải đương đầu với mọi bất trắc, trở lực, mọi đe dọa, mọi âm mưu, toan tính từ muôn phía, trong cô đơn. Bi kịch dường như không thể tách rời khỏi sự cô đơn của con người trong hành trình đời sống. Cuộc chiến đấu lớn sau 75 ở Việt Nam không ở ngoài nỗi cô đơn tịch mịch của mỗi số phận người.
“Người lính còn lại” mang đến chúng ta những hệ lụy đời người được đo lường bằng cả khối lượng quá khứ nặng trĩu, đầy ắp. Người ta có thể cảm nhận được cái sức nặng của quá khứ ấy trên đôi vai từng nhân vật được tác giả tạo dựng. Nhưng cũng chính ở đây sự khác biệt được nhìn thấy. Cuộc đời ở đây không đao to búa lớn, không kêu gào, không màu mè, làm dáng. Đó là những chiếc bóng qua đường, lặng thinh, lầm lủi. Ngay cả cái ý thức lóe sáng đóng vai trò kể chuyện trong nhân vật xưng ”tôi” (trong Người lính còn lại, Hạt giống thui mầm, Như diều đứt dây, Đứa em hạnh phúc) cũng lùi lại phía sau làm một chiếc bóng khác. Tác phẩm là cái ngoảnh đầu nhìn lại phía sau, một phần đời đã sống, một quê hương đã bỏ lại. Tất cả xa hun hút, bạt ngàn nhưng cũng rất gần gũi, thân quen. Cái nhịp độ chậm rãi, bùi ngùi của từng câu chuyện kể không phải chỉ có ở thì quá khứ, nó xảy ra ở cả hiện tại (Một câu chuyện buồn hơn chuyện buồn, Đất và người). Người ta sống bởi vì không có lựa chọn nào khác ngoại trừ lựa chọn không đánh mất chính mình.
“Người lính còn lại” đã không ngừng lại ở cái chiều dài bề mặt của đời sống. Cái đắm chìm bên dưới của đời sống đó đã mang tác phẩm tới một chiều kích khác, sâu thẳm hơn. Nó xác định con người không thể sống và suy nghĩ ở ngoài cảnh ngộ dân tộc. Sự dứt khoát đứng về một phía không hẳn chỉ vì những ràng buộc không thể cắt rời với quá khứ mà là một chọn lựa gần hơn phát xuất từ thực tế trước mắt và là một chọn lựa ở về phía đám đông lầm than, bĩ cực. Ở đâu đó Nietzsche có cho rằng không nghệ sĩ nào có thể khoan dung với thực tế. Và ở nhiều nơi khác đã có người hiểu ra rằng nghệ sĩ nên quay lưng với thực tế. ”Người lính còn lại” là tiếng nói thẳng thắn không khoan nhượng với thực tế Việt Nam cũng như không chấp nhận thái độ mặt lạ với thực tế ấy…


 ______________________________________________________________________________________

Người Lính Còn Lại

…. còn lại hai mươi lăm người gồm đàn bà và trẻ con. Những con người chưa bị ném vào đời một lần bắt đầu sống trực diện với cuộc đời đã hoàn toàn thay đổi. Và tất cả bốn mươi ba người đều không nghĩ, không hề nghĩ rằng: đó là buổi tối sum họp cuối cùng trong kiếp người họ Nguyễn….
__________________________________________________________________________

Tối Tháng Năm Tại Quán Ăn Đường Fifth, tập truyện ngắn






Tuyển tập truyện ngắn do Văn Nghệ xuất bản năm 1988

221 trang – Giá bán 10 mỹ kim

Số Độc Đắc trang 17 / Mùa Xuân Về Cội trang 37 /  Điều Còn Lại trang 53 / Rồi Cũng Yêu Nhau trang 67 / Cậu Út trang 91 / Tìm Lại Trái Tim trang 109 / Qủa Tang trang 127 / Hạnh Phúc Cuối Cùng trang 141 / Nửa Đêm  trang 161 / Tật Nguyền trang 175 / Tối Tháng Năm Tại Quán Ăn Đường Fifth  trang 197 / Cuối Năm trang 211





 Nguyễn Mộng Giác
Nghĩ Về Truyện Nguyễn Ý  Thuần

…. Rút chân ra khỏi cái phức tạp của đời sống? Thoát ra ngoài các hệ lụy của lịch sử dân tộc? Gác bỏ được những phiền toái nhục nhã của cơm áo? Dày lên trên những yêu ghét thị phi? Người cầm bút đâu phải là những kẻ được trời ưu đãi sinh ra trong nhung lụa và đời chỉ toàn gấm hoa. Ngược lại, như người thợ mỏ đi tìm kim cương, họ phải sống chí tình với cuộc đời, yêu ghét đến tận cùng sự sống, quay cuồng điên đảo theo vận mệnh của dân tộc. Dù họ có muốn, không bao giờ quy ước luật lệ xã hội dành cho họ ưu đãi nào. Nhân sinh là đêm, họ phải sống cùng đồng bào họ cuộc sống mù lòa. Đất nước may mắn có một đêm trăng sáng, họ hớn hở reo cười theo nhịp hớn hở của người chung quanh. Chỉ có một điều khác, là trong lúc sống tận cùng và chí tình, người nghệ sĩ không ngừng thao thức, phản tỉnh, tìm ra cái cốt tủy của mớ bòng bong hiện tượng, tìm ra thứ ”ánh sáng muôn năm” của một tối trăng.
Đó là một công việc nhọc nhằn. Sống cho đủ đã khó. Vừa sống cuộc đời này, lại vừa tự tách mình ra ngoài dòng để nhìn bao quát sự sống, sự phân thân đau đớn luôn luôn là cái giá phải trả để có được những viên kim cương cho nghệ thuật. Nếu không, tất cả rồi cũng như ”ánh sáng đêm nay sẽ tan đi”, có ”buồn thương và nhớ tiếc” bao nhiêu cũng thế thôi!
Tôi tìm thấy sự phân thân đau xót ấy khi đọc những truyện ngắn của Nguyễn Ý Thuần, nhất là truyện ”Tối tháng năm tại quán ăn đường Fifth”. Theo tôi, đây là một truyện ngắn đặc sắc, tiêu biểu cho cá tính và văn phong của Nguyễn Ý Thuần nhất. Chuyện kể thật đơn giản. Một đêm đã khuya một quán ăn gần ngã tư đèn xanh đèn đỏ. Hai người bạn, một người nguyên là trung úy Thủy Quân Lục Chiến, một người là thiếu úy Biệt Động Quân. Quá khứ của họ có nhiều điểm giống nhau. Cũng vào sinh ra tử, chết trong đường tơ kẽ tóc và sống giữa hỗn loạn máu me. Cũng ngơ ngác tủi nhục vì bị cấp lớn lo tháo chạy trước, lơ ngơ dẫn vài người lính tìm đường về nhà. Cũng tù đày, vượt ngục, vượt biên, rồi tiếp tục lơ ngơ nơi xứ lạ. Giống như Nguyễn Ý Thuần thiếu úy Biệt Động Quân và nhà văn Cao Xuân Huy trung úy Thủy Quân Lục Chiến ngoài đời, hai người lính trong truyện sống, cầm súng chiến đấu chí tình cho đến giờ tan hàng. Họ không hề là người được ưu đãi, họ nhập vào cuộc chiến một cách bất đắc dĩ, nhưng khi đã nhập thì nhập trọn vẹn, nhập cho ra trò. Súng họ bị gãy đột ngột, không do họ. Một người gãy súng vào tháng ba ở mặt trận cực bắc. Một người phải giấu súng mặc áo thường dân thất thểu tìm về nhà ở mặt trận phía nam, hai ngày sau 30 –  4  – 75. Sau bao năm chịu đựng tủi nhục, liều lĩnh mưu sinh và thoát hiểm, đêm nay họ ngồi ở đây, một cái quán nhỏ trên đường Fifth. Quá khứ họ là đêm. Hiện tại họ là đêm. Nhưng tia lửa rực sáng của cuộc đời họ là lòng trung thực. Hai nhân vật không thèm gian dối, với người, với mình. Chính đức tính ấy tách biệt họ ra khỏi đám đông, giúp cho họ thấy được những điều đám đông không thấy, hoặc không dám thấy. Cái can đảm phân thân giúp họ trở thành hai con người, một người vẫn sống trọn vẹn với quá khứ và hiện tại tha hương, một người tách ra ngoài đứng lên trên tra vấn, nhìn ngắm cái toàn thể. Một người lầm lụi giữa bụi than. Một người tinh mắt tìm kiếm những viên kim cương khuất lấp giữa khối đất đá đen đúa. Đôi mắt khám phá cho được sự thực rốt ráo tận cùng, cho được ”ánh sáng muôn năm” qua các biểu kiến phù du đã giúp Nguyễn Ý Thuần khám phá thấy nhiều điều bất ngờ, khiến cho mỗi truyện ngắn của anh đều mang một ý nghĩa sâu sắc.
Trong ”Tối Tháng Năm Tại Quán Ăn Đường Fifth”, đôi mắt trên cao đã nhìn thấy:
“Trời tháng năm thoáng và mát. Gió rất nhẹ, mơn man trên da thịt. Người có râu xốc nách bạn, vắt cánh tay bạn ngang cổ, hít sâu một hớp không khí. Không gian vắng lặng với ánh đèn đường hắt xuống. Bãi đậu xe chỉ còn chiếc xe cũ của họ đậu bên một chiếc xe mới. Người có râu thở dài nhìn cảnh vật. Hai chiếc xe cũ, mới cạnh nhau. Hình ảnh đôi giầy trận mũi tròn bên đôi giầy cao gót hiện về. Lẩm bẩm những tiếng vô nghĩa, người có râu dìu bạn đi từng bước. Bóng hai người đổ dài, ôm choàng lấy nhau thành một vệt đen. Ngang qua cột đèn, người có râu giật mình nhìn xuống đường. Dưới ánh điện, cái bóng của hai người thun lại, phình to bề ngang. Như một cái xác cụt đầu đã sình thối”.
Chưa bao giờ cái cảm giác lưu vong thất cước được diễn tả trung thực, cô đọng và chói chang đến như vậy.
Nguyễn Ý Thuần dùng đôi mắt mở lớn, sắc sảo, tinh tế ấy để khám phá nhiều mặt khác của đời sống, không bị các phong trào hoặc các hiện tượng nhất thời chi phối…